Gioan 8: 7-11: “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Ngài ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”

Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai
cả.” Chúa Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về
đi, và từ nay đừng phạm tội nữa
!”

thien-chua.jpg

Những gì
Chúa Giêsu đã làm cho người phụ nữ tội lỗi, mà theo lề luật Môsê thì người phụ
nữ phải bị ném đá cho đến chết, thì Ngài vẫn làm cho đến ngày nay. Ngài sẽ làm
điều đó một lần nữa vào ngày mai và Ngài sẽ không ngừng làm điều đó. Lòng tốt lành
của Ngài là vô song. Tình yêu của Ngài là vô lượng, lòng từ bi của Ngài là sâu
sắc; Ngài chìa tay ra với chúng ta mà không cần phán xét, thành kiến ​​và thậm
chí còn ít lời buộc tội hơn: “Quả thật,
Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để
thế gian nhờ Ngài mà được cứu
” (Gioan 3:17). Tại sao vậy ?! “Vì Con Người đến tìm và cứu những gì đã hư mất
(Luca 19:10).  Những người bị hư mất tức
là những người chìm đắm trong tội lỗi, bị mù quáng bởi sự thiếu hiểu biết về
hành vi của họ, về căn tính thực sự của họ trong Chúa Giêsu.

Trên thực tế,
nhiều người quy kết bất hạnh ập đến với họ là do sự thờ ơ hoặc sự kết án của
Thiên Chúa. Chính họ đã tạo ra một hình ảnh sai lầm về Đấng vĩnh cửu, hình ảnh
của một bạo chúa chỉ vốn chờ một lý do nhỏ nhất để lên án ai đó. Nhưng không có
gì giống như thế! Một số người đánh mất chính mình hoặc làm hư mất những người
khác bằng cách biện minh cho diễn biến của các sự kiện bằng cách cho rằng đó là
bản án hoặc sự phán xét của Thiên Chúa. Nhưng vì chúng ta được tự do trong Chúa
Giêsu, và chúng ta có ý chí tự do, được phép tự do lựa chọn giữa sự sống và cái
chết, ánh sáng và bóng tối, chân lý của Tin Mừng và sự tuyên truyền của thế gian,
thì tại sao lại từ bỏ trách nhiệm của mình đối với những hành động chúng ta đã
làm?

Thiên Chúa
không trừng phạt chúng ta, có điều Ngài kêu gọi chúng ta sống trong nề nếp khi
bước chân của chúng ta đi lạc xa khỏi con đường nhân đức. Chính sự bất tuân và
không phối hợp đã khiến chúng ta tiếp xúc với cái ác, ví dụ như bằng những hành
vi không trong sạch của mình, chúng ta chối bỏ sự che chở đầy uy lực của Thiên
Chúa. Và nếu chúng ta không còn ở dưới tay của Đấng Vĩnh Cửu nữa, chúng ta đang
làm mồi cho kẻ thù, cho kẻ phá hoại vốn dĩ quyết tâm cố gắng làm mọi thứ bất kể
điều gì, nhằm làm cho chúng ta trở nên sa đọa, bằng những suy nghĩ chủ bại, để bẻ
gẫy đức tin của chúng ta, bẻ gẫy nhận thức của chúng ta về giao ước của chúng
ta với Thiên Chúa và về mối tương giao với Ngài. Chúng ta đừng mở cánh cửa cuộc
đời mình cho kẻ thù và sau đó buộc tội Thiên Chúa. Cảm giác bị trừng phạt không
có chỗ đứng, đó chỉ là sự có vay có trả: kẻ gieo tội lỗi phải chịu trách nhiệm
về những gì xảy ra với người ấy. Đấng Hằng Hữu không phải chịu trách nhiệm gì về
những việc đó.

Tình yêu
thương của Thiên Chúa không bao giờ phai nhạt: tốt lành, nhẫn nại, thương xót,
bao dung và tha thứ. Nếu một ai đó trong chúng ta coi Thiên Chúa như hình ảnh của
một Đấng Tối cao chuyên quyền và phẫn nộ, thì điều đó đơn giản là họ đã sống chung
với tội lỗi cách quá dính bén. Đó là bởi vì họ luôn để mình sống trong ô nhơ, nên
vấn nạn này dày vò tâm trí của họ. Thay vì tìm kiếm sự nên thánh, hầu như mọi
lúc, họ chủ yếu tìm kiếm cơ hội để đeo cái mặt nạ vâng lời trong cộng đoàn Kitô
hữu, tỏ ra mình giữ đúng Lời Chúa. Tuy nhiên, người ấy không thể đánh lừa hay dối
trá Thiên Chúa được.

Thiên Chúa
không trừng phạt chúng ta, Ngài đặt chúng ta vào nơi thử thách, Ngài kêu gọi
chúng ta sống trong khuôn phép. Một số người tự hỏi làm sao một vị Chúa tốt
lành như vậy lại có thể giáng những hình phạt khắc nghiệt như vậy lên chúng ta.
Tại sao lúc nào chúng ta cũng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa? Sách Thánh viết rằng
chúng ta đang và sẽ bị thử thách: “Không
một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên
Chúa là Đấng trung tín: Ngài sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi
để anh em bị thử thách, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng

(1 Côrintô 10:13). Điều quan trọng là phải đứng dậy và đối mặt với mọi hoàn cảnh,
mọi tình huống, mọi trở ngại. Một môn đệ biết được tình yêu của Thầy của mình không
vì thế mà nghĩ rằng mình đang bị trừng phạt. Người ấy nói, “Đây là một thử thách, một trận chiến, qua đó
tôi sẽ có được chiến thắng để nhận ra ân huệ Chúa dành cho tôi
.”

Câu hỏi
không phải là liệu Thiên Chúa có trừng phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội hay
không mà là câu hỏi chất vấn chúng ta là liệu chúng ta cứ muốn ở lì dưới sự khuất
phục của tội lỗi khi chúng ta biết rằng Chúa Kitô đã chịu đựng mọi đau khổ để
chúng ta được chữa lành không. Không phải đứa con hoang đàng đã quay lưng lại với
cha mình sao? Không phải anh ta đã ăn chơi cạn kiệt những của cải được giao phó
cho anh ta sao? Không phải anh ta đã phục tùng những thú vui hư ảo của trần thế
này sao? Bằng những hành vi này, anh ta đã làm ô danh cha mình, niềm vui nhất
thời của anh ta khiến anh ta chán ghét bản thân về những lỗi lầm của mình. Tuy
nhiên, với tấm lòng chân thành, anh đã cầu xin người cha tha thứ, là người đã
ăn mừng sự ăn năn hối cải của anh mà không phán xét hay phỉ báng anh. Đavít, vốn
là người đẹp lòng Thiên Chúa, đã hành động theo xác thịt, nhưng khi đã ăn năn về
những lỗi lầm của mình, Đấng Hằng Hữu đã ban phúc cho ông và ban cho ông sự tha
thứ của Ngài. Nếu Thiên Chúa tạo nên điều đó cho Vua Đavít, tại sao Ngài lại không
làm điều đó cho chúng ta? Ngài đã làm điều đó ngày hôm qua, Ngài đang làm điều
đó hôm nay, và Ngài sẽ làm điều đó vào ngày mai.

Nếu chúng ta sống trong ân huệ của Thiên Chúa,
thì chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn
!” Thật không may, đây
là lý do của một số người, cả trong Giáo hội và nơi những con chiên bị lạc.
Nhưng với tư cách là tân nương của Chúa Kitô, chúng ta nêu gương sáng nào? Có
gì là vinh vang khi làm ô nhục Đấng ban cho chúng ta ơn cứu độ, sự cứu chuộc và
sự sống?

Thư 1 Côrintô
10:23 có viết: “Được phép làm mọi sự”;
nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Được phép làm mọi sự”; nhưng
không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng
” , cũng như: “Còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì
lánh cho xa
” (1 Têsalônica 5: 22). Thật vậy, mọi thứ đều được phép đối với
chúng ta, nhưng địa vị của chúng ta là con cái của Thiên Chúa đòi buộc và
khuyên chúng ta hãy luôn sống ngay thẳng trong sự tôn kính và tình yêu thương
mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, để phụng sự Ngài một cách trọn hảo. Theo nghĩa
này, chúng ta biết rằng tội lỗi không hữu ích vì nó hủy diệt chúng ta.

Sự tự do mà Thiên
Chúa ban cho chúng ta là một thứ tự do thuần khiết không bị xâm phạm bởi xác thịt
và những lý lẽ của thế gian này. Sự tự do đó phục vụ chúng ta như một ảnh hưởng
để giúp xây dựng những người xung quanh chúng ta. Đúng là mọi thứ đều được cho
phép, nhưng một người đầy tớ chân chính, một môn đệ được Thiên Chúa sủng ái,
không ham mê những thói hư tật xấu mà sự dữ cho phép. Trái lại, người ấy bước
đi theo tiếng Chúa:

Ngài đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu
nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén
này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha
” (Mátthêu 26:39)

Thiên Chúa
đang chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở; Ngài không lên án chúng ta. Mong muốn
của Ngài là giúp chúng ta tìm thấy con đường dẫn đến ánh sáng. Chúng ta tự trừng
phạt mình khi chúng ta chọn làm đau lòng Thiên Chúa. Tội lỗi đưa chúng ta ra khỏi
tình yêu và sự ưu ái của Thiên Chúa. Đừng để chúng ta trở nên nô lệ bởi bất cứ
điều gì. Đừng quay lại lối sống cũ, những di chứng sẽ ghi dấu ấn trong tâm hồn
chúng ta!

Vì vậy, có
lý do để băn khoăn về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Do đó, vấn đề
là tập trung vào cách thức thoát khỏi tội lỗi. Để làm được điều này, chúng ta
phải quỳ gối trước ngai Thiên Chúa và ăn năn về những hành động lang bạt kỳ hồ của
mình, mời Ngài kiểm soát, và cố gắng trở nên tốt lành hơn, được hướng dẫn bởi ý
muốn của Ngài trong sự vâng lời, phục tùng, tôn trọng và tận tụy, bằng cách
nuôi dưỡng niềm khát khao thiên đàng ngày càng thăng tiến, chứ không phải khát
khao những thứ vui thú trần gian. Chính bằng việc trung thành với Thiên Chúa mà
chúng ta luôn ở trong sự hiện diện của Ngài. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tội
lỗi sẽ chết trong chúng ta.

Tóm lại,
chúng ta hãy nhớ điều này: tội lỗi khiến chúng ta xa cách với ân sủng và sự ưu
ái của Thiên Chúa. Vì Đấng Hằng Hữu đối nghịch với tội lỗi, cho nên tình cảm với
tội lỗi sẽ loại bỏ Ngài khỏi cuộc sống của chúng ta và giới hạn sự can thiệp của
Ngài. Tội lỗi dẫn đưa chúng ta xa khỏi những con đường sự sống. Chừng nào còn sự
sống, Thiên Chúa mong ước tất cả những con chiên lạc tìm thấy lối đường của
Ngài, mong ước chúng ta nhận ra sự cứu chuộc và ơn cứu độ, bởi vì mục đích của
Ngài là cứu chúng ta, chứ không phải làm mất giá trị của chúng ta.

Phêrô Phạm
Văn Trung

theo frequencechretienne.fr.