Vậy, thưa Thầy, tại sao Thầy lại ví Thầy như người mục tử và chúng con là đoàn chiên?
Khi dùng hình ảnh này, Thầy không có ý nói đoàn chiên thì câm lặng hoặc các mục tử dẫn chiên đi sai đường. Trái lại, trong nền văn hóa của chúng ta, các mục tử rất lanh lợi và làm mọi sự cho đoàn chiên, bảo vệ, hướng dẫn chúng cho thích hợp, thậm chí còn đi tìm những con chiên lạc bầy. Và con chiên, trong nền văn hóa của Thầy, rất đáng quý. Chúng cung cấp len, sữa và thịt béo.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Tác phẩm: Phỏng vấn thầy Giêsu

Nguyên tác: Interviews with Jesus

Tác giả: Lm. Rudolf Host, SVD

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, O.P

Phỏng vấn thầy Giêsu, một ý tưởng xem ra khá lạ lẫm khi mà thời đại của chúng ta và thầy Giê-su cách nhau hơn hai ngàn năm. Vậy ý tưởng này từ đâu mà đến? Chúng ta cùng nghe về cội nguồn của ý tưởng này, cũng chính là ý tưởng của tác giả cuốn sách, là một linh mục.

Chúng ta cùng khám phá thôi nào.

Câu chuyện bắt đầu từ một linh mục đang soạn bài giảng Tin mừng Chúa nhật và vị linh mục cảm thấy:

“Tôi thấy khó khăn khi phải đan kết mọi sự trong bài Tin mừng và ý tưởng thành một bài giảng. Bài giảng phải giải thích đoạn Tin mừng và, quan trọng hơn, đó là đưa ra bài học cho các tín hữu ở thế kỷ 21 đang lắng nghe.

Tuy nhiên, có quá nhiều câu hỏi nảy sinh về bản văn được viết từ hơn hai ngàn năm trước trong một nền văn hóa rất khác với nền văn hóa của chúng ta.

Và vị linh mục thốt lên:

Chà, nếu được ở đó, được thấy Thầy Giêsu, được nghe Người, gặp gỡ các bạn hữu của Người, những kẻ thù của Người…! Và một vấn đề làm tôi băn khoăn: liệu tôi lại không giải thích sai lạc về Thầy Giêsu như biết bao người đã làm trong quá khứ sao?

Từ đây, vị linh mục nhớ đến những lời nói của linh mục Albert Nolan trong một cuốn sách, trong cuốn sách đó, linh mục Albert Nolan viết như sau:

“Qua các thời đại, hàng triệu người đã tôn kính danh thánh Đức Giêsu, nhưng ít kẻ hiểu được Người và lại càng ít kẻ cố gắng thực hành những gì Người muốn thấy được thực hành.”

“Lời của Người lắt léo và đem lại ý nghĩa cho mọi sự, cho bất cứ điều gì và chẳng cho điều nào cả.”

“Danh Người đã từng được sử dụng và bị lạm dụng để biện minh cho các tội ác, để dọa dẫm trẻ con và để gợi cho người ta sự điên khùng anh hùng. Chúa Giêsu vốn từng được thường xuyên tôn kính và phụng thờ vì những gì Người không chủ ý làm cho bằng những gì Người chủ ý…”

Ngẫm nghĩ những lời này, tác giả cảm thấy:

Lời cha Nolan là thực tế đồng thời lại đáng sợ. Tôi không nhìn máy tính nữa mà nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Mây đen giăng ngang bầu trời bởi một cơn gió mạnh. Tôi sẽ làm gì đây?

Một điều mà các nhà giảng thuyết chúng ta thường quên là Chúa Giêsu là một người Do Thái và chúng ta chỉ có thể hiểu Người một cách đúng đắn khi chúng ta nhìn và giải thích Người trong bối cảnh Do Thái của Người.

Tôi ý thức điều này rất mạnh mẽ khi mới đây tôi đọc được mấy dòng sau đây, “Ngày nay lời Chúa Giêsu quá quen thuộc, quá gần gũi, đã bị tước bỏ hết tính khác thường và tính khẩn cấp ban đầu của chúng. Chỉ khi nào người ta nghe với đôi tai Do Thái ở thế kỷ thứ nhất, người ta mới có thể khám phá ra tính khác thường và tính khẩn cấp nguyên thủy của những lời ấy.”

Làm thế nào đây? Làm thế nào để gặp gỡ Đức Giêsu trong môi trường và bối cảnh Do Thái nguyên thủy của Người?

“Chúng ta đã đọc thấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ Biển Hồ Galilê – nhưng chúng ta không thấy cái hồ ấy. Chúng ta không nghe thấy tiếng chân của Chúa Giêsu và các môn đệ Người đi trên bãi cát. Chúng ta luôn luôn được khuyến khích hãy mường tượng ra khung cảnh – để thấy, để nghe, và để ngửi những gì đang diễn ra ở đó. Nhưng thực sự, con không làm được.”

Và vị linh mục nhận được một lời khuyên chân thành:
 
Hãy tham quan Đất Thánh, hãy ở đó ít nhất 2 đến 3 tuần. Đừng nhờ đến hướng dẫn viên du lịch. Đừng mang theo bất cứ cuốn sách nào. Hãy mua một tấm bản đồ chính xác và đừng mang theo cái gì trừ cuốn Tân ước. Rồi hãy đọc những câu chuyện ở nơi chúng đã xảy ra, hãy nhìn và cảm nhận nơi đó. Hãy nhớ điều thánh Giêrônimô viết cho Domio và Rogatian, ‘Người ta sẽ hiểu Kinh Thánh hơn nếu họ thấy xứ Giuđêa với đôi mắt của họ và khám phá ra những thành thị và những địa điểm cổ xưa.’ Cha biết đó là chính xác những gì ngài đã làm và đi đến chỗ hiểu biết sâu xa nhất về Kinh Thánh và Chúa Kitô.”

Kính thưa quý vị thính giả,

Đây chính là khởi sự của cuốn sách chúng ta đang nghe với tựa đề “Phỏng vấn thầy Giê-su”. Như vậy, tác giả linh mục đã bỏ lại tất cả, lên đường đến Đất Thánh để sống tại những nơi Thầy Giê-su đã sống, đi qua những nơi Thầy Giê-su đã đi và cảm nhận về những địa điểm đã được đề cập trong Tin mừng để từ chính những không gian ấy, vị linh mục đi vào cuộc đối thoại, phỏng vấn với thầy Giê-su.

Trong cuộc phỏng vấn cùng thầy Giê-su, tác giả đã đề cập đến những địa điểm trong Tin mừng như sau, đây cũng chính là mục lục của cuốn sách:

Một mình tại Israel, biển hồ Galilê, Tabgha, Capharrnaum, Bữa sáng tại bờ bồ Tabgha, trên ‘núi bát phúc’, tảng đá trở thành ‘Satan’, không phải chùm khế ngọt – và Chúa Giê su là một Ki-tô hữu?, giữa các phế tích của Sepphoris, lãnh địa dân ngoại, tại Betphaghe, nghỉ ngơi tại Bê tania, tại Giê ri khô – thành phố cổ nhất luôn đông dân cư, Cumran – nơi hoang địa, những con hẻm nhỏ ở Giê rusalem, núi đền thờ, Golgotha, phục sinh, vương quốc Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta cùng đến với một địa điểm mà nơi đó thầy Giê-su đã nói về ‘tám mối phúc’ hay còn có tên gọi là ‘núi bát phúc’, chúng ta cùng lắng nghe một phần đoạn hội thoại giữa tác giả và thầy Giê-su được khởi đầu như sau:

Chúng tôi chậm rãi bước qua một cánh đồng cho đến khi tới giao lộ Tabgha rồi rẽ phải. Lúc này con đường leo lên ngọn núi – không, ngọn đồi thì đúng hơn – từ đó chúng tôi có thể nhìn thấy nhà thờ Bát phúc. Tôi nói là ngọn đồi bởi vì nhà thờ tọa lạc chỉ ở 175m trên mặt Biển Hồ, nhưng – và hầu hết các du khách không biết điều này – chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi cao 35m dưới mặt nước biển.

