GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
TÂM TÌNH MỤC TỬ – THÁNG 04 NĂM 2024
NGỤM NƯỚC MÁT ĐẦU NGUỒN
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Giáo hội là Mẹ…
Chúng ta là con cái…
Giáo hội là Mẹ dẫn con cái vào mùa Chay thánh. Mùa Chay gợi lại cuộc
tĩnh tâm của Chúa Giêsu trong hoang địa, phản ánh nỗi chờ mong về đất
hứa suốt bốn mươi năm của dân xưa. Cuôc tĩnh tâm của Chúa Giêsu làm sống dậy sự
chay tịnh của Môsê trên núi Sinai trước khi diễn ra giao ước lập quốc. Cuộc
tĩnh tâm của Chúa Giêsu đưa chúng ta vào hành trình nội tâm hiện sinh mỏng dòn
để ơn Chúa dìu đưa ta vào cảnh vực thần linh, đón nhận ơn tái sinh…
Một
Giáo hội là Mẹ, mang trong lòng Tin Mừng ban sự sống đời đời: ‘Thiên
Chúa đã quá yêu thương thế gian đến đỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì
khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời’ (Ga 3:16). Giáo hội ấp ủ lời nguyện
trong bữa tiệc thánh, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trước ‘giờ’ của Người: ‘Sự sống
đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai,
Giêsu Kitô.’ (Ga 17:2). Nhận biết Cha nhờ nhận biết Thầy vì ‘Ai thấy Thầy là thấy
Cha’ (Ga 14:9).
Giáo hội nhận biết ‘Đấng Cha đã sai, Giêsu Kitô’ bằng chính cách thức Chúa
Giêsu Kitô đã chỉ dạy: Chừng sáu ngày, sau khi tiên báo thương khó lần
nhất, Chúa Giêsu Kitô đem theo mình Phêrô, Giacôbê và Gioan, lên một ngọn núi
cao, và tỏ cho các ông vinh quang Thiên Chúa… Trong khi họ xuống núi, Đức Giêsu
truyền cho họ rằng: ‘Các con không được nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi
Con Người sống lại từ cõi chết’ (x. Mt 17:1-9).
Tại sao không được thông tin sự việc nóng hổi ngay bây giờ? Ý của Chúa Giêsu
không phải không được thông tin, nhưng chỉ thông tin khi Con Người sống lại từ
cõi chết. Thông tin bây giờ vì là ‘tin nóng hổi’, mới chỉ nắm một phần, nên sẽ
hiểu sai ‘mầu nhiệm thăm thẳm của Thầy’. Trong Tiệc Thánh cuối đời, Chúa Giêsu
nhắn nhủ: ‘Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng hiện giờ các con
không mang nổi… Thần Khí sự thật, sẽ đưa các con vào tất cả sự thật… và Ngài sẽ
loan báo cho các con những điều sẽ đến’ (Ga 16:12.13). Do đó, từ cõi chết
sống lại, Chúa Giêsu phục sinh ban Thần Khí cho các Tông đồ, giúp các Tông đồ
hiểu trọn vẹn sự thật về Thầy và về ơn cứu chuộc.
Hồi tưởng sự việc Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ, Thánh Gioan nhớ lời Chúa nói
với người Dothái: ‘Phá Đền thờ này đi! Và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại’ Thánh
Gioan bình luận: ‘Ngài đã nói về Đền thờ thân mình Ngài. Vậy khi Ngài sống lại
từ cõi chết, môn đồ Ngài đã nhớ lại là Ngài đã nói thế, và họ đã tin vào Kinh
Thánh và lời Đức Giêsu đã nói’ (x. Ga 2:19-22). Giáo hội được dạy: để
hiểu chính xác về Thầy thì phải nhìn Thầy trong lăng kính Thầy ‘từ cõi chết sống
lại’.
Hai
Lấy nhãn quan ‘từ cõi chết sống lại’, Giáo hội hiểu ý nghĩa cứu chuộc nơi Đấng
được Đức Chúa ‘xức dầu’: Khởi đầu sứ vụ: ‘Đức Giêsu trở về Galilê, trong
quyền năng của Thần khí…’ Tại hội đường Nazareth quê hương, Chúa Giêsu đọc sách
thánh và chia sẻ. Trích đoạn Tiên tri Isaia chương 61 soi sáng căn tính của người
Tôi trung, sứ giả loan Tin Mừng, nơi đoạn 52. Thần khí Đức Chúa ở trên Người vì
Đức Chúa đã xức dầu cho Người. Người được sai đi đem Tin Mừng cho ai nghèo khó,
ràng rịt những người lòng tan vỡ, tuyên bố lưu đồ được ân xá… và đặc biệt ân
ban là tư tế của Đức Chúa.
‘Trong hội đường, mắt mọi người đăm đăm nhìn Ngài’, Chúa Giêsu với tư thế trang
trọng của một tôn sư ‘ngồi xuống, lên tiếng’: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn
Sách này nơi tai các ngươi’. Chúa Giêsu làm ‘cái ngày xưa’ thành ‘cái hôm
nay’, lời hứa thành thực tại. ‘Ứng nghiệm’ nghĩa là hôm nay, hiện diện Đấng được
Đức Chúa xức dầu đầy Thánh Thần, Đấng Mêsia-Kitô. Người ôm lấy toàn thời gian,
biến đổi lịch sử nên hoàn hảo, đem Tin Mừng cho ai nghèo khó, ràng rịt những
người lòng tan vỡ, tuyên bố lưu đồ được ân xá… và đặc biệt ân ban cho dân được
xức dầu là tư tế của Đức Chúa.
Đức Tin Giáo hội tuyên xưng Chúa Giêsu là ‘Đấng được xức dầu’, được phát âm
trong tiếng Hylạp và Latinh là ‘Kitô’, trong tiếng Dothái là ‘Mêsia’. Tiến
trình lời tuyên xưng đi từ Thánh Danh Giêsu đến Thánh Danh Kitô: Giêsu – Kitô,
bao hàm mầu nhiệm Vượt Qua: ‘Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại,
chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy. Vậy được nhắc lên bên hữu Thiên
Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống… Vậy xin toàn thể
nhà Israel hãy biết chắc là: Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, và làm Kitô, Đức Giêsu
mà các ngươi đã đóng đinh!’ (Tđcv 2:32-36).
Chúa Giêsu-Kitô lấy ơn được Đức Chúa xức dầu Thánh Thần, qua Giáo hội của Người,
thông ban cho những ai tiếp nhận lời các Tông đồ rao giảng và thông hiệp vào đức
Tin Tông truyền. Chúng ta là dân được xức dầu. ‘Ngày lễ Ngũ Tuần’,
nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Giáo hội được biểu lộ cho trần
gian. Hồng ân Thần khí khai mở một thời đại mới trong ‘việc
phân phát các mầu nhiệm’. Đức Kitô, nhờ phụng vụ… từ nay sống và hành động
trong và với Giáo hội Người một cách mới… Người hành động qua các Nhiệm
tích… hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua của Người’ làm cho Giáo hội thành dân tư
tế, dân thánh của Giao ước mới (x. Xh 19:6) (x. GLHTCG s. 1076).
Ba
Hằng năm các gia đình Dothái họp mừng Vượt Qua tưởng niệm biến cố xuất Aicập,
vượt qua biển Đỏ, đến núi Sinai. Điều Chúa truyền cho Môsê yêu cầu
Pharaô đã thành tựu: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Hipri đã sai chúng
tôi đến với Ngài mà rằng: ‘Hãy thả dân Ta ra cho chúng phụng thờ Ta trong sa mạc’
(Xh 7:16).
Tại núi Sinai, những lời yêu thương che chở của Giao ước được công bố: ‘Các
ngươi thấy Ta đã làm gì cho Aicập và làm sao Ta đã nhắc các ngươi lên những
cánh phượng hoàng mà đem các ngươi đến với Ta. Vậy bây giờ, nếu các ngươi quyết
nghe tiếng Ta mà giữ Giao ước của Ta thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta giữa các
dân hết thảy, vì toàn cõi đất đều là của Ta. Còn các ngươi, các ngươi sẽ làm một
vương quốc tư tế cho Ta, một dân thánh’.
Các tiên tri vốn được mệnh danh là lương tâm của dân Chúa. Các Ngài
đã nhẫn nại nhắc nhủ dân sửa đổi những bất trung để trung thành với Giao ước.
Tiên tri Isaia đau xót nói: ‘Con bò biết người tậu nó, và con lừa biết chuồng của
chủ. Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường’ (Is 1:3). Dù vậy,
Đức Chúa vẫn thương dân và còn hứa ban Giao ước mới:
‘Trên các ngươi Ta sẽ rảy nước trong sạch… sạch khỏi mọi uế nhơ và mọi
thần dơ dáy của các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới.
Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một Thần khí mới. Ta sẽ cất
tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm
lòng thịt’ (Ed 36: 25.26).
‘Đức Chúa phán thế này ‘Này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi! Ta sẽ
đem các ngươi lên khỏi mồ… các ngươi sẽ biết Ta là Đức Chúa khi Ta
mở cửa mồ các ngươi và đem các ngươi lên khỏi mồ… Ta sẽ ban Thần khí của
Ta xuống trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.’ (Ed 37:12-14)
Chúa Giêsu ấp ủ trong lòng Thánh Ý Chúa Cha về một Giao ước mới tái tạo nhân
loại. Với nhãn quan ‘từ cõi chết sống lại’ và với lời Chúa nói cuối
cùng từ Thập giá ‘mọi sự đã hoàn tất’. Đoạn gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần
khí’ (Ga 19:30), ta hiểu toàn bộ cuộc đời Chúa nhằm thực hiện Giao ước mới.
Trong những khoảnh khắc quý báu cuồi đời, giữa lễ Vượt Qua của dân
Dothái, bên các Tông đồ, ‘Giáo hội Chúa đang thiết lập’, Chúa bắt đầu cử hành lễ
Vượt Qua… theo ký ức tông đồ: ‘Chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại
cho anh em là Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh, và tạ ơn
xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự
này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về chén, sau khi đã dùng bữa tối xng, Ngài
nói: Chén này là Giao ước mới trong máu Ta, các ngươi hãy làm
sự này mỗi khi uống mà nhớ đến Ta’ (1Cr 11:23-25).
Vào ‘Ngày thứ nhất trong tuần’, Chúa Phục Sinh tìm các môn đệ,
quy tụ các ông để ‘Ngài thổi hơi trên họ và truyền: ‘Hãy chịu lấy Thánh
Thần’ (Ga 20:22), phát khởi lời reo hân hoan bất tận: ‘Đây là ngày
Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ’ (Tv 117:24).
Giao ước mới Chúa Giêsu Kitô cử hành đáp ứng mọi mong đợi của suốt dòng
lịch sử cứu độ: Ơn thanh tẩy, lên khỏi mồ, cất tấm lòng đá để được thay tấm
lòng mới, ơn Thần khí, dân tư tế, dân thánh.
Giao ước mới được cử hành hằng ngày qua Thánh Lễ với Lời
Chúa và Thánh Thể… Chúa Phục Sinh ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến
tận thế, ‘Đấng anh em không thấy mà yêu, và hiện không giáp mặt mà tin, mà
hớn hở vui mừng, cái vui khôn tả và rạng rỡ vinh quang, bởi được lĩnh lấy thành
quả đức tin, là sự cứu thoát linh hồn!’ (1Pr 1:8.9)
Cho những ai nhận thức mình bé nhỏ, ‘như trẻ sơ sinh anh em hãy
khao khát sữa linh thiêng’, như ngụm nước mát đầu nguồn, ‘ngõ
hầu nhờ đó anh em được lớn lên trong ơn cứu rỗi, quả anh em đã được nếm biết
Chúa tốt lành nhường bao!’ (x. 1Pr 2:2.3)
Cho những ai khát khao… Thánh Lễ là ‘ngụm nước mát đầu nguồn…’ đầu
nguồn… mát vô tận…
Anh chị em thân mến,
Trong niềm mong đợi các gia đình trong Giáo phận nhà Xuân Lộc đón lấy nguồn
sống từ Lời Chúa và các Nhiệm tích, chúng ta cổ động thực hiện ‘Gia
Đình Cầu Nguyện với Lời Chúa Hằng Ngày’.
Dòng đời trôi qua, gánh thời gian, khi êm ả, khi trĩu nặng… Chúa đến gặp
gỡ gia đình đang sum họp nguyện cầu bằng chính Lời của Chúa, Lời từ khởi
nguyên, Lời nhập thể… được trích đọc theo Phụng vụ… Như sương sa thấm dần,
Lời Chúa biến đổi đời ta: ‘Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Ngài
làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con…’ (Gr 15:16). Lấy kinh nghiệm ơn gặp
Chúa trong nhiệm tích Thánh Thể của Thánh Augustinô, ta ứng dụng vào ơn gặp
Chúa trong Lời Chúa, Chúa nói: ‘Con được nuôi dưỡng nhờ Ta, tuy
nhiên, con không biến đổi Ta thành con… chính con sẽ biến đổi thành
Ta’.
Khi hoàng hôn ngả bóng, với giờ cầu nguyện, như hai môn đệ trên đường Emmaus,
gia đình níu áo người bộ hành uyên bác và đồng cảm, níu áo người bộ hành cho được
mới thôi, vì lòng ta đang ‘cháy bừng bừng’: ‘Hãy lưu lại với chúng con vì trời
đã về chiều và ngày đã xế’ (Lc 24:32.29).
Thánh Giáo hoàng Gioan – Phaolô khuyến khích gia đình cầu nguyện: ‘Pray
together, Stay together’ nghĩa là ‘Cùng nhau cầu nguyện, Tình nghĩa bền
lâu’ và cũng có nghĩa là nhờ cầu nguyện, gia đình thấm nhuần lối sống
của Chúa ‘không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình’ (Ga
15:13). Gia đình cầu nguyện để ‘nếm biết Chúa tốt lành nhường bao’ (1Pr
2:3) và để ‘mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến
anh em’ (1Pr 5:7).