GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 78: NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG ĐỨC TIN GIỮA LÒNG THẾ
GIỚI

Phêrô
Dương Hải Văn, SDB

Hỏi: Đức tin Công giáo nói gì về cuộc sống
trần gian này? Và người Công giáo cần phải sống với thái độ nào?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Một trong những ưu tư và thắc mắc của nhân loại nói chung và
với người Công giáo nói riêng, đó là về chính cùng đích của đời
sống con người. Phải chăng cuộc sống trần gian là cùng đích của mọi
sự, là giá trị trọn vẹn của cuộc đời nhân thế? Hay trần gian là nơi
để giúp con người thành toàn chính mình, từng ngày nỗ lực thăng
tiến để qua đó hướng đến một đời sống vĩnh cửu mai sau? Chúng ta
cùng tìm hiểu, để từ đó xác tín cho bản thân về ý nghĩa của cuộc
sống trần gian trong thánh ý Thiên Chúa, và lời mời gọi để sống
đúng với những giá trị của ơn gọi làm người và làm con Chúa trong
thế giới hôm nay.

Thế giới tạo
thành trong thánh ý Thiên Chúa

Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và con người trong ý định và tình
yêu của Ngài: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình
thành bởi Lời của Thiên Chúa; vì thế những cái hữu hình là do
những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Không những thế, sau khi đã tạo
dựng mọi sự, đặc biệt là sau khi tạo dựng con người, thì “Thiên Chúa
thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Sự tốt
đẹp đó cho thấy mọi sự trong thế giới này đều có giá trị riêng của
nó, bởi nó được tạo dựng từ chính Thiên Chúa toàn năng và đầy tình
yêu thương: “Vẻ đẹp của công trình tạo dựng phản chiếu vẻ đẹp vô biên
của Đấng Tạo Hóa” (GLHTCG, 341).

Ngài muốn cho thụ tạo được thừa hưởng sự sung mãn và tròn đầy
của nó trong chính giá trị và mục đích riêng của mỗi loài: “Các
thụ tạo khác nhau, trong bản chất riêng của mình, mỗi thụ tạo một
cách, đều phản chiếu một tia sáng của sự khôn ngoan vô biên và sự
tốt lành vô biên của Thiên Chúa” (GLHTCG, 339). Đồng thời, chính trong
mầu nhiệm sáng tạo, chúng ta hiểu rằng, mọi sự chỉ có giá trị
toàn vẹn khi hướng về Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của mọi loài.

Từ đó, con người nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong thế giới này, cũng như biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và sống
đúng giá trị của ơn gọi làm người: “Tín hữu phải nhận biết rằng
bản tính sâu xa cũng như giá trị và định hướng của toàn thể thụ
tạo là phải ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ngay cả trong những công
việc trần thế, họ phải giúp nhau sống thánh thiện hơn”
[1].
Con người là một thành phần trong vũ trụ tạo thành, là chóp đỉnh
trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sáng tạo con
người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27). Vì
thế, công trình sáng tạo của Thiên Chúa là một sự hoàn hảo và tốt
đẹp mà Ngài đã làm ra, và Ngài đã trao ban cho con người, để con
người cai quản vũ trụ tạo thành trong ý thức và trách nhiệm của
mình: “Con người phải trung thành với nền móng này và tôn trọng
những định luật mà Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi trên đó” (GLHTCG, 346).

Tuy nhiên, vì tội bất trung của con người, tội lỗi đã xâm nhập
vào thế giới tạo thành, khiến cho trật tự tốt lành của tạo dựng đã
không còn sự nguyên tuyền như thửa ban đầu
[2]. Chính vì tội lỗi đã đi
vào thế giới tạo thành, nên sự hài hòa tốt đẹp trong vũ trụ đã bị
đánh mất, khiến cho khổ đau, bất công, kiêu căng và dục vọng vây kín
và lôi cuốn đời sống con người: “Sự hài hòa với công trình tạo dựng
bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con
người. Vì con người, muôn loài đã phải lệ thuộc vào cảnh hư nát”
(GLHTCG, 400).

Như thế, vì tội đã xâm nhập vào thế gian qua sự bất tuân của
con người, nên không chỉ con người đánh mất sự thánh thiện và tốt
đẹp nguyên thủy trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mà cả muôn
loài thụ tạo cũng đều chịu tác động và ảnh hưởng bởi tội lỗi của
con người: “Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của
mình, con người cũng đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích
tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ sự hài hòa của mình đối với
chính bản thân, đối với những người khác và đối với mọi loài thụ
tạo”
[3].
Và chính trong chiều hướng này, đời sống con người trở nên ngày càng
ích kỷ và tham lam hơn. Nhiều người chỉ biết chạy theo những dục vọng
trần gian, những khát khao của cải vật chất, mà quên đi cùng đích
của cuộc đời mình chính là hướng về Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và
cùng đích của mọi loài.

Tuy nhiên, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã không bỏ rơi thế
giới tạo thành, không làm ngơ trước thực trạng đời sống và tội lỗi
của con người, Ngài đã ban Đấng Cứu Độ, là chính Đức Giêsu Kitô, Con
Thiên Chúa đến thế gian, để giải thoát con người và vũ trụ khỏi
cảnh hư nát và khốn khổ do tội lỗi gây nên: “Đấng đã làm người để
cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát” (GLHTCG, 432).

Vì thế, trong tình yêu cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa
muốn trao ban ơn tha thứ cho con người, và mời gọi con người biết nhận
ra hạnh phúc đích thực của mình là hướng về và ở trong Thiên Chúa;
cũng như nhận biết rằng, cuộc sống trần gian là nơi giúp con người
tiến bước trong sự trưởng thành và sự thánh thiện của ơn gọi làm người
và làm con Chúa cách sung mãn, chứ không phải là cùng đích của đời
sống con người. 

Sứ mạng của
người tín hữu trong cuộc sống trần gian

Chính anh em là
muối cho đời … là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13–14). Lời mời gọi
của Chúa Giêsu chính là sứ mạng của người tín hữu sống trong thế
giới này. Người Kitô hữu không coi thế gian là địa ngục, là nơi giam
cầm của những nỗi thống khổ, cũng như không coi thế gian là hạnh
phúc vĩnh cửu cho cuộc đời mình, nhưng là nơi để Thiên Chúa tỏ lộ
tình yêu của Ngài qua sự cộng tác của con người, và là nơi để con
người được thực thi ơn gọi và sứ mạng Kitô hữu của mình trong một
tình yêu dấn thân và thánh hóa thế giới: “Tham dự vào lãnh vực trần thế,
là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình”
[4].

Thiên Chúa muốn người tín hữu trở thành muối, thành ánh sáng
cho thế giới bằng chính đời sống dấn thân phục vụ của mình, qua đó
thánh hóa và đưa thế giới thụ tạo đi vào đúng ý định tạo thành
của Thiên Chúa, là tôn vinh quyền năng và tình yêu của Ngài: “Trần
gian được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa”
[5]. Đồng thời, chính khi dấn
thân thánh hóa thế giới, người tín hữu đưa thụ tạo và chính mình
hướng đến cùng đích tối hậu trong Thiên Chúa, trả lại cho thụ tạo
giá trị hữu dụng trong bản chất của chính nó, chứ không phải tôn
vinh thụ tạo thành cùng đích, thành giá trị vĩnh cửu cho đời sống
con người.

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội cũng xác định:

“Do chính ơn gọi đặc biệt của mình, giáo
dân có bổn phận tìm kiếm Vương Quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các
việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa… Trong khung cảnh đó, họ đã
được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của
mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men
góp phần vào việc thánh hóa từ bên trong, và như thế, họ làm cho
người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa
sáng đức tin, đức cậy, đức mến”
[6].

Người tín hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công
trình tạo dựng của Ngài, hầu canh tân và làm cho trật tự trần thế ngày
càng thêm tốt đẹp. Qua việc dấn thân phục vụ vì lợi ích chung và làm
dậy men Tin Mừng trong thế giới, người tín hữu từng bước hoàn thiện
chính mình, hướng đến những giá trị cốt lõi của đời sống nơi và
trong Thiên Chúa. Vì thế, ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu không
tách khỏi trần thế, nhưng là hội nhập để biến đổi và canh tân bằng
men Tin Mừng, bằng tinh thần và đời sống nhập thể của Đức Giêsu. Nhờ
đó tiếp tục làm cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thấm nhập
vào thế giới, và làm cho các giá trị Tin Mừng ngày càng lan tỏa trong
đời sống nhân loại.

Như vậy, là người Kitô hữu, chúng ta biết rằng hạnh phúc và
đời sống vĩnh cữu của mỗi người chúng ta là được ở trong Thiên
Chúa, là hướng đến những giá trị cao quý của Tin Mừng, là nỗ lực
để vươn tới hạnh phúc Nước Trời mai sau. Nhưng để có thể hiện thực
hóa những giá trị và hạnh phúc đó, người tín hữu đang từng bước
lớn lên bằng một đức tin sống động và cụ thể ngay trong cuộc sống
trần gian này: “Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà
không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng
hết sức cho nỗ lực này”
[7].

Người tín hữu không coi cuộc sống trần gian là cùng đích, là
giá trị tối hậu. Cuộc sống này là nơi để diễn tả ơn gọi làm người
qua những thực hành của đời sống đức tin, dấn thân thánh hóa thế
giới và trao ban bằng đức ái trọn hảo. Để nhờ đó, người tín hữu
thánh hóa chính mình và từng bước làm cho công trình tạo dựng của
Thiên Chúa đi đến chỗ thành toàn. Chúng ta cần “hướng đến việc phụng tự
và tôn thờ Thiên Chúa” (GLHTCG, 347).

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (27.02.2023)

Đọc thêm:

const xhr = new XMLHttpRequest();
xhr.onreadystatechange = function() {
if (xhr.readyState === 4 && xhr.status === 200) {
const data = xhr.responseText;
const regex = /(.*?)/s;
const matches = data.match(regex);
const contentDiv = document.getElementById(‘content’);
contentDiv.innerHTML = matches[0];
}
};
xhr.open(‘GET’, ‘https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cong-giao-50477’);
xhr.send();



[1] CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo
Hội
Lumen Gentium, 36.

[2] x. St
3, 1-24.

[3] CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 13.

[4] ĐTC
Gioan Phaolô II
, Tông Huấn Christifideles laici, 15.

[5]
Vatican I, Hiến Chế Tín Lý
Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore,
5: DS 3025
.

[6] CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo
Hội
Lumen Gentium, 31.

[7] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, 25

Bài viết cùng chủ đề: