Người nữ tu Châu Phi kể về ước mơ trở thành một “nhà truyền giáo anh hùng, được mọi người ngưỡng mộ” đột nhiên tan vỡ khi đối mặt với định kiến ​​về Châu Phi của những người không phải là người Châu Phi. Nó là cơ hội để sơ khám phá rằng ơn gọi truyền giáo thực sự không theo logic của quyền lực và tiền bạc, để đi đến tận cùng nỗi đau của những người mà sơ thực hiện sứ vụ truyền giáo.

Sơ Anne Falola

Sơ Anne là một nhà truyền giáo của dòng Đức Mẹ Các Tông Đồ. Sơ có bằng Tư vấn và Tu đức. Việc truyền giáo của sơ bao gồm: giảng dạy, công tác mục vụ và xã hội, đối thoại liên tôn, và linh động truyền giáo ở quê hương Nigeria, Argentina và Vương quốc Anh. Sơ hiện là Tổng Cố vấn và đang cư trú tại Roma. Trong cuộc họp toàn thể năm 2022 của Hiệp hội Bề trên Tổng quyền Quốc tế, UISG, sơ đã có một bài phát biểu. Dưới đây là một đoạn trích:

Chấp nhận tính dễ bị tổn thương giúp chúng ta đến gần người khác

Tính dễ bị tổn thương là đặc tính cơ bản của mọi sứ mạng Kitô giáo đích thực, bởi vì chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa Giêsu Kitô, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, …. (Pl 2,6-8). “Sự tự huỷ” của Chúa Kitô làm cho tính dễ bị tổn thương trở thành một cách thế để trở thành nhà truyền giáo và một phương tiện quan trọng cho sứ vụ….

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Tiến trình Thượng hội đồng xét cho cùng là một lời kêu gọi canh tân việc truyền giáo, nhưng không phải từ vị trí quyền lực và thẩm quyền được nắm giữ cho đến nay …. Chúng ta không thể đạt được điều này nếu không chấp nhận và đón nhận tính dễ bị tổn thương của chúng ta. Đối với chúng ta, là những nhà truyền giáo, tính dễ bị tổn thương là một gia sản cho việc truyền giáo hơn là một gánh nặng, bởi vì nó cho phép chúng ta ra đi bằng việc chính chúng ta tham gia chia sẻ với những người yếu ớt, bị áp bức và nghèo đói. Khi chúng ta chấp nhận sự dễ bị tổn thương của chính mình, chúng ta trở nên gần gũi hơn với những người cần ánh sáng và sự giải thoát….

Việc truyền giáo phải thoát khỏi mọi hình thức quyền lực

Châu Phi đôi khi được gọi là ‘khu vườn của Giáo hội trong Thế kỷ 20’, vì sự phát triển hấp dẫn của Giáo hội ở Châu Phi trong thế kỷ 19 và 20…. Từ khoảng 4 triệu Kitô hữu vào năm 1900, Kitô giáo châu Phi đã tăng lên hơn 300 triệu tín hữu vào năm 2000.

Một trong những hệ quả của việc này là không còn các quốc gia chuyên gửi người đi truyền giáo hay các quốc gia chỉ đón nhận các nhà truyền giáo…. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến động lực truyền giáo…. Địa lý các miền truyền giáo đã thay đổi! Tạ ơn Chúa, sứ mạng truyền giáo của Kitô giáo giờ đây đã tách rời khỏi mối liên hệ lịch sử của nó với quá trình thực dân hóa và Tây phương hóa….

Tôi thường được hỏi tại sao người châu Phi lại bận tâm đi ra ngoài lục địa của họ để truyền giáo, với vô số vấn đề mà chúng tôi gặp phải. Về điều này, tôi trả lời rằng lời kêu gọi truyền giáo KHÔNG phải là sự cạnh tranh của việc tự cung tự cấp, điều mà chỉ những người mạnh mẽ và không có vấn đề gì mới có thể đáp ứng. Xu hướng độc quyền này có vấn đề bởi vì nó gắn việc truyền giáo với quyền lực, ảnh hưởng chính trị, của cải vật chất, thuộc địa và thống trị. Là một nhà truyền giáo châu Phi, tôi thấy mình được kêu gọi thay đổi câu chuyện này, để mang lại sự mới mẻ, đơn giản và năng lượng, tước bỏ các quyền lực kinh tế và chính trị….

Châu Phi có nhiều điều để cống hiến

Mặc dù tính dễ bị tổn thương là rất quan trọng đối với sứ vụ truyền giáo, nhưng nó không hề dễ dàng. Những nhà truyền giáo mà tôi biết trong thời thơ ấu của tôi không được coi là những người nam và người nữ dễ bị tổn thương. Ơn gọi truyền giáo của tôi được truyền cảm hứng bởi các nhà truyền giáo người Ai Len, những người ở quê hương tôi, đã đi tiên phong trong các sáng kiến về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các lĩnh vực mục vụ và xã hội. Họ đã được yêu mến và rất tôn trọng. Tuy nhiên, khái niệm của tôi về một nhà truyền giáo anh hùng, được mọi người ngưỡng mộ, đột nhiên sụp đổ!

Khi tôi đi ra khỏi châu Phi vào năm 1994, tôi nhận ra rằng tôi không được đón nhận như một nhà truyền giáo. Thay vào đó, tôi bị coi là một công nhân nhập cư tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ước mong dâng hiến trọn vẹn chính mình đã bị lung lay và tôi thường bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng người ta tin rằng một người châu Phi có rất ít khả năng cống hiến. Tôi nhận ra rằng đối với nhiều người bên ngoài châu Phi, lục địa này chỉ gắn liền với nghèo đói, chiến tranh, bạo lực, rối loạn, cuộc sống hoang dã, dịch bệnh, chiến tranh sắc tộc, bất ổn chính trị và tham nhũng. Mặc dù không thể phủ nhận những thực tế này, nhưng Châu Phi cũng là một miền đất hứa với cuộc sống sôi động, sự kiên cường, trẻ trung, tình yêu cộng đồng, lòng hiếu khách, sự quảng đại và lòng sùng đạo.

Xây dựng sự hiệp thông giữa sự khác biệt

Là một nhà truyền giáo đến từ Châu Phi, tôi đã học cách chấp nhận sự tổn thương mà những định kiến đã áp đặt lên tôi, trong khi khiêm tốn đón nhận phẩm giá để thay đổi câu chuyện. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của hội chứng một tầng, được xây dựng dựa trên thành kiến của người khác về chúng ta. Tất cả chúng ta đều mang gánh nặng về căn tính của mình. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta bước ra ngoài môi trường của chính mình – chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá của người khác. Nhà văn người Nigeria, Chimamanda Ngozi Adichie đã nói rõ điều đó: “Nó không phải là câu chuyện duy nhất không có thật, nhưng nó không phải là câu chuyện duy nhất”…

Là những nhà truyền giáo, chúng ta được mời gọi xây dựng sự hiệp thông trong sự đa dạng, đón nhận vẻ đẹp và sự mong manh của nó. Khi tôi kết thúc suy tư này, tôi thách đố bản thân và mỗi người trong chúng ta phải đón nhận sự dễ tổn thương của chính mình. Sự dễ tổn thương của chính tôi như là một người nữ trong một xã hội phụ hệ và Giáo hội; một người châu Phi trong thế giới tranh giành quyền lực toàn cầu; một tu sĩ trong một thế giới ngày càng thờ ơ và không khoan dung về tôn giáo; một nhà truyền giáo trong một thế giới bài ngoại, và một người được gọi đến vùng ngoại biên trong một thế giới chỉ có vùng trung tâm là quan trọng. Điều này, đối với tôi, là đang đón nhận tính dễ bị tổn thương.

 

Nguồn: vaticannews.va