Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria suy niệm những biến cố cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ. Đó cũng là lời Đức Mẹ thường xuyên nhắc nhở chúng ta mỗi khi hiện ra ở nơi này nơi khác. Chúng ta vẫn thường đọc kinh Mân Côi, nhưng chúng ta có để ý rằng có ba cách lần chuỗi Mân Côi?

Rosary.jpg

1. Đọc với tâm hồn an tĩnh, không suy nghĩ:

Có nhiều ông già bà lão thánh thiện tốt lành vẫn ngày ngày đọc kinh Mân Côi như một thói quen đạo đức từ xưa. Công việc bận rộn, cũng như sự đơn sơ của họ không cho họ những phương thế như suy niệm, tưởng tượng chi cao siêu. Họ chỉ thầm thì lời kinh vì biết rằng đó là một việc đạo đức làm đẹp lòng Chúa, vui lòng Đức Mẹ. Tay cầm tràng hạt, họ đọc kinh Mân Côi với tâm hồn an tĩnh và không suy nghĩ gì cả. Thực tế, cách lần chuỗi này cũng phù hợp với những người quá bận bịu hạy chịu nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống. Chuỗi Mân Côi lúc đó đơn giản là một liệu pháp tâm lý kết hợp với niềm tin tưởng đơn sơ chân thành của họ, để trí năng thanh thản, nhịp thở chậm lại và tâm hồn được bình an. Cũng có những hoàn cảnh buộc chúng ta phải lần chuỗi cách này, như vừa đi xe vừa lần chuỗi, vừa lao động tay chân vừa lần chuỗi, chẳng hạn… Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng phương cách này mọi nơi mọi lúc, chuỗi Mân Côi coi chừng lại trở nên một thứ kinh kệ khi chỉ được tụng niệm mà thiếu đi phần ý thức, một thứ lảm nhảm giúp xoa dịu căng thẳng lo âu, một thứ “thuốc phiện tôn giáo” nói theo cách mỉa mai của người vô thần.

2. Đọc và suy niệm về ý nghĩa của những lời kinh:

Có một cách để giúp cho việc đọc kinh Mân Côi không trở nên sáo rỗng, hình thức và vô hồn, đó là chúng ta vừa đọc vừa suy niệm về ý nghĩa của chính những lời kinh chúng ta đọc. Các kinh Lạy Cha (còn gọi là kinh của Chúa vì chính Đức Giêsu dạy), Kính Mừng và Sáng Danh là những nguồn mạch phong phú để suy tư trong đời sống đức tin. Thật vậy, giai thoại về cuộc đời Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong những tháng năm nằm dưỡng bệnh cuối đời rất đáng đánh động chúng ta. Trên giường bệnh, một chị tập sinh thấy chị giáo Tập của mình đang trầm mặc trong suy niệm, tiến đến hỏi: Chị ơi, chị đang suy niệm gì đó? Xin hãy chia sẻ cho em với. Têrêsa trả lời: Em đang suy niệm Kinh Lạy Cha. Nhưng em chỉ đọc tới câu đầu tiên: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” là em không thể nào đọc tiếp được nữa vì biết bao nhiêu tâm tình dâng lên trong em… Trong một đoạn khác trong truyện Một Tâm Hồn, chính thánh nữ đã thú nhận: “Có khi con thấy khô khan quá đến nỗi không tài nào vắt óc lấy một tư tưởng gì khả dĩ kết hợp với Chúa, con lại chậm rãi đọc kinh “Lạy Cha” và “Lời chào kính của sứ thần”, chừng ấy con lại thất sốtsắng. Đọc chậm rãi hai kinh này, linh hồn con được bồi dưỡng hơn là đọc một trăm lần mà đọc vội vã.”

Vì vậy, trong khi đọc chuỗi Mân Côi, chúng ta có thể tập trung suy ngẫm những chân lý đức tin hàm chứa trong các lời kinh Lạy Cha (với 7 lời nguyện xin), kinh Kính Mừng (với từng lời của sứ thần, của bà Elizabeth, và lời của Giáo Hội ca tụng và cầu khẩn Mẹ) và kinh Sáng Danh (với chiều kích đời đời của lời kinh gợi lên). 

3. Đọc và suy niệm về biến cố chúng ta chiêm ngắm:

Có một cách khác nữa để chúng ta đọc kinh Mân Côi sốt sắng, đó là sử dụng trí tưởng tượng Chúa ban để suy niệm về các biến cố chúng ta chiêm ngắm ở mỗi chục kinh. Đây cũng chính là phương pháp nhập vai và tưởng tượng mà thánh Inhã, Đấng sáng lập dòng Tên đã gợi mở trong cuốn sách kinh điển “Linh Thao” của ngài. Cụ thể, trong mỗi chục kinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về một biến cố nào đó trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế và Mẹ Thánh Người. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xin một ơn lành nhân việc suy niệm đó. Chúng ta có thể hình dung về bối cảnh/khung cảnh của biến cố đó như thể đang hiện diện trước mắt chúng ta và chúng ta là một nhân chứng trong biến cố ấy. Chúng ta chiêm ngắm hành vi, lời nói và thái độ của từng nhân vật Thánh Kinh và rút ra ích lợi từ đó. Chúng ta cũng kiểm thảo đời sống mình dựa vào biến cố đó để xin ơn sống thánh thiện hơn. Ví dụ: Chục thứ hai mùa Vui với biến cố Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth, ta hãy xin cho được lòng yêu người. Đặt bối cảnh chúng ta đang cùng đi với Đức Mẹ trên đường lên vùng sơn cước Giuđa, mang trong tim một niềm vui và nhất là mang trong cung lòng mình chính Đấng Cứu Thế. Qua biến cố này, không phải chỉ là hai bà mẹ viếng thăm nhau để hỏi thăm sức khỏe nhau, nhưng chính Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người (cả nhà bà Elizabeth, đặc biệt là Vị Tiền Hô tương lai của Người). Rồi hãy suy niệm về ơn Giáo Hội dạy ta xin: Xin lòng yêu người, nghĩa là xin ơn bác ái. Liệu trong đời sống, chúng ta có bác ái với anh chị em mình chưa, qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm? Nếu còn lấn cấn gì đó trong mối quan hệ với một số người, chúng ta vẫn đối xử với họ bằng tình bác ái hay không? Đọc kinh Mân Côi kiểu này đòi hỏi chúng ta suy niệm rất sâu một biến cố, và vì như vậy, sẽ mất lâu giờ. Nhưng như vậy rất hữu ích cho chúng ta. Đừng bận tâm lo lắng để chu toàn theo chỉ tiêu là phải lần cho trọn chuỗi 50 kinh. Đối với riêng tôi, tôi nghĩ, chỉ cần suy niệm một biến cố như thế thật sâu, để rút ích lợi cho đời sống thiêng liêng và từ đó ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày, thì mười kinh cũng đã đủ rồi. Đó chẳng phải là cách lần chuỗi rất thực tế và đẹp lòng Đức Mẹ, so với đọc cả ngày cả bốn chuỗi nhưng cuộc sống chúng ta chẳng có gì biến đổi sao?  

Con chiên nhỏ

Tháng Mân Côi tháng 10/2022