Hoạt động bác ái của ông Salvatore Snaiderbaur, người sáng lập tổ chức One City Mission sau này được bắt đầu qua những cuộc gặp gỡ những người vô gia cư sống trên đường phố.

Ngọc Yến – Vatican News

Ông kể: “One City Mission bắt đầu khi tôi gặp những người vô gia cư trên đường phố New York. Hoàn cảnh khó khăn đã lấy đi hy vọng của họ, và tôi cảm thấy mình không thể bỏ qua hoàn cảnh của họ. Đặc biệt, vào một đêm kia, tôi gặp một người tên Alan bên ngoài một ngôi nhà bỏ hoang. Tình cảnh của người này đã khiến tôi vô cùng xúc động và tôi nhận ra rằng mình không thể để công việc bác ái này cho người khác”.

Ông nói tiếp: “Một năm sau, tôi có một cuộc gặp gỡ khác, lần này với một người tên Jorge cũng tại địa điểm đó. Đối với tôi đây là một dấu hiệu khẳng định con đường tôi đang dự tính. Tôi bắt đầu mở lòng ra với Jorge, kể về những khó khăn của tôi vào thời điểm đó, và điều này đã làm cho Jorge có can đảm chia sẻ về hoàn cảnh của anh. Điều ngạc nhiên là Jorge bắt đầu khích lệ tôi. Mối liên hệ này đã trở thành một mô hình cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo, nơi chúng tôi gắn bó với nhau vì những ước muốn chung chia sẻ về hạnh phúc, đồng thời nhìn nhận những giới hạn của mình”.

Ông Salvatore cho biết One City Mission được chính thức thành lập vào năm 2018, nhưng ý hướng đã được bắt đầu từ năm 2013, khi ông suy nghĩ đến ý nghĩa của việc “đi đến các vùng ngoại vi” như Đức Thánh Cha khuyến khích. Ông bắt đầu tích cực gặp gỡ những người sống trên đường phố và ở các ga tàu. Qua những lần tiếp xúc trực tiếp này tầm mắt ông đã được mở rộng đối với thực tế của những người sống bên lề xã hội.

Sau đó ông dành 5 năm làm tình nguyện viên cho các tổ chức bác ái và bắt đầu cảm nhận một lời kêu gọi sâu xa cung cấp một “ngôi nhà” được tạo thành từ các mối quan hệ của những người không nơi nương tựa. Ông muốn tạo một nền tảng có thể tạo điều kiện cho những người dân ở New York muốn giúp đỡ người khác nhưng không biết làm cách nào.

One City Mission cố gắng giải quyết nhiều vấn đề mà những người vô gia cư phải đối diện, bằng cách tập trung vào những cá nhân thường từ chối sự giúp đỡ vì nhiều lý do. Những lý do của sự từ chối thường là những trải nghiệm tiêu cực trong các hệ thống nhà ở, cách cư xử không xứng nhân phẩm. Tổ chức bác ái của ông Salvatore hiểu những điều này và cố gắng giải quyết với lòng trắc ẩn.

Tổ chức có bốn địa điểm gặp gỡ cộng đồng hàng tuần. Những điểm này là những cuộc tụ họp trên đường phố nơi các tình nguyện viên phân phát thức ăn và quần áo. Hiện tổ chức đang làm việc nhằm hướng tới việc thành lập “Trung tâm Tốt” để hỗ trợ cụ thể cho người xin tị nạn giải quyết các vấn đề đặc biệt của họ. Và trong khi tiếp tục tập trung tiếp cận những người sống trên đường phố, ông Salvatore đang nghĩ đến nhu cầu cấp thiết cần được giúp đỡ của các gia đình có con nhỏ. Những gia đình này thường đến các địa điểm phân phát thức ăn và quần áo vào buổi tối. Ông Salvatore nói: “Điều quan trọng là chúng tôi phải thiết lập một không gian dành riêng, nơi chúng tôi có thể giúp đỡ tốt hơn các gia đình này vượt qua những tổn thương do phải di dời và tạo điều kiện cho họ hoà nhập vào cộng đồng xã hội New York.

Khi được hỏi điều quan trọng nhất mà ông muốn mọi người biết về hoạt động của One City Mission là gì, ông Salvatore trả lời: “Vào thời điểm đặc biệt này, tôi mong muốn mạnh mẽ làm theo lời Đức Thánh Cha mời gọi trở thành “ngôn sứ hoà bình”. Tôi rất xúc động về điều mà ngài đã nói tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha Luigi Giussani. Đức Thánh Cha nói: Tôi lo ngại về thế giới của chúng ta ngày càng bạo lực và hiếu chiến. Tuy nhiên, qua những chứng tá ngôn sứ của chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người nghèo, người bị bỏ rơi, người dễ bị tổn thương và bị lên án, chúng ta góp phần hoàn thành khát vọng nơi tâm hồn con người về tình yêu, sự thật, công lý và hạnh phúc”.

Ông Salvatore kết luận với lời khẳng định rằng tự sức mình chúng ta không thể làm cho chiến tranh kết thúc hay xoá bỏ đói nghèo, nhưng chúng ta không thể chờ đợi những hoàn cảnh tốt hơn để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của người nghèo. Trách nhiệm của chúng ta là tích cực tìm kiếm và đón nhận sự hiện diện của Chúa nơi những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người dễ bị tổn thương. Chúng ta phải tin vào sức mạnh của sự kết nối và đó là chìa khoá để cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những người dễ bị tổn thương. Chính nhờ khả năng kết nối ở cấp độ cá nhân mà One City Mission tạo nên sự khác biệt.

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: