CỔ VÕ ƠN GỌI THEO THÁNH MÁTTHÊU
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (13.06.2023) – Tạ
ơn Chúa vì Giáo hội Việt Nam còn nhiều ơn gọi hiến dâng. Tuy chưa có nghiên cứu
chính thức để giải thích hoa trái này, nhưng hầu hết chúng ta đều nhìn nhận đây
là đặc ân của Thiên Chúa. Ơn gọi này là một sáng kiến hoàn toàn phát khởi từ
Chúa Cha (x. Ga 15,16). Ơn gọi luôn luôn đến từ Thiên Chúa và chỉ có Ngài mới “quyến
rũ” các bạn trẻ bước vào cánh đồng của Chúa. Nói như thế để cho thấy ơn gọi
theo đúng nghĩa đen của nó: một ơn huệ đến từ Thiên Chúa.
Hiểu theo chiều
hướng trên, thánh Mátthêu có lần đề cập đến một yếu tố nói lên sự thành bại của
việc cổ võ ơn gọi. Đó là: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
(Mt 9,38). Đây cũng là quan điểm của thánh Gioan (Ga 4,35-38), và thánh Luca
(10,2). Ở đây, Mátthêu có một kinh nghiệm khá đặc biệt về ơn gọi của chính
mình. Là người thu thuế (tội lỗi), Mátthêu phải kể là người khá giả vào thời Đức
Giêsu. Ít nhiều Mátthêu đã nghe danh tiếng của Đức Giêsu. Chính ông và người đương
thời cũng không ngờ Đức Giêsu đã tuyển chọn ông vào hàng ngũ các Tông đồ. Đó là
một món quà nhưng không mà Đức Giêsu bất ngờ dành cho ông.
Nhớ lại thời
hoàng kim, Mátthêu vừa có địa vị vừa có tiền bạc[1].
Chính Mátthêu cũng không để tâm đến sự xuất hiện của Đức Giêsu. Chỉ đến một
ngày Đức Giêsu đích thân đến bàn thu thuế, nơi Mátthêu đang làm việc, khúc rẽ mới
bắt đầu. Chúng ta không biết cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra bao lâu và
họ đã nói về điều gì. Mátthêu chỉ ghi lại câu chuyện ơn gọi của mình vỏn vẹn
trong một câu: “Đức Giêsu thấy ông và cất tiếng gọi: anh hãy theo tôi. Và ông đứng
dậy đi theo Người”. Nếu có mặt trong ngày hôm đó, chúng ta thấy Mátthêu đã bỏ tất
cả để đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu. “Món quà của ơn gọi này chắc chắn sẽ là
một món quà đòi hỏi gắt gao”[2].
Tuy vậy, đây cũng là một tiếng gọi hấp dẫn ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hấp dẫn
đến nỗi ông đã mời Đức Giêsu, và đồng nghiệp về nhà ăn mừng. Để sau bữa tiệc
đó, ông trở thành môn đệ, nhận Đức Giêsu làm bạn nghĩa thiết của mình[3],
để hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng Tin mừng. Hơn nữa, chính ông đã để lại cho hậu
thế cuốn Tin mừng đầu tiên.
Với kinh nghiệm
này, Mátthêu đề nghị một phương pháp cổ vũ ơn gọi: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt
sai thợ ra gặt lúa về”. Hoặc nói đúng hơn, đây là phương pháp của chính Đức
Giêsu. Lý do đơn sơ là nếu muốn nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, tất cả chúng ta cần
xin, thưa thốt với Thiên Chúa. Động từ “xin” ở đây không chỉ là lời van nài,
nhưng còn là hành động:
1. Cầu nguyện
cho ơn gọi hiến dâng.
Tuy ơn gọi là
công việc của Chúa, nhưng chính Ngài cũng mong con người cộng tác. Vì lý do
này, chắc chắn những lời cầu xin của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Tiếng
Việt dịch “xin chủ mùa gặt” rất chính xác so với bản tiếng Anh là “pray-cầu
nguyện”; Mátthêu viết: “δεήθητε-các con hãy xin, đề nghị.” Hẳn nhiên nội
hàm của từ này cũng mang nghĩa nguyện cầu. Tuy nhiên lời đề nghị nói lên khao
khát và mong muốn thực sự của con người.
Chúng ta cần ơn gọi
hiến dâng, do đó, thật tốt để xin Chúa gửi nhiều ơn gọi đến cho Giáo hội. Cũng
cần lưu ý rằng: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và
cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu
hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc
dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” (Youcat số 324). Để đến được mục
đích này, thánh Mátthêu đề nghị chúng ta cần xin với Chúa cho được ơn này[4].
Không xin, không ước ao và không muốn, có lẽ mãi mãi chúng ta không nhận ra ơn
gọi của chính mình!
2. Cầu nguyện
đi đôi với hành động.
Thiên Chúa có thể
gọi một người bằng các nhân chứng sống động. Bạn trẻ cần mẫu gương như là dấu
chỉ bên ngoài để giúp nhìn đến nội lực ơn gọi bên trong của mình. Thật tốt để
cùng nhau sống chứng nhân, kể cả trong ơn gọi tu trì. Chiếc áo không làm nên thầy
tu, nhưng nhân chứng giúp tu sĩ nên giống Chúa và thu hút được nhiều người dấn
bước vào đời tu. Hoặc nói theo ngôn ngữ của Đức Giêsu theo thánh Mátthêu:
“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt
5,13-14).
3. Đây có lẽ là
bước quan trọng nhưng không phải là cuối cùng: Để tâm đến việc chăm sóc
tâm hồn của người trẻ.
Từ bầu không khí
gia đình, ơn gọi có thể được ươm mầm. Từ môi trường nhà xứ, ơn gọi có thể được
trồi sinh. Từ môi trường đại học hoặc xã hội, Đức Giêsu có thể đến gọi họ bước
vào con đường hiến dâng. Đây là trường hợp của thánh Mátthêu. Theo đó, chúng ta
thử chỉ ra vài điều cần làm để giúp con cái nhận ra ơn gọi trong môi trường gia
đình[5]:
– Mỗi thành viên là một món quà
– Đời sống cầu nguyện. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chia sẻ rằng: “Nếu
chúng ta không dạy cho người trẻ cầu nguyện, họ sẽ không bao giờ nghe được tiếng
Chúa và hẳn nhiên cũng không đi vào được mối tương quan sâu đậm với Ngài và
cũng không có thiện cảm với Giáo hội”[6].
– Kết bạn với tu sĩ, linh mục
– Cùng nhau tham gia hoạt động giáo xứ
– Dành giờ để trò chuyện
– Nói lời cảm ơn
– Cùng tham dự thánh lễ
– Làm từ thiện, bác ái
– Nhớ gia đình mình là giáo hội thu nhỏ.
Chúng ta đều biết
phương pháp trên đây. Chúng có nền tảng thần học mà thánh Mátthêu đã chỉ ra. Nhờ
nền tảng này, chúng ta một mặt cầu xin, nhưng mặt khác phó thác, tin tưởng vào
chương trình của Thiên Chúa. Đức Giêsu có cách để tiếp tục thu hút người trẻ đến
tìm hiểu, sống và theo Ngài gần hơn. Số lượng linh mục tu sĩ đang lao dốc, phải
chăng chúng ta lo lắng một, nhưng Thiên Chúa cũng băn khoăn mười. Nói vui thế để
nhắc nhau rằng chúng ta cũng có trách nhiệm chăm lo cho cánh đồng lúa chín. Các
tâm hồn cần được Giáo hội chăm sóc. Càng nhiều mục tử, tu sĩ biết chạnh lòng
thương, các linh hồn càng được đến gần Thiên Chúa.
Hướng đi của ơn gọi
hiến dâng rất rõ ràng: đi theo và nên giống Chúa Giêsu (Sequela Christi).
Giống một cách cụ thể trong sứ mạng Thiên Chúa mời gọi. Nếu cả đời Đức Giêsu
loan báo Tin mừng, chạnh lòng thương con người, thì các linh mục, tu sĩ nam nữ
cũng thế. Nếu Con Thiên Chúa rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”, thì người
tu sĩ cùng chung thao thức làm cho muôn người nên con cái Chúa. Là môn đệ Chúa,
người tu sĩ “hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người
phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng
phải cho không như vậy”. Đây cũng là định nghĩa quan trọng về căn tính của người
tu sĩ. Họ dám từ bỏ mọi thứ như thánh Mátthêu để ra
gặt lúa về cho Thiên Chúa. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ:
“Trong việc phân định ơn gọi của mình, các con đừng loại trừ khả năng hiến thân
cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục, đời sống tu trì hoặc các hình thức thánh
hiến khác. Tại sao không? Các con hãy yên tâm rằng nếu các con nhận ra ơn gọi từ
Thiên Chúa và làm theo nó, nó sẽ mang lại cho cuộc đời các con một sự sung mãn
trọn vẹn.” (Tông Huấn Christus Vivit, số
276).
Với tâm tình
trên, chúng ta cùng với thánh Mátthêu, cầu nguyện cho Ơn gọi hiến dâng:
Lạy Chúa Giêsu,
người Thầy và người bạn thân thiết của chúng ta. Nhờ lời cầu bầu và noi gương
thánh Mátthêu – người thu thuế, xin giúp chúng con trung thành sống ơn gọi của
mình. Hơn hết, chúng con van xin, đề nghị Ngài gửi thêm nhiều ơn gọi hiến dâng
cho Giáo hội. Và trên hết, xin giúp cho những người được Thiên Chúa chọn gọi trở
nên những người thợ lành nghề trong cánh đồng của Chúa, có lòng thương xót với
muôn người (Mt 18,33).
[1] Thực ra nhân vật mà chúng ta đang bàn ở đây có hai tê:
Lêvi và Mátthêu. Có lẽ Mátthêu do chính Đức Giêsu đặt cho ông, nghĩa theo tiếng
Do Thái là: “Hồng ân Thiên Chúa”.
[3] “Để phân định ơn gọi của mình, chúng ta phải
nhận ra rằng đây là lời mời gọi của một người bạn: Chúa Giêsu.” (Tông Huấn
Christus Vivit, số 287).
[4] Đọc thêm: http://giaophanthanhhoa.net/giao-luat/tinh-phap-ly-va-muc-vu-cua-bon-phan-co-vo-on-goi-linh-muc-va-tu-si-22419.html