Carla Lima
Người ta đưa họ vào tù. Vào buổi sáng nóng nực đó, những người Wichí, cộng đồng có nguồn gốc từ miền bắc Argentina, đã bị bắt khỏi lãnh thổ của họ và bị nhốt trong tù. Đó là năm 1976. Chế độ độc tài quân sự đã quyết định bắt giữ họ vì họ không có giấy tờ tuỳ thân. Cho đến khi đó, họ đã sống ở đó mà không cần giấy tờ: trong nền văn hóa của họ, họ có tên riêng và nhận ra nhau. Ngay cả xã hội đô thị trước đó cũng không yêu cầu họ có các giấy tờ tuỳ thân.
Cùng ngày hôm đó, Sơ Magdalena Sofía đã đến đồn cảnh sát dù không được triệu tập. Nhìn thẳng vào mắt viên sĩ quan phụ trách, sơ nói: “Họ không có tội!”, rồi nói thêm, “Các anh chưa bao giờ quan tâm đến họ! Làm ơn! Tôi đang muốn đăng ký cho từng người trong số họ tại văn phòng đăng ký”. Thế là có kết quả ngay. Ngay lập tức tiếng còi của cảnh sát trưởng vang lên ngay cả trong những phòng giam xa nhất. Sau đó, ông quay sang các đặc vụ của mình và ra lệnh: “Tôi giới thiệu với các anh Sơ Magdalena Sofia. Sơ đang phụ trách việc đăng ký tại văn phòng đăng ký. Xin đừng ai quấy rầy sơ. Đừng ai quấy rầy những người thổ dân!”.
Vài ngày trước đó, chính quyền thành phố đã yêu cầu các Nữ tu Thánh Tâm Chúa Giêsu tìm cách để đăng ký các nhóm có nguồn gốc từ các vùng lân cận của Mosconi ở Salta, Argentina, trong sổ đăng ký dân sự. Các nữ tu đã không bỏ qua một nhu cầu đã trở nên cấp thiết do những thay đổi trong chính quyền, nhưng nhiều người trong số họ không có quốc tịch Argentina cần thiết để thực hiện các hoạt động công cộng; Sơ Magdalena Sofía đảm nhận trách nhiệm. Sơ giải thích: “Tôi đã dành cả tuần để học. Tôi đã chuẩn bị các mẫu đơn. Chúng tôi có một chiếc xe để đi lên núi, vượt qua những vũng nước.” Các sơ đã đăng ký mọi thành viên của cộng đồng Wichí với văn phòng đăng ký. Các sơ biết họ nhờ hoạt động truyền giáo và đồng hành trong lãnh thổ.
Công việc này mô tả tinh thần phục vụ của Sơ Madgalena Sofía Kissner, sinh năm 1936 tại Pampas của Argentina, tại một vùng thuộc địa chỉ nói tiếng Đức. Trên thực tế, khi còn nhỏ, sơ đã gặp khó khăn trong việc tương tác ở trường vì không hiểu tiếng vùng Castiliano. Có lẽ chính lúc đó sơ đã rèn luyện được sự nhạy cảm để hội nhập, điều đã trưởng thành nhiều năm sau đó. Sơ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho giáo dục, với tư cách là một giáo viên lịch sử, giáo viên tiểu học hay vai trò quản lý, nhưng ngay khi thời điểm nghỉ hưu đến gần, một thách đố mới lại xuất hiện. Sơ nói rằng sơ gần như không muốn, nhưng được mọi người và cộng đồng thúc đẩy, sơ đã mở một trung tâm giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật ở Villa Jardín, Lanús, Buenos Aires. Để thực hiện điều này, trước tiên sơ theo học tại Trung tâm Ann Sullivan ở Peru, một trải nghiệm đã thay đổi sơ. Sơ nhớ lại sơ đã học ở đó rằng công việc không chỉ ảnh hưởng đến những đứa trẻ đặc biệt mà còn cả gia đình và cộng đồng của các em, và sơ nhận ra rằng nền tảng trong sự phục vụ của sơ là tất cả chúng ta đều có những tài năng khác nhau và được làm phong phú nhờ sự độc đáo của mỗi người.
Do đó, sơ đã thành lập trường Thánh Phanxicô, dành riêng cho trẻ em và việc giáo dục gia đình các em, bắt đầu từ hoàn cảnh khó khăn mà các em đang sống. Để đạt được điều này, Sơ Magdalena bắt đầu viết ra ước mơ của mình: “Chúng tôi cần một môi trường giáo dục mà tất cả các thành viên đều tham gia vào việc đào tạo, không chỉ trong lớp học mà còn trong mọi việc: việc bếp núc, việc dọn dẹp, ngoài hành lang, bên những bức tường. Tất cả mọi thứ đều giáo dục. Không ai có lỗi vì hoàn cảnh mà họ được sinh ra.” Sơ viết những điều này bằng bút chì trong sổ tay của sơ. Nhờ sự giúp đỡ của các sơ trong hội dòng, sơ đã đưa ra một đề xuất toàn diện. Sơ nhắc lại với lòng biết ơn: “Chúng tôi đã thực hiện các dự án cho các tổ chức trong nước và quốc tế. Hội dòng đã giúp tôi rất nhiều.” Từng bước một, các hoạt động hội tụ thành một quá trình bền vững.
Ban đầu, trường được tổ chức trong một căn phòng của nhà thờ ở khu phố, nơi một nhà sư phạm tâm lý đưa ra các chẩn đoán và liệu pháp. Cha sở đã cho mượn phòng vì lo ngại rằng trái tim của cộng đồng, tức là trẻ em khuyết tật, sẽ không được giúp đỡ. Nhưng không lâu sau, không gian này không đủ và cần phải chuyển đến một nơi rộng hơn để xây dựng một tòa nhà và có một khu vườn để các trẻ em cảm thấy thoải mái. Vì vậy, trong bối cảnh nghèo khổ đó, ngôi trường đó đã ra đời và vẫn còn miễn phí cho đến ngày nay.
Một trong những giáo viên của thời kỳ đầu đó kể lại rằng “Sơ ‘Magda’ luôn đến trước nhất, chào đón chúng tôi với mọi thứ vốn đã sẵn sàng, lau chùi hành lang”.Giáo viên đó cũng nhắc lại lời một người mẹ: “Khi tôi nói với con trai mình rằng nếu nó cư xử không tốt thì nó sẽ không được đi học, nó bắt đầu khóc!”. Trường học không phải là một nơi nhàm chán, nó là một lý do của niềm vui. Nữ tu đã tạo ra một “cách sống” để “chúng tôi biết từng người là ai, chúng tôi biết tên của từng phụ huynh”, giáo viên đó xúc động cho biết thêm. Sơ Magda bênh vực các trẻ em: “Chúng không có tội khi được sinh ra trong những hoàn cảnh đặc biệt”, người giáo viên nhắc lại lời của sơ. Sơ là người không ngừng bảo vệ quyền cảm thấy mình có phẩm giá của những đứa trẻ được yêu thương, và các học sinh cảm thấy thoải mái, thích tham gia và củng cố vị trí của chúng trong một thế giới đôi khi coi chúng là vô hình. Và đối với sơ, đây là cách sống ơn gọi thánh hiến cho Thiên Chúa, với lòng biết ơn đặc biệt đối với cộng đoàn của mình: “Các nữ tu bao bọc tôi với tình cảm rất trìu mến, với rất nhiều tình yêu thương, và tôi đã mơ ước như thế này, đó là cuộc sống dành cho tôi: là một nữ tu.”
Nguồn: vaticannews.va