Ngày 2/3 tới đây, Thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Sabina trên đồi Aventino của Roma, nhà thờ “trạm” thứ nhất trong số các nhà thờ “trạm” mà các tín hữu “dừng lại” trong hành trình Mùa Chay, những nơi kính nhớ các vị tử đạo của Giáo hội Roma. Các nhà thờ này được sắp xếp theo một thứ tự gần như cố định, bắt đầu từ đền thờ thánh Sabina vào thứ Tư lễ Tro, và kết thúc tại nhà thờ thánh Pancrazio trên đồi Giannicolo vào Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh.

Hồng Thủy – Vatican News

Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium của Công đồng chung Vatican II tuyên bố rằng trong Mùa Chay, chúng ta chuẩn bị cho Lễ Phục sinh với thái độ “bước đi và chờ đợi”, mời gọi hoán cải thông qua sự tỉnh thức bằng các công việc sám hối, bác ái và chay tịnh, để “tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.” (Sacrosanctum Concilium 110).

Phụng vụ Mùa Chay cũng bao gồm các Thánh lễ tại các nhà thờ “trạm”, một cử hành Thánh Thể thuộc về một truyền thống cổ xưa nhưng vẫn còn sống động đến ngày nay và được Tòa Thánh thúc đẩy mạnh mẽ, với mục đích “thúc đẩy sự tôn kính các thánh Tử Đạo và để gia tăng và đào sâu lịch sử chính xác của các Nhân chứng Đức tin và các nơi kính nhớ các ngài từ những thế kỷ đầu tiên của Ki-tô giáo”.

Nguồn gốc của từ statio – “trạm”

“Trạm” hay “chặng” được dịch từ tiếng Latinh: statio. Ở thời đại chúng ta, trạm có nghĩa là một nơi dừng lại dọc theo một tuyến đường, một hành trình. Đó là một thuật ngữ được dùng trong thế giới La Mã cổ xưa, và đã tồn tại lâu dài cho đến thời đại chúng ta. Thuật ngữ “trạm” ở đây muốn nói đến một đồn canh gác quân sự, nằm dọc theo các đường phố và biên giới của Đế quốc La Mã cổ xưa, nhưng theo các nguồn tài liệu, việc sử dụng từ này được cho là linh hoạt và cũng liên quan đến các hoạt động hành chính hoặc đơn giản là chỉ sự dừng lại, nghỉ ngơi. Có lẽ chính sự đa dạng về ý nghĩa này là lý do khiến thuật ngữ này còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Điều đáng chú ý là trong các nguồn tài liệu cổ gần thời chúng ta nhất, từ statio không chỉ có ý nghĩa hậu cần mà còn chỉ tình trạng, thái độ của linh hồn. Trong một số tác phẩm của mình (Ad uxorem [II, IV, 1] và De oratione [XIX, 5]), giáo phụ Tertuliano đã nói về nguồn gốc của từ statio: “Statio có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự, bởi vì chúng ta là đội quân của Thiên Chúa”. Cũng như lính canh là người canh gác doanh trại, người tín hữu phải luôn tỉnh thức, nhất là trong Mùa Chay.

Nhà thờ trạm

Ngay từ giữa thế kỷ thứ hai, tác phẩm Mục tử Hermas (LIV 1, 1), đã xác định trạm – statio – là một địa điểm; trong trường hợp này, statio là một ngọn núi, nơi thực hành các thực hành sám hối.

Tác phẩm Depositio Martyrum, danh sách các vị tử đạo Roma, có từ năm 354, ghi rằng statio là một nơi mà cộng đoàn tụ quy để cầu nguyện với vị tử đạo được an táng ở đó, khi họ cử hành ngày tử đạo – ngày sinh nhật trên trời của ngài; đối với các Kitô hữu, ngày tử đạo trở thành sự tái sinh với sự sống đích thực.

Trong khi đó, trong tác phẩm Liber Pontificalis, thu thập tiểu sử của các Giáo hoàng, lần đầu tiên một số “trạm” được đề cập dưới hình thức chính thức, khi Đức Giáo hoàng Hilario (461-468) tặng cho những nơi này một số bình được dùng cho các cử hành phụng vụ.

Các “trạm” được liên kết với một số thời điểm phụng vụ và một số lễ kính nhớ trọng thể các thánh và các vị tử đạo; các lễ này không chỉ được cử hành ở Rôma mà còn lan rộng ở những nơi khác, đặc biệt là ở Bắc Phi và Châu Âu, như một dấu hiệu của lòng trung thành với Giáo hội Roma và với việc noi gương Giáo hội ở đây.

Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng từ năm 590 đến năm 604, đã tổ chức lại hệ thống các nhà thờ trạm và thiết lập phụng vụ, bắt đầu truyền thống này.

Mối liên kết với các vị tử đạo

Các thánh tử đạo là mối dây liên lạc giữa các tín hữu và Thiên Chúa, bằng tấm gương hiến thân hoàn toàn đến mức hy sinh mạng sống, để tuyên bố và bảo vệ đức tin. Từ ngữ tử đạo bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp μάρτυς (mártys), có nghĩa là nhân chứng.

Phụng vụ của các trạm Mùa Chay thể hiện mối liên hệ này: trải dài suốt Mùa Chay, cho đến Tuần Thánh, xác nhận cho lời của giáo phụ Tertuliano, Christus in Martyre est (De pudicitia 22), “Chúa Kitô ở trong vị tử đạo”. Cuộc tử đạo của các thánh tái hiện cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Các vị tử đạo dẫn chúng ta đến Mầu nhiệm và giúp cho hành trình cá nhân đi lên đồi Can-vê của chúng ta, cho phép chúng ta thăng tiến về đời sống thiêng liêng và về sự hoán cải.

Cử hành phụng vụ nhà thờ “trạm” trong Mùa Chay

Các cuộc cử hành bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào Chúa Nhật của Tuần Bát nhật Phục sinh. Vị chủ sự các cử hành là giám mục, do đó ở Roma, vị chủ sự là Đức Giáo hoàng. Ngài cùng các giám mục, linh mục, phó tế, và các tín hữu quy tụ tại một nhà thờ gần nhà thờ “trạm” và đọc lời nguyện, rồi sau đó đi cùng đoàn rước đến nhà thờ “trạm” trong khi hát kinh cầu các thánh.

Có một số sự kiện lịch sử đã làm gián đoạn truyền thống này. Ví dụ, truyền thống đã bị ngưng lại trong thời gian các Giáo hoàng ở Avignon (1309-1377) và không còn được cử hành sau vụ tấn công phá cổng thành Porta Pia ở Roma vào năm 1870, khi các đám rước bị cấm vì lý do trật tự công cộng. Truyền thống cử hành phụng vụ nhà thờ “trạm” được cử hành lại sau Hiệp ước Laterano, nhờ sự dấn thân của Đức ông Carlo Respighi. Từ năm 1931 đến 1947, Đức ông Respighi đã ủng hộ và khuyến khích truyền thống này và đã thực hiện lại ở Roma. Kể từ đó, Đức Giáo hoàng cũng đã tham gia vào trạm đầu tiên, mà theo truyền thống tại đền thờ thánh Sabina.

Các nhà thờ “trạm”

Danh sách các nhà thờ trạm ở Roma đã được lập và tăng lên theo thời gian. Nó bao gồm trước hết là các đền thờ lớn như đền thờ thánh Phê-rô, Gioan Laterano, Đức Bà Cả và thánh Phao-lô ngoại thành. Liên kết với những nơi này là các đền thờ và nhà thờ khác; danh sách những nơi này không cố định, nhưng được thay đổi để đáp ứng với các nhu cầu ngẫu nhiên.

Các nguồn tài liệu không cho chúng ta hiểu lý do các đền thờ hay nhà thờ được chọn, cũng như thứ tự các nhà thờ trạm. Chỉ có những giả thuyết. Ví dụ, việc lựa chọn nhà thờ thánh Sabina là trạm đầu tiên có lẽ là do vị trí của nó, nằm trên đồi Aventino, nhìn xuống dòng sông Tevere và thành phố bên dưới. Trong thời cổ đại, đoàn rước bắt đầu từ nhà thờ thánh nữ Anastasia, gần trường đua cổ Massimo. Để đến được nhà thờ thánh Sabina, cần đi theo con đường dốc dài và con đường dài lên đồi Aventino, một cách nào đó, tượng trưng cho con đường thanh lọc tâm hồn hướng tới hoàn thiện tinh thần.

Trong mùa Chay, các nhà thờ trạm được tổ chức để mỗi ngày, Thánh lễ được cử hành tại những vùng khác nhau của thành phố. Trong tuần bát nhật Phục sinh, các nhà thờ trạm tạo nên một kinh cầu các thánh, bắt đầu từ đền thờ Đức Bà Cả vào Chúa Nhật Phục sinh và đến đền thờ thánh Phêrô, rồi Phaolô, rồi Lôrenxô, các thánh Tông đồ và các thánh tử đạo.

Ý nghĩa của nghi thức phụng vụ nhà thờ “trạm”

Hiệp thông

Nghi thức bắt đầu với lời nguyện, nghĩa là các tín hữu quy tụ xung quanh Đức Giáo Hoàng hoặc giám mục, thể hiện sự hiệp nhất, sự tham dự tập thể. Phụng vụ của các nhà thờ trạm là một sự liên kết với nhau, cùng nhau đi đến những góc xa nhất của thành phố, để gặp gỡ các cộng đoàn địa phương khác nhau, nói lên những gì Hiến chế Phụng vụ thánh nói đến: “Việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội” (110).

Giáo hội lữ hành

Ngay sau lời nguyện, đoàn rước di chuyển để đến nhà thờ trạm; cuộc rước cũng có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Toàn bộ phụng vụ Kitô giáo được tạo nên bởi các chuyển động, của cuộc hành trình: bên cạnh đền thờ Thánh Phêrô và các đền thờ lớn, các nhà thờ khác nằm trong thành phố cũng tham gia vào hành trình các nhà thờ trạm, chứng tỏ những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô và những vị tiền nhiệm của ngài được bắt nguồn từ trong truyền thống của Giáo hội. Đức Thánh Cha không ngừng nói về một Giáo hội phải đi ra: nếu ngày nay, đối với chúng ta, các nhà thờ trạm dường như tương đối nằm ở trung tâm, thì vào thời xưa, nhiều nhà thờ trong số các nhà thờ này nằm ở vùng ngoại ô. Vì vậy, hành trình Mùa Chay này là một cuộc hành hương đạo đức, nơi các tín hữu trở thành người hành hương, có nghĩa là người khách lữ hành. Họ lên đường để bày tỏ lòng tôn kính tại các nơi an nghỉ của các thánh tử đạo và thông qua các ngài để gặp gỡ Chúa Giê-su. Các nhà thờ trạm nằm rải rác khắp Roma là tấm gương biểu tượng của cuộc hành hương, từ thời kỳ đầu của Ki-tô giáo, hướng về Giêrusalem.

Kết nối sống động với Giáo hội sơ khai

Trong khi các thành phố khác như Giêrusalem, Constantinople, và Milano đã từng có các cử hành phụng vụ các nhà thờ “trạm” tương tự, thì Roma là thành phố duy nhất tiếp tục các nghi lễ này dưới một số hình thức thường lệ. Vì vậy, cũng giống như các tác phẩm của các Giáo phụ và nghệ thuật của thời kỳ đầu Kitô giáo, chu kỳ phụng vụ nhà thờ trạm truyền đến thời chúng ta như một tượng đài của Giáo hội sơ khai, một kết nối sống động với giai đoạn khi mà chứng tá của các vị tử đạo vẫn còn mới mẻ và âm vang giọng nói của các thánh tông đồ vẫn có thể nghe thấy trên đường phố của thành phố.

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: