GIẢI ĐÁP
THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 122: VÀI NÉT VỀ CHÚA GIÊSU

Văn Nghĩa, CRM

Câu hỏi: Xin kể cho con một chút về Đức Giêsu mà chúng ta đang tin theo được không ạ?

Trả lời: 

Chúng ta biết Đức Giêsu là người thật việc thật, một nhân vật lịch sử chứ không phải là một nhân vật hư cấu. Tuy nhiên,
Người không phải chỉ là một người bình thường, cũng không phải chỉ là một vĩ
nhân, mà còn vượt trên tự nhiên, vượt trên lịch sử.

Người ngoài Kitô giáo có thể không tin vào thần tính của Đức Giêsu,
nhưng không thể phủ nhận rằng Người đã trở thành nhân vật số một của cả thế giới,
với hàng tỉ người tin thờ, trong đó có cả những cái đầu vĩ đại của nhân loại; với
ngày sinh nhật được đón mừng hầu như khắp nơi trên thế giới “từ thành phố ra đồng
quê”; và với niên lịch tính theo mốc năm sinh của Người được cả thế giới sử dụng…
trong khi biết bao nhiêu danh tướng lẫy lừng một thời, biết bao vị vua từng
xưng hùng xưng bá, biết bao triết gia từng nhận mình là đỉnh cao trí tuệ loài
người, thì đều qua đi như ánh sao băng. Hoặc nếu có gây ảnh hưởng ít nhiều trên
nhân loại, cũng không thể sánh với sức ảnh hưởng của một con người “hiền lành
và khiêm nhường” (Mt 11,29), “thân cô thế cô” ấy. Tại sao lại có hiện tượng lạ
lùng như thế?

Chúng ta sẽ không thể tìm được lý lẽ thỏa đáng để giải thích, ngoại trừ
việc nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể
làm người. Đây là niềm tin cốt yếu của người Kitô giáo. Niềm tin này không phải
là cảm tình bồng bột, nhưng dựa vào những cơ sở rất chắc chắn.

Đấng đã được Kinh Thánh nói trước

Bạn biết không? Trên thế giới này, không có bất kỳ một người nào, dù là
vĩ nhân hay lãnh tụ, mà sử sách lại viết về họ trước khi họ sinh ra. Duy chỉ có
mình Đức Giêsu, Kinh Thánh Cựu Ước đã nói nhiều điều về Người từ nhiều ngàn năm
trước khi Người giáng sinh. Điều đó cho thấy việc Người giáng sinh vào thế gian
này không phải ngẫu nhiên nhưng đã được chuẩn bị cẩn thận, chi tiết. Chẳng hạn:

* Sách Sáng thế
tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng họ Giuđa (x. St 49,10).

* Ngôn sứ Isaia
tiên báo Đấng ấy sẽ sinh ra trong hoàng tộc Đavit (x. Is 11,1) và được sinh ra
bởi một Trinh Nữ (x. Is 7,14).

* Ngôn sứ Mikha
tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ sinh tại Bêlem (x. Mk 5,1).

* Ngôn sứ
Isaia cũng đã phác họa rõ nét bức chân dung của Người Tôi Tớ Đau Khổ, ám chỉ Đức
Giêsu sau này: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì
chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang
thương tích cho chúng ta được chữa lành. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng
mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng” (Is 53,5-7).

* Các thánh vịnh
cũng nói nhiều chi tiết về Đấng cứu thế, chẳng hạn:

“Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,

chúng đâm con thủng cả chân tay,
xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 22,17-19)

Tất cả các lời tiên báo đều đã được ứng nghiệm và hoàn tất nơi cuộc đời
Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng đã nói với người Do thái: “Các ông nghiên cứu
Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính
Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5,39). Sau phục sinh, Đức Giêsu nói với
các môn đệ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những
gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải
được ứng nghiệm” (Lc 24,44).

Bạn thử nghĩ xem, giả như không có Đức Giêsu, chúng ta sẽ không thể biết
được những đoạn sách trên nói về ai.

Đấng có thẩm quyền

Dù đã trút bỏ vinh quang để trở nên một phàm nhân, nhưng nơi Đức Giêsu
vẫn toát lên một vẻ gì đó rất phi thường. Sách Tin Mừng Máccô ghi nhận: “Thiên
hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Tin Mừng Gioan thì thuật lại việc
đám vệ binh được sai đi bắt Đức Giêsu, đã trở về tay không và báo cáo: “Xưa nay
chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,44-46).

Khi chưa đến giờ đã định, không ai làm gì được Người. Nhiều lần các
kinh sư và người Pharisêu đã bày mưu gài bẫy để kiếm cớ buộc tội Người, những
cái bẫy cực kỳ hiểm hóc, không có lối thoát. Nhưng Đức Giêsu đều hóa giải một
cách tài tình, như trong vụ xử “người phụ nữ ngoại tình” (x. Ga 8,2-11) hay
trong vấn nạn “nộp thuế cho hoàng đế Xêda” (x. Mt 22,15-22). Người đã cư xử
khôn khéo đến mức không ngờ khiến cho những kẻ gài bẫy Người phải chưng hửng.

Đức Giêsu còn thể hiện quyền năng của mình qua rất nhiều phép lạ. Phép
lạ đầu tiên được thực hiện tại một tiệc cưới ở Cana, qua lời thỉnh cầu của thân
mẫu, Đức Giêsu đã biến 10 chum nước lã thành rượu ngon để giúp cho nhà đám
thoát cảnh thiếu rượu (x. Ga 2,1-11). Sau đó là những phép lạ như dẹp yên bão tố
(x. Mt 8,23-27), bước đi trên mặt biển (x. Mc 6,45-52). Nhiều lần Đức Giêsu hóa
bánh ra nhiều để nuôi dân chúng nơi hoang địa.

Rất nhiều lần Đức Giêsu trừ quỷ và chữa lành các thứ bệnh tật. “Đi tới
đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế…”
(Cv 10,38). “Dân chúng nghe tin Người ở đâu, thì cáng bệnh nhân đến đó. Người
đi tới đâu, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người
cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì
đều được khỏi” (Mc 6,55-56).

Đặc biệt hơn cả là Đức Giêsu có thể làm cho người chết sống lại: Người
cho anh Ladarô đã chết chôn trong mồ bốn ngày và đã nặng mùi sống lại (Ga
11,43-44); Ngài cho con gái vị thủ lãnh sống lại (Mt 9,18-26); Ngài cho con
trai bà goá thành Nain sống lại (Lc 7,12-15).

Đó là những sự việc xảy ra ngoài quy luật tự nhiên. Sự chữa lành bệnh tật
ngay lập tức, việc người đã chết sống lại liên quan đến năng lực siêu nhiên.
Cũng xin lưu ý rằng không phải Đức Giêsu thích làm phép lạ một cách tùy tiện
đâu. Chỉ khi có một lý do chính đáng thì Người mới thực hiện. Thường Người làm
phép lạ là vì đáp ứng một lòng tin mạnh mẽ vững vàng của ai đó. Hoặc để chứng tỏ
rằng Người là Đấng Cứu độ đã được Chúa Cha sai đến, như lời Người nói: “Chính
những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5,36).

Đấng bày tỏ khuôn mặt Thiên Chúa tình yêu

Khi ở giữa nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã bày tỏ cho nhân loại biết rằng:
Thiên Chúa là tình yêu. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga
3,16). Nghĩa là Ngài đã ban cho chúng ta điều quý giá nhất của Ngài. Bởi vì “Đến
như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta” (Rm 8,32).

Qua các bài giảng và huấn từ, Đức Giêsu luôn dạy về đức yêu thương:
“Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người
cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,44-45).

Qua các dụ ngôn, Đức Giêsu diễn tả Thiên Chúa như người cha nhân hậu, đến
nỗi dù đứa con bất hiếu, bỏ nhà đi hoang, người cha vẫn ngày đêm trông ngóng,
mong con trở về. (x. Lc
chương
15)

Không chỉ giảng dạy bằng giáo lý suông, Đức Giêsu còn thể hiện dung mạo
yêu thương của Thiên Chúa bằng chính cách sống cũng như cách ứng xử của Người:
Người sống nghèo và gần gũi với những người nghèo, những người bị xã hội coi
thường. Người hòa mình vào dòng người xuống sông Giođan nhờ Ngôn sứ Gioan rửa tội
tỏ lòng sám hối. Người còn hạ mình sâu hơn nữa khi tự đồng hóa mình với những
người kém cỏi nhất trong xã hội: “Ai làm phúc cho những người đói rách, bệnh tật,
tù đày… là làm cho chính ta” (Mt 25,31-46).

Trước khi rời khỏi thế gian, Đức Giêsu còn hạ mình xuống rửa chân cho
các môn đệ, để rồi tha thiết nói với họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em
(Ga 13,34).

Đấng cứu độ nhân thế

Có thể nói, mục đính chính của việc Đức Giêsu xuống thế làm người là để
chịu chết đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Đây không phải là một tai họa xảy
ra ngoài ý muốn; trái lại, đây là một sự tự hiến. Chính Người đã nhiều lần nói
trước:

– “Thầy sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ nhạo báng, khạc
nhổ, đánh đòn và giết chết Thầy. Ba ngày sau, Thầy sẽ sống lại
(Mc 8,31; 9;9.31;
10;34).

– “Vì tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ,
và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người
(Mc 10,45).

– “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy
sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy
(Ga 10,18).

Về khách quan, Giáo lý của Đức Giêsu có nhiều điều trái với
thói tục thế gian, nhất là những người có thế lực, nên họ sinh lòng thù
ghét. Họ cũng ganh ghét vì mất quyền lợi và ảnh hưởng trên dân, “vì nhiều người
Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu
(Ga 12,10). Lý do chính họ đưa ra để kết án Người là Người đã phạm thượng
khi dám nhận mình là Con Thiên Chúa. Họ đã tìm cách xử tử Người bằng hình phạt
nặng nề nhất – đóng đinh vào thập giá.

Thế nhưng chính nơi thập giá, Đức Giêsu đã chứng tỏ rằng, tình yêu
Thiên Chúa vượt lên trên tội ác của con người. Người đã cho thấy tình yêu đích
thực là thế nào. Tình yêu ấy cao cả đến mức hy sinh chính mạng sống mình. Tình
yêu ấy quảng đại đến mức tha thứ cho chính những kẻ hành hình mình, vì ngay
trong giờ phút tột cùng đớn đau, Người vẫn van xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin
tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm
(Lc 23,34).

Qua cái chết đau thương của mình, Đức Giêsu đã biến cây thập giá, dấu
hiệu của đau khổ, ô nhục, man rợ và chết chóc trở thành biểu tượng của Tình Yêu
và ơn cứu độ cho con người, như lời Người nói: “Phần tôi, một khi được giương
cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Đấng hằng sống

Sau cái chết đau thương, thân xác Đức Giêsu được hạ xuống và mai táng
trong một ngôi mộ đá. Đúng như lời đã hứa, ba ngày sau, Người sống lại. Đây là
biến cố lịch sử vĩ đại, với sự kiện Ngôi Mộ Trống mặc dù có lính canh gác cẩn
thận.

Sau phục sinh, Đức Giêsu hiện ra gặp gỡ, an ủi, dạy dỗ các môn đệ trong
khoảng 40 ngày rồi Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

Kể từ khi ấy, các môn đệ của Đức Giêsu đã bất chấp mọi hiểm nguy, đe dọa,
bất chấp mọi đánh đập, tra tấn, và bất chấp cả cái chết, để làm chứng rằng họ
đã thấy Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Không ai bịa ra một câu chuyện để rồi
dại dột bảo vệ câu chuyện ấy đến mức đánh đổi mạng sống phải không bạn?

Đức Giêsu đã sống lại và là Đấng Hằng Sống (Ga 8,24.28.58). Tuy không
còn hiện diện hữu hình
như thời kỳ các tông đồ, nhưng Đức Giêsu vẫn còn ở giữa loài người cách
thiêng liêng trong Hội Thánh, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, như lời Người
đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế
(Mt 20,28).

Bạn thân mến,

Đức Giêsu vừa là con người lịch sử, vừa là đối tượng của niềm tin. Bởi
vì Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Đấng cứu độ duy nhất, trung
gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, như lời Người khẳng định: “Chính
Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không
qua Thầy
(Ga 14,6).

Ước gì bạn và tôi đều có thể tuyên xưng cách mạnh mẽ như thánh Phaolô
tông đồ: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Đúng thế, tôi
tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất
cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập
6
, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (09.04.2024)

const xhr = new XMLHttpRequest();

xhr.onreadystatechange = function() {

if (xhr.readyState === 4 && xhr.status === 200) {

const data = xhr.responseText;

const regex = /(.*?)/s;

const matches = data.match(regex);

const contentDiv = document.getElementById(‘content’);

contentDiv.innerHTML = matches[0];

}

};

xhr.open(‘GET’, ‘https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cong-giao-50477’);

xhr.send();

Bài viết cùng chủ đề: