Giáo Hội ước mong mọi người đáp lại tiếng kêu của Trái đất và của con người với lòng thương xót, ngang qua những dấn thân cho công ích. Việc chăm sóc ngôi nhà chung không bắt đầu bằng lối hô hào phong trào hay ý thức hệ, nhưng từ thái độ cá nhân và gia đình.

Một lần, khi đang đi dạo cùng bạn mình trong một làng quê nước Pháp, tôi thấy bạn ấy quay ngược lại phía sau tầm chục mét nhặt chiếc khẩu trang và một lon Coca ai đó uống xong vứt vương vãi dọc bờ kênh, rồi tìm thùng rác trên đường để bỏ vào. Nhặt rác thì không phải điều gì quá lạ lẫm, nhưng tôi khá bất ngờ vì khi ấy dịch covid đang bùng phát, ai cũng ngại đụng chạm tới những đồ vật ngoài đường. Tôi buột miệng nói:

–       Cậu không sợ nhiễm covid à? Nghe nói coronavirus tồn tại ngoài không khí hay trên các bề mặt ít là mấy tiếng.

Anh bạn tôi từ tốn trả lời:

–       Biết là cũng hơi hơi nguy hiểm đấy, nhưng dù gì tụi mình cũng đã được chích vắc xin rồi, mình không lượm thì ai lượm đây? Mấy cái này đâu có tự phân hủy. Nếu ai cũng ngần ngại, thì một ngày đường phố sẽ đầy rác!

Tôi vặn hỏi:

–       Đồng ý đó là việc tốt, nhưng ý thức và trách nhiệm phải quy về người cố ý xả rác chứ? Hơn nữa… cũng đã có nhân viên vệ sinh đường phố, họ có đồ bảo hộ cần thiết để tránh nhiễm virus.

Bạn tôi trả lời:

–       Được ăn học bao nhiêu năm trên đất Pháp, mình tự hứa mỗi ngày sẽ nhặt một cọng rác khi thấy được. Thói quen nhỏ này là cách mình trả ơn cho nước Pháp đã bao năm cưu mang mình. Dĩ nhiên, lát cậu cho mình mượn chai gel sát khuẩn nhé.

Lòng tôi bồi hồi, vì không chỉ cảm nhận nơi bạn mình sự tử tế, nhưng hơn hết là lòng biết ơn dành cho mảnh đất đã cưu mang cậu ấy. Câu chuyện nhỏ này không phải là trường hợp hiếm hoi. Tại Việt Nam, nhằm góp phần giúp môi trường xanh, sạch, đẹp, có những dự án mà một số bạn trẻ đang mày mò nghiên cứu và ứng dụng, có thể kể đến: Ống hút làm từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa, xe đạp lọc nước, rủ nhau lên Đà Lạt nhặt rác ngày nghỉ lễ…. Một bạn trẻ tâm sự: “Tình yêu dành cho cuộc sống được thể hiện qua hành động. Nghỉ lễ, nó không chỉ là những ngày phục vụ bản thân mình nữa, nó còn là sự chia sẻ, mở rộng tấm lòng, mở rộng trái tim”.

Là một Kitô hữu, tôi nghĩ đến cái gọi là “Thời gian của thụ tạo”, năm nay được cử hành từ 01/9 đến 04/10, tức lễ thánh Phanxicô Assisi. Đó là thời gian các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp thế giới hợp nhất để canh tân đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, trong lời cầu nguyện chung, qua lời mời gọi hoán cải và bằng sự dấn thân bảo vệ trái đất. “Thời gian của thụ tạo” mời gọi các Kitô hữu nỗ lực tìm kiếm sự phát triển toàn diện, bền vững, chia sẻ với sự công bằng, nhằm gìn giữ và bảo vệ ngôi nhà dành cho tất cả mọi người vốn đang gặp nguy hiểm do lòng tham, khai thác bừa bãi, sử dụng thiếu tôn trọng và sự xuống cấp có hệ thống”. Thật vậy, “trong nhiều thế kỷ, con người đã sắp xếp cuộc sống và kinh tế theo lý luận của thị trường hơn là theo giới hạn của Trái đất”.

Thiên Chúa là Cha và Tạo Hóa Nhân Từ đã đặt vào tay chúng ta ngôi nhà chung này, với nhiệm vụ tổ chức và đồng hành cùng với nó trong lịch sử cứu độ. Trên đường về Quê hương Thượng giới, mỗi người luôn được mời gọi sống tương quan hòa hợp và huynh đệ thực sự, trong sự hiệp thông với thiên nhiên và với anh chị em mình. Giáo Hội ước mong mọi người đáp lại tiếng kêu của Trái đất và của con người với lòng thương xót, ngang qua những dấn thân cho công ích. Việc chăm sóc ngôi nhà chung không bắt đầu bằng lối hô hào phong trào hay ý thức hệ, nhưng từ thái độ cá nhân và gia đình. Động lực để chăm sóc thiên nhiên phải dựa trên việc cộng tác công trình sáng tạo và toàn lịch sử cứu độ, tức lời đáp trả trước tình yêu nhưng không và trao hiến của Thiên Chúa.

Trong sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô Loyola có viết: “Tình yêu cốt ở việc làm hơn là lời nói”, “Tình yêu cốt ở sự thông truyền giữa hai bên, đó là người yêu thì trao tặng và thông truyền cho người mình yêu những gì mình có… và ngược lại, người được yêu đối với người yêu cũng vậy…”

Bạn thân mến, mời bạn cùng tôi tìm một nơi để cầu nguyện. Đó có thể là một nơi chốn với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, hoặc cũng có thể là một nơi cho thấy rõ môi trường đang bị hủy hoại, suy thoái.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu và cảm nhận được mọi ơn lành Chúa đã ban cho con ngang qua các thụ tạo, để một khi có được lòng biết ơn sâu xa và trọn vẹn như vậy, con có thể yêu mến và phụng sự Chúa ngang qua việc tự nguyện săn sóc thế giới này, một thế giới xinh tươi nhưng đang chịu nhiều tổn thương. Xin giúp con biết con phải làm gì, và đánh động lòng con, để con bớt ngần ngại bày tỏ một tình yêu hiến thân dành cho ngôi nhà chung mà Chúa đã trao phó cho chúng con, từ những hành động cụ thể và gần gũi nhất. Xin cho con dám tin rằng: Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, chẳng bao giờ Chúa lại muốn và có thể mang điều xấu đến cho thế giới. Mong sao chúng con biết ngắm nhìn việc Chúa làm, để ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, chúng con vẫn được nhắc nhở: Đã đến lúc thế giới hiện đại nên nhìn nhận lại lối sống tưởng như rất tiên tiến nhưng quá tai hại và không lối thoát : thành thị ô nhiễm, nông thôn hoang vắng, thú vật bị tàn hại không thương tiếc, và con người thì mê đắm trong mua sắm, thích hoang phí trong các cái “siêu to, siêu khổng lồ, siêu quý, siêu hiếm”. Xin cho chúng con dám chấp nhận thay đổi, để an vui khi bớt mua, bớt của, nhưng thêm cầu nguyện và liên đới. Cuối cùng, xin cho chúng con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa là Cha Quan Phòng và Yêu Thương nơi mọi sự lớn-nhỏ, tốt-xấu trong thế giới này, để không ngừng ca ngợi và chúc tụng Chúa: “Laudato si’!”. Amen.

Anh Huy, SJ

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: