Dorota Abdelmoula-Viet
Mặc dù Tanzania chủ yếu gắn liền với vẻ đẹp huy hoàng của cảnh quan châu Phi, nhưng đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, nơi nghèo đói vật chất kết hợp với sự tàn bạo của tín ngưỡng ngoại giáo. Theo một người trong số họ, bùa hộ mệnh làm từ những mảnh cơ thể của người bạch tạng có thể là sự đảm bảo cho sự thịnh vượng. Và mặc dù có vẻ như đây là những trường hợp cá biệt, đặc biệt là vì luật pháp nghiêm cấm những hành vi này, Sơ Amelia Jakubik CSL, một trong hai nữ tu dòng Đức Mẹ Loreto phục vụ ở Mwanza, Tanzania, giải thích rằng sự tàn bạo vẫn xảy ra hàng ngày.
Sơ Amelia đang cùng với một nữ tu cùng dòng và Cha Janusz Machota quản lý một ngôi nhà dành cho trẻ em bạch tạng. Sơ kể lại những sự việc tàn khốc: “Ở đây, trên lãnh thổ của chúng tôi, một bé gái hai tuổi đã bị giết cách đây một tháng; cách đây vài ngày, một bé gái lớp hai mà chúng tôi đang giúp đỡ đã bị tấn công tại nhà và một đứa trẻ khác bị lột da”.
Tại Tanzania có đông người bạch tạng nhất thế giới. Theo dữ liệu mới nhất, tỷ lệ này là 1 trên 1.500 ca sinh.
Ngôi nhà, không phải là trung tâm
Đó là một sự khác biệt quan trọng, các giám đốc điều hành chỉ ra. “Cánh buồm”, đây là tên của ngôi nhà, được tạo ra theo mô hình của một gia đình đông con ở Tanzania, để các thành viên trẻ trong gia đình có thể cảm nhận trọn vẹn hơi ấm gia đình. Sơ Amelia, một giáo viên toán học, khi ở Châu Phi đã từ bỏ các tính toán tỉ mỉ, giải thích: “Đó là một ý tưởng điên rồ và sáng tạo của Cha Janusz. Mong muốn của cha là tạo ra một ngôi nhà chứ không phải một trung tâm khác”, để sử dụng “nhịp điệu của trái tim”. Ban đầu, chúng tôi muốn có 14 đứa trẻ đến sống vì số lượng gia đình ở địa phương quá đông. Thực tế đã cho thấy điều đó là chưa đủ. Hiện tại nhà của chúng tôi có 20 người trẻ từ 7 đến 20 tuổi. “Trong những năm gần đây, bốn người mà chúng tôi chăm sóc đã ra khơi trên ‘biển rộng’ của cuộc đời. Một số đang học hành, những người khác đang tìm kiếm con đường của mình. Nếu không có sự hỗ trợ và tình yêu nhận được tại ngôi nhà “Cánh buồm”, họ sẽ không tin tưởng về bản thân họ.
Theo Sơ Amelia, “Việc phục vụ của chúng tôi rất đơn giản: ở bên các em, tạo ra bầu không khí gia đình, một nơi mà các em có thể cảm thấy được mong muốn, được chấp nhận và được yêu thương. Và sau đó: gửi các em đến trường – trong trường hợp này là một trong những trường địa phương theo phương pháp sư phạm Montessori”.
Như Sơ Amelia đã giải thích, giáo dục không chỉ là tấm vé để thực hiện ước mơ mà còn là câu trả lời cho những hạn chế liên quan đến bệnh bạch tạng. “Họ không thể làm việc trên cánh đồng hay các hoạt động ngoài trời bởi vì bệnh bạch tạng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư da và một số bệnh khác”.
Được biết bằng tên gọi
Ngôi nhà “Cánh buồm” từ 4 năm nay đã “bảo vệ” trẻ em Tanzania, không chỉ thay đổi cuộc sống của các em mà còn cả môi trường địa phương, nơi bắt đầu nhìn nhận theo cái nhìn mới về những người mắc bệnh bạch tạng, những người thường không chỉ bị xã hội chối bỏ, mà còn bị cả cha