Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, tôn giáo dường như đang trên đà phát triển. Sự sụp đổ của cả chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Xô viết đã để lại một khoảng trống ý thức hệ đang được lấp đầy bởi Kitô giáo Chính thống ở Nga và các quốc gia hậu Xô Viết khác. Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ của Tổng thống George W. Bush, một Kitô hữu theo đạo Tin lành, người không giấu giếm lòng mộ đạo của mình, gợi ý rằng Kitô giáo Tin lành đang xuất hiện như một lực lượng chính trị trong nước. Và vụ tấn công 11/9 đã hướng sự chú ý của quốc tế vào sức mạnh của Hồi giáo chính trị trong thế giới Hồi giáo.

religion.jpg

Cách đây chục năm, tôi và đồng nghiệp
Pippa Norris đã phân tích các dữ kiện về xu hướng tôn giáo ở 49 quốc gia, bao gồm
một số vùng lãnh thổ nhỏ như Bắc Ái Nhĩ Lan, nhờ đó, bằng chứng thăm dò từ năm
1981 đến năm 2007 đã sẵn có (những quốc gia này chứa 60% dân số thế giới).
Chúng tôi không tìm thấy sự hồi sinh phổ biến của tôn giáo, bất chấp những
tuyên bố về điều đó – hầu hết các quốc gia có thu nhập cao trở nên ít tôn giáo
hơn – nhưng chúng tôi nhận thấy ở 33 trong số 49 quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu,
mọi người trở nên sùng đạo hơn trong những năm đó. Điều này đúng ở hầu hết các
nước cộng sản trước đây, ở hầu hết các nước đang phát triển, và thậm chí ở một
số nước có thu nhập cao. Các phát hiện của chúng tôi đã làm rõ rằng kỹ nghệ hóa
và việc truyền bá kiến thức khoa học không làm cho tôn giáo biến mất, như một số
học giả đã từng giả định.

Nhưng kể từ năm 2007, mọi thứ đã thay đổi
với một tốc độ đáng ngạc nhiên. Từ khoảng năm 2007 đến năm 2019, phần lớn các
quốc gia chúng tôi đã nghiên cứu — 43 trong số 49 — trở nên ít tôn giáo hơn. Sự
suy giảm niềm tin không chỉ giới hạn ở các quốc gia có thu nhập cao nhưng xuất
hiện trên hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Càng ngày nhiều người càng không còn thấy
tôn giáo là nguồn hỗ trợ cần thiết và có ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Ngay cả
Hoa Kỳ – từ lâu đã được coi là bằng chứng cho thấy một xã hội tiên tiến về kinh
tế vẫn có thể có tính tôn giáo mạnh mẽ – hiện đã cùng các nước giàu có khác rời
bỏ tôn giáo. Một số lực lượng đang thúc đẩy xu hướng này, nhưng lực lượng mạnh
mẽ nhất là sự suy yếu của một tập hợp các niềm tin liên kết chặt chẽ với yêu cầu
duy trì sinh suất cao. Các xã hội hiện đại đã trở nên ít tôn giáo hơn một phần
vì họ không còn cần phải duy trì các loại chuẩn mực về phái tính và giới tính
mà các tôn giáo lớn trên thế giới đã khắc ghi trong nhiều thế kỷ.

Mặc dù một số người bảo thủ tôn giáo cảnh
cáo rằng việc rút lui khỏi đức tin sẽ dẫn đến sự sụp đổ của tính gắn kết xã hội
và đạo đức công cộng, nhưng bằng chứng không ủng hộ lập trường này. Xem ra có vẻ
bất ngờ, nhưng các quốc gia ít tôn giáo thực sự có xu hướng ít thối nát hơn và
có tỷ lệ giết người thấp hơn các quốc gia nhiều tôn giáo hơn. Không cần phải
nói, bản thân tôn giáo không khuyến khích thối nát và tội phạm. Hiện tượng này
phản ảnh sự kiện này là khi các xã hội phát triển, sự sống còn trở nên an toàn
hơn: nạn đói, trước đây vốn tràn lan, trở nên không phổ biến; tuổi thọ tăng
lên; giết người và các hình thức bạo lực khác giảm dần. Và khi mức độ an ninh
này tăng lên, mọi người có xu hướng trở nên ít tôn giáo hơn.

SỰ THĂNG TRẦM CỦA ĐỨC TIN

Nghiên cứu trước đó của chúng tôi, được
công bố năm 2011, đã so sánh mức độ niềm tin tôn giáo được đo lường từ đầu năm
1981 với những phát hiện từ các cuộc thăm dò mới nhất có sẵn lúc đó, từ khoảng
năm 2007, bao gồm khoảng một phần tư thế kỷ. Trong mỗi cuộc khảo sát, những người
trả lời được yêu cầu cho biết Thiên Chúa quan trọng như thế nào trong cuộc sống
của họ bằng cách chọn một giá trị trên thang điểm từ 1 – “Không quan trọng chút
nào” – đến 10 – “Rất quan trọng”.

Việc khảo sát mức độ tôn giáo của một quốc
gia thay đổi như thế nào theo thời gian đã dẫn đến một số phát hiện nổi bật. Đa
số các quốc gia được thăm dò đều cho thấy một sự gia tăng niềm tin vào tầm quan
trọng của Thiên Chúa. Mức tăng lớn nhất là ở các nước cộng sản trước đây. Thí dụ,
từ năm 1981 đến năm 2007, điểm trung bình của công chúng Bulgaria đã tăng từ
3.6 lên 5.7. Ở Nga, nó đã tăng từ 4.0 lên 6.0. Một phần, sự gia tăng lòng đạo
này là phản ứng đối với sự suy giảm nghiêm trọng của an ninh kinh tế, thể lý và
tâm lý cảm thấy sau khi Liên bang Xô viết tan rã; tôn giáo đã lấp đầy khoảng trống
ý thức hệ do sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản để lại. Các niềm tin tôn giáo
cũng tăng lên ở nhiều nước đang phát triển bên ngoài Liên Xô cũ, bao gồm
Brazil, Trung Quốc, Mexico và Nam Phi. Mặt khác, tôn giáo suy giảm ở hầu hết
các quốc gia có thu nhập cao.

Kể từ năm 2007, đã có một xu hướng xa rời
tôn giáo rõ rệt. Ở hầu hết mọi quốc gia có thu nhập cao, tôn giáo tiếp tục suy
giảm. Đồng thời, nhiều quốc gia nghèo, cùng với hầu hết các quốc gia cộng sản
trước đây, cũng trở nên ít tôn giáo hơn. Từ năm 2007 đến 2019, chỉ có năm quốc
gia trở nên tôn giáo hơn, trong khi phần lớn các quốc gia được nghiên cứu đi
theo hướng ngược lại.

Ấn Độ là ngoại lệ quan trọng nhất đối với
khuôn mẫu suy giảm tín ngưỡng chung. Thời gian của cuộc nghiên cứu gần trùng hợp
với sự trở lại nắm quyền của Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc
Hindu, đảng mà khẩu hiệu chính trị là tìm cách kết hợp bản sắc dân tộc với bản
sắc tôn giáo. Chính phủ của Đảng Bharatiya Janata đã ủng hộ các chính sách phân
biệt đối xử chống lại những người theo các tôn giáo khác, đặc biệt là dân tộc
thiểu số Hồi giáo lớn của Ấn Độ, bằng cách phân cực các cộng đồng và thúc đẩy
các tình cảm tôn giáo.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất xa rời tôn
giáo đã diễn ra trong công chúng Mỹ

Một sự chuyển dịch mạnh mẽ xa rời tôn
giáo đã diễn ra trong công chúng Mỹ. Từ năm 1981 đến năm 2007, Hoa Kỳ được xếp
hạng là một trong những quốc gia có nhiều tinh thần tôn giáo hơn trên thế giới,
với mức độ tín ngưỡng thay đổi rất ít. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã cho thấy một trong
những chuyển dịch lớn nhất xa rời tôn giáo của bất cứ quốc gia nào mà chúng tôi
có dữ kiện. Gần cuối giai đoạn đầu được nghiên cứu, xếp hạng trung bình của người
Mỹ về tầm quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ là 8.2 trên thang điểm
mười. Trong cuộc thăm dò gần đây nhất về Hoa Kỳ, từ năm 2017, con số này đã giảm
xuống còn 7.0. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ là trường hợp chủ chốt chứng minh rằng
việc hiện đại hóa kinh tế không cần thiết phải tạo ra việc thế tục hóa. Theo
thước đo này, Hoa Kỳ hiện được xếp hạng là quốc gia ít tôn giáo thứ 32 mà chúng
tôi có dữ kiện.

Các nhà tư tưởng có ảnh hưởng từ Karl
Marx, Max Weber đến Émile Durkheim đã tiên đoán rằng sự truyền bá kiến thức
khoa học sẽ xua tan tôn giáo trên toàn thế giới, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Đối với hầu hết mọi người, đức tin tôn giáo có tính xúc cảm hơn là nhận thức.
Và trong phần lớn lịch sử loài người, sự sống còn vẫn luôn là điều không chắc
chắn. Tôn giáo cung cấp sự bảo đảm này là thế giới nằm trong tay của một quyền
lực (hoặc những quyền lực) cao hơn và không thể sai lầm, Đấng từng hứa rằng, nếu
người ta tuân theo các quy tắc, mọi sự cuối cùng sẽ diễn ra tốt đẹp nhất. Trong
một thế giới mà mọi người thường sống với cảnh gần chết đói, tôn giáo đã giúp họ
đối phó với sự bất ổn và căng thẳng nghiêm trọng. Nhưng khi sự phát triển kinh
tế và kỹ thuật diễn ra, con người ngày càng có thể thoát khỏi nạn đói, chống chọi
với bệnh tật và đàn áp bạo lực. Họ trở nên ít phụ thuộc hơn vào tôn giáo – và
ít sẵn sàng chấp nhận những ràng buộc của tôn giáo, bao gồm cả việc giữ phụ nữ ở
trong bếp và những người đồng tính trong nơi kín đáo – khi sự bất an của đời sống
giảm đi và tuổi thọ tăng lên.

Việc thế tục hóa không xảy ra ở mọi nơi
cùng một lúc; nó xảy ra khi các quốc gia đã đạt được mức sống an ninh cao, và
thậm chí sau đó nó thường di chuyển với tốc độ hết sức chậm, khi thế hệ này
thay thế thế hệ khác. Nó thậm chí có thể tự đảo ngược, với các xã hội trở nên
tôn giáo hơn nếu họ trải qua thời gian suy giảm an ninh kéo dài. Quá trình thế
tục hóa đã dần diễn ra kể từ thế kỷ XIX, bắt đầu từ những xã hội Tây Âu và Bắc
Mỹ vốn được an toàn nhất về kinh tế và thể lý, sau đó ngày càng lan rộng ra nhiều
nơi trên thế giới.

Mặc dù việc thế tục hóa thường xảy ra
cùng tốc độ với việc thay thế dân số liên thế hệ, nhưng nó có thể đạt đến điểm
có những thay đổi trọng yếu khi ý kiến đương thịnh thay đổi và bị ảnh hưởng bởi
các lực lượng của chủ nghĩa thủ cựu (conformism) và ý thích xã hội, người ta bắt
đầu ủng hộ quan điểm mà họ từng phản đối — tạo ra sự thay đổi văn hóa đặc biệt
nhanh chóng. Các nhóm trẻ hơn và có trình độ học vấn tốt hơn ở các quốc gia có
thu nhập cao gần đây đã đạt đến mức này.

ĐÁNH MẤT TÔN GIÁO

Một số nhân tố khác ngoài trình độ phát
triển kinh tế và kỹ thuật đang gia tăng giúp giải thích sự suy sụp của tôn
giáo. Tại Hoa Kỳ, chính trị chiếm một phần trong sự suy giảm này. Kể từ những
năm 1990, Đảng Cộng hòa đã tìm cách giành được sự ủng hộ bằng cách áp dụng các
quan điểm bảo thủ của Kitô giáo về hôn nhân đồng tính, phá thai và các vấn đề
văn hóa khác. Nhưng lời kêu gọi chính trị này đối với các cử tri tôn giáo đã có
một hệ quả tất yếu là đẩy các cử tri khác, nhất là những người trẻ và cấp tiến
về văn hóa, rời xa tôn giáo. Trước đây, người ta thường cho rằng niềm tin tôn
giáo định hình quan điểm chính trị, chứ không phải ngược lại. Nhưng bằng chứng
gần đây cho thấy mối tương quan nhân quả có thể diễn ra theo hướng khác: các
nghiên cứu hội thào đã phát hiện ra điều này là nhiều người thay đổi quan điểm
chính trị của họ trước rồi sau đó trở nên ít tôn giáo hơn.

Việc ủng hộ mà không cần phê phán Tổng
thống Donald Trump – một nhà lãnh đạo không thể được mô tả như một hình mẫu của
nhân đức Kitô giáo – của nhiều người Tin Lành nổi tiếng đã khiến những người
người Tin Lành khác lo sợ rằng những người trẻ tuổi sẽ bỏ nhà thờ của họ hàng
loạt, tăng tốc một xu hướng đang diễn ra. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo Rôma
đã mất đi tín đồ vì những cuộc khủng hoảng của chính họ. Đầu năm nay, Trung tâm
Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 92% người trưởng thành ở Mỹ biết rõ các báo
cáo gần đây về lạm dụng tình dục của các linh mục Công Giáo, và khoảng 80% những
người được thăm dò cho biết họ tin rằng những vụ lạm dụng này là “những vấn đề
liên tục vẫn đang diễn ra”. Thành thử, 27 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ được
thăm dò ý kiến nói rằng họ đã giảm bớt việc tham dự Thánh lễ như một phản ứng đối
với những báo cáo này.

Nhưng có lẽ động lực quan trọng nhất đằng
sau diễn trình thế tục hóa là một sự chuyển đổi liên quan đến các chuẩn mực điều
hòa khả năng sinh sản. Trong nhiều thế kỷ, hầu hết các xã hội giao cho phụ nữ
vai trò sinh ra càng nhiều con càng tốt và không khuyến khích ly hôn, phá thai,
đồng tính luyến ái, ngừa thai và bất cứ hành vi tình dục nào không liên quan đến
sinh sản. Các trước tác tâm linh của các tôn giáo lớn trên thế giới khác nhau rất
nhiều, nhưng như tôi và Norris đã chứng minh, hầu như tất cả các tôn giáo trên
thế giới đều truyền dạy những chuẩn mực ủng hộ khả năng sinh sản này nơi các
tín hữu của họ. Các tôn giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng sinh sản vì
nó là cần thiết. Trong thế giới tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao và tuổi thọ thấp
vẫn phổ biến cho đến gần đây, trung bình một phụ nữ phải sinh từ năm đến tám đứa
con chỉ để thay thế dân số.

Trong thế kỷ 20, ngày càng có nhiều quốc
gia đạt được tỷ lệ giảm đáng kể tử vong ở trẻ sơ sinh và kỳ vọng sống cao hơn,
khiến những chuẩn mực văn hóa truyền thống trê không còn cần thiết nữa. Diễn
trình này không diễn ra trong một sớm một chiều. Các tôn giáo lớn trên thế giới
đã trình bày các quy tắc ủng hộ sinh sản như là các quy tắc đạo đức tuyệt đối
và kiên quyết chống lại sự thay đổi. Người ta dần dần từ bỏ những niềm tin và
vai trò xã hội quen thuộc mà họ đã biết từ thời thơ ấu liên quan đến giới tính
và tác phong tình dục. Nhưng khi một xã hội đạt đến mức an ninh kinh tế và vật
chất đủ cao, các thế hệ trẻ lớn lên coi sự an toàn đó là điều hiển nhiên, và
các tiêu chuẩn xung quanh mức sinh dần mất đi. Các ý tưởng, thực hành và luật lệ
liên quan đến bình đẳng phái tính, ly hôn, phá thai và đồng tính luyến ái hiện
đang thay đổi nhanh chóng.

Sự thay đổi trên có thể định lượng được.
Dữ kiện được thu thập trong cuộc Khảo sát Giá trị Thế giới trong những năm qua
cung cấp cái nhìn sơ lược về một biến đổi sâu xa. Cuộc khảo sát sử dụng thang
điểm mười dựa trên mức độ chấp nhận ly hôn, phá thai và đồng tính luyến ái của
mỗi quốc gia. Điểm chủ yếu ở khoảng giữa thang điểm, tức 5.50: điểm thấp hơn cho
thấy phần lớn người dân trong nước có các quan điểm bảo thủ hơn và điểm cao hơn
cho thấy phần lớn có quan điểm tự do hơn, tập chú vào sự lựa chọn của cá nhân.
Vào khoảng năm 1981, phần lớn ở mọi quốc gia mà chúng tôi có dữ kiện đều ủng hộ
các chuẩn mực phò sinh sản. Ngay ở các quốc gia có thu nhập cao, điểm trung
bình lên xuống từ mức thấp như 3.44 (Tây Ban Nha), 3.49 (Hoa Kỳ), 3.50 (Nhật Bản),
4.14 (Vương quốc Anh) và 4.63 (Phần Lan) đến mức cao nhất là 5.35 cho Thụy Điển
– khi đó là quốc gia tự do nhất nhưng với điểm số vẫn thấp hơn một chút so với
điểm chủ yếu của thang điểm. Nhưng một sự thay đổi sâu xa đang diễn tiến. Đến
năm 2019, điểm trung bình của Tây Ban Nha đã tăng lên 6.74, Hoa Kỳ là 5.86, Nhật
Bản là 6.17, Vương quốc Anh là 6.90, Phần Lan là 7.35 và của Thụy Điển là 8.49.
Tất cả các quốc gia này đều ở dưới điểm chủ yếu 5.50 khi được thăm dò lần đầu
và tất cả đều ở trên mức này vào năm 2019. Những con số này cho ta một bức
tranh được đơn giản hóa về một thực tại phức tạp, nhưng chúng nói lên quy mô của
sự gia tốc gần đây của diễn trình thế tục hóa.

Xu hướng này đã và đang lan rộng ra phần
còn lại của thế giới, với một ngoại lệ chính. Dân số của 18 quốc gia đa số theo
Hồi giáo mà dữ kiện có sẵn trong Khảo sát Giá trị Thế giới vẫn ở dưới mức chủ yếu,
vẫn có tôn giáo một cách mạnh mẽ và cam kết duy trì các chuẩn mực truyền thống
liên quan đến phái tính và khả năng sinh sản. Mặc dù đang kiểm soát sự phát triển
kinh tế, các quốc gia đa số theo Hồi giáo có xu hướng hơi bảo thủ về tôn giáo
và văn hóa hơn mức trung bình.

NHỮNG ĐIỀU SẼ KHÔNG TAN BIẾN

Trong nhiều thế kỷ, tôn giáo đã đóng vai
trò là động lực của liên kết xã hội, giảm thiểu tội phạm và khuyến khích tuân
giữ pháp luật. Mỗi tôn giáo lớn đều khắc sâu một số phiên bản của các điều răn
trong Kinh thánh “Ngươi không được trộm cắp” và “Ngươi không được giết người”.
Vì vậy, có thể hiểu được rằng những người bảo thủ tôn giáo lo sợ rằng việc xa rời
tôn giáo sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn xã hội, với nạn thối nát và tội phạm
gia tăng. Nhưng ở một mức độ đáng ngạc nhiên, mối quan tâm đó không được hỗ trợ
bởi các bằng chứng.

Kể từ năm 1993, Tổ chức Minh bạch Quốc tế
đã theo dõi tình trạng thối nát và tính trung thực tương đối của các viên chức
chính phủ và doanh nhân trên khắp thế giới. Mỗi năm, nhóm quan sát này công bố
Chỉ số Tri nhận Thối nát, nhằm xếp hạng thối nát trong khu vực công ở 180 quốc
gia và vùng lãnh thổ. Những dữ kiện này giúp chúng ta có thể kiểm chứng mối
liên hệ thực tế giữa lòng đạo và việc tham nhũng: Tham nhũng ở các quốc gia có
tôn giáo nhiều hơn liệu có ít phổ biến hơn là ở các quốc gia ít tôn giáo hơn
không? Câu trả lời không mơ hồ là “không” – thực thế, các quốc gia có tôn giáo
thực sự có xu hướng tham nhũng hơn các quốc gia thế tục. Các quốc gia Bắc Âu có
tính thế tục cao có một số mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới và các quốc gia
tôn giáo cao, chẳng hạn như Bangladesh, Guatemala, Iraq, Tanzania và Zimbabwe,
có mức tham nhũng cao nhất.

Rõ ràng, lòng đạo không gây ra tham
nhũng. Các quốc gia có mức độ an ninh kinh tế và vật chất thấp có xu hướng có mức
độ tôn giáo cao và mức độ tham nhũng cũng cao. Mặc dù tôn giáo có thể đã từng
đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đạo đức công cộng, nhưng vai trò
đó sẽ thu hẹp lại khi các xã hội phát triển về mặt kinh tế. Người dân các nước
theo tôn giáo hơi có xu hướng lên án tham nhũng so với người dân của các quốc
gia ít tôn giáo hơn, nhưng tác động của tôn giáo đối với hành vi kết thúc ở đó.
Tôn giáo có thể làm cho con người trở nên thích trừng phạt hơn, nhưng nó không
làm cho họ ít tham nhũng hơn.

Khuôn mẫu trên cũng áp dụng vào các tội
phạm khác, chẳng hạn như giết người. Xem ra có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng tỷ lệ
giết người ở các quốc gia có tôn giáo nhất cao gấp mười lần hơn so với các quốc
gia ít tôn giáo nhất. Một số quốc gia tương đối nghèo có tỷ lệ giết người thấp,
nhưng nhìn chung, các quốc gia thịnh vượng, tức có thể cung cấp cho cư dân của
họ sự an ninh vật chất và pháp lý, an toàn hơn nhiều so với các quốc gia nghèo.
Tất nhiên, không phải là tôn giáo gây ra các vụ giết người, mà cả tội phạm lẫn
tôn giáo đều có xu hướng cao trong các xã hội có mức độ an ninh thấp về hiện
sinh.

Các quốc gia có tôn giáo thực sự có xu
hướng tham nhũng nhiều hơn các quốc gia thế tục.

Bằng chứng cho thấy các xã hội hiện đại
sẽ không rơi vào hỗn loạn hư vô chủ nghĩa nếu không có đức tin tôn giáo để ràng
buộc họ, nhưng điều đó có thể không phải lúc nào cũng vậy. Trong các xã hội
nông nghiệp sơ khai, khi hầu hết mọi người sống trên mức sinh tồn, tôn giáo có
thể là cách hữu hiệu nhất để duy trì trật tự và sự liên kết. Nhưng hiện đại hóa
đã thay đổi phương trình. Khi tôn giáo truyền thống suy giảm, một bộ chuẩn mực
đạo đức mạnh mẽ không kém dường như đang xuất hiện để lấp đầy khoảng trống. Bằng
chứng từ Khảo sát Giá trị Thế giới cho thấy rằng ở các quốc gia an ninh và thế
tục cao, người dân ngày càng dành ưu tiên cao hơn cho việc tự phát biểu và tự
do lựa chọn, với việc ngày càng nhấn mạnh đến quyền con người, lòng khoan dung
với người ngoài, bảo vệ môi trường, bình đẳng phái tính và tự do phát biểu.

Các tôn giáo truyền thống có thể gây
chia rẽ nguy hiểm trong xã hội hoàn cầu đương thời. Các tôn giáo vốn có xu hướng
trình bày các chuẩn mực của họ như là các giá trị tuyệt đối, mặc dù thực tế là
chúng chỉ phản ảnh lịch sử và các đặc điểm kinh tế xã hội của xã hội họ. Sự cứng
ngắc của bất cứ hệ thống tín ngưỡng tuyệt đối nào cũng có thể dẫn đến sự bất
khoan dung cuồng tín, như các cuộc xung đột lịch sử giữa Công Giáo và Thệ phản
và giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo đã chứng minh.

Khi các xã hội phát triển từ nông nghiệp
sang công nghiệp đến dựa trên nhận thức, thì an ninh hiện sinh gia tăng có xu
hướng làm giảm tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống người ta và người ta
trở nên ít vâng lời các nhà lãnh đạo và định chế tôn giáo truyền thống hơn. Xu
hướng đó xem ra sẽ tiếp tục, nhưng tương lai luôn không chắc chắn. Các đại dịch
như COVID-19 làm giảm cảm giác an toàn hiện sinh của mọi người. Nếu đại dịch
kéo dài nhiều năm hoặc dẫn đến một cuộc Đại suy thoái mới, thì những thay đổi văn
hóa trong những thập niên gần đây có thể bắt đầu đảo ngược.

Nhưng sự thay đổi đó vẫn khó xảy ra, bởi
vì nó sẽ đi ngược lại xu hướng mạnh mẽ, lâu dài, do kỹ thuật thúc đẩy của sự thịnh
vượng ngày càng tăng và tuổi thọ cũng ngày gia tăng đang giúp thúc đẩy mọi người
ra khỏi tôn giáo. Nếu xu hướng đó tiếp tục, ảnh hưởng mà các thẩm quyền tôn
giáo truyền thống vốn tác động trên đạo đức công cộng sẽ tiếp tục thu hẹp khi
văn hóa khoan dung ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bài viết của Ronald F. Inglehart