Trong khi đang chiêm ngưỡng khung cảnh huy hoàng, Thầy Giêsu bắt đầu câu chuyện.

G: Đẹp chứ? Anh nhìn thấy toàn bộ Hồ, những điểm chúng ta đã tham quan, và đàng kia lại là Cao nguyên Golan.

R: Có phải đây chính là nơi Thầy đã công bố các mối phúc? Con hỏi như vậy là vì Tin mừng Luca nói rằng Thầy xuống đồng bằng, đứng ở một bãi đất trống và nói…

G: Địa điểm chính xác có phải là điều quan trọng không? Đã từng ở đây mấy ngày, Thầy nghĩ là bây giờ anh đã biết rằng địa điểm chính xác là không quan trọng. Khách hành hương thường chọn một nơi có lẽ là phù hợp với lời kể của sách Tin mừng. Bởi vì, như anh biết đấy, Thầy không để lại ghi chú nói rằng “Đây là nơi Thầy đã chữa lành người mù” hay “Đây là nơi Thầy đã nói dụ ngôn lúa và cỏ lòng” hay “Đây là chỗ Thầy đã công bố Bát phúc.”

Vào thế kỷ thứ tư, một khách hành hương người Tây Ban Nha tên là Egeria, đã cố gắng xác định những địa điểm như thế, xem đâu là vị trí thật sự.

Chính bà ấy từ ngọn đồi này nhìn xuống đồng bằng xinh đẹp kia và tuyên bố đó là vị trí của “Bài giảng trên Núi.”

Và anh cũng biết rằng Bài giảng dài trên Núi là một soạn tác của Mátthêu muốn gom nhiều giáo huấn của Thầy vào một bài giảng.

R: Tại sao thánh sử lại làm như vậy?

G: Anh học Kinh Thánh hẳn anh biết đấy, Tin mừng Mátthêu trình bày Thầy như là “Môsê đệ nhị nhưng cao trọng hơn Môsê đệ nhất” vì ngài viết cho các Kitô hữu gốc Do Thái, là những người bị cám dỗ quay trở lại với tôn giáo Do Thái của họ. Vì vậy ở chương 5 khi Mátthêu viết Thầy đi lên núi, các độc giả Do Thái không thể không nhớ đến Môsê đã lên núi Sinai để lãnh nhận Lề luật. Rồi Mátthêu hình dung Thầy, với tư thế của Thầy dạy, đang ngồi ban bố luật mới, trình bày Thầy như là cao trọng hơn Môsê.

Vậy thì chúng ta đừng mất thì giờ vào chuyện nơi chốn chính xác. Tốt hơn là hãy nói về sứ điệp.

R: Con nghĩ rằng Mátthêu rõ rệt ám chỉ Môsê khi ngài viết Thầy đã trích dẫn Kinh Thánh và khiến thính giả bị sốc khi Thầy nói, “Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”

G: Phải, điều này khiến mọi người Do Thái đều kinh ngạc. Không có rabbi nào nói, “Tôi nói với các ông.” Các thầy dạy Do Thái luôn luôn trích dẫn Luật Môsê và các tôn sư Luật khác. Xét cho cùng, ai dám cho mình là biết hơn Môsê và Thiên Chúa?

R: Quả thực đó là một Luật Mới mà Thầy đã công bố để cho chúng con là những người theo Thầy được hướng dẫn và chỉ đạo hầu sống một đời sống đẹp lòng Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã diễn tả điều này trong bài giáo lý mà Thầy vừa mới nêu lên ở trên, khi ngài nói, “Bát phúc là con đường Thiên Chúa đã chỉ dẫn như là câu trả lời cho khát vọng hạnh phúc vốn có nơi con người, và làm hoàn hảo các điều răn trong Cựu ước.”

G: Đúng thế, Thầy rất thích bài giáo lý ấy, là điển hình của vị Giáo hoàng theo chiều hướng mục vụ. Và rồi ngài nói tiếp về mấy điều rất quan trọng: “Chúng ta thường học Mười điều răn – chắc chắn tất cả anh chị em đều biết, anh chị em học trong lớp giáo lý – nhưng chúng ta thường không lặp lại các mối phúc. Chúng ta hãy cố gắng nhớ và in sâu vào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy làm việc này: cha sẽ đọc các mối phúc lần lượt từng điều một và anh chị em sẽ lặp lại. Anh chị em đồng ý không?”

R: Vậy, thưa Thầy, tại sao Thầy lại ví Thầy như người mục tử và chúng con là đoàn chiên?

G: Khi dùng hình ảnh này, Thầy không có ý nói đoàn chiên thì câm lặng hoặc các mục tử dẫn chiên đi sai đường. Trái lại, trong nền văn hóa của chúng ta, các mục tử rất lanh lợi và làm mọi sự cho đoàn chiên, bảo vệ, hướng dẫn chúng cho thích hợp, thậm chí còn đi tìm những con chiên lạc bầy. Và con chiên, trong nền văn hóa của Thầy, rất đáng quý. Chúng cung cấp len, sữa và thịt béo. Thật đáng thương hình ảnh này bị bóp méo khi chuyển sang những nền văn hóa khác, như của anh hoặc của Giáo hội.

R: Có vẻ như chúng con đã có một ý niệm sai lầm về chiên và mục tử. Chúng con rất tâm đắc với những hình ảnh dịu dàng của Thầy như người Mục tử Nhân từ trong chiếc áo choàng xinh đẹp, sạch sẽ, mềm mại, vác một chú chiên trắng dễ thương trên vai.

G: Đúng là Thầy đã sánh ví mình với một người mục tử nhân hiền, nhưng không phải với người mục tử trong chiếc áo choàng xinh đẹp. Đáng tiếc là nhiều vị mục tử của Thầy trong Giáo hội đã bắt chước những tấm hình đó hơn cả Thầy, mặc những bộ cánh đắt tiền. Trái lại, Thầy nghĩ đến các mục tử ở thời của Thầy, họ sống ngày đêm với đàn chiên, do đó bị xã hội coi là “dơ bẩn” và không được đón tiếp trong Hội đường. Anh biết rất rõ rằng Thầy cũng đã gây vấp phạm cho nhiều người đương thời vì Thầy sống như những mục tử đó, thân thiện với những người thu thuế, gái điếm và những người tội lỗi khác. Thầy hạnh phúc biết bao khi trong thánh lễ trọng thể vào ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô rời mắt khỏi bản văn đã soạn sẵn và nói với hơn 1.600 linh mục, giám mục và hồng y rằng “hãy là những mục tử với mùi chiên.”

Thưa quý thính giả, đây là một phần nhỏ trong cuộc hội thoại giữa tác giả và thầy Giê-su tại chính những nơi thầy Giê-su đã đến và đi qua. Tác giả là người cũng đã đến những địa điểm, không gian đó để cảm nhận chính bối cảnh, văn hoá dân Do Thái năm xưa, dẫu cho là đến sau đó hơn hai ngàn năm.

Tác phẩm “Phỏng vấn thầy Giêsu” với mục đích chia sẻ với độc giả những góc nhìn mới, cùng nhau khám phá sâu hơn ý nghĩa những bài giảng của thầy Giê-su trong bối cảnh, văn hoá hơn hai ngàn năm xưa.

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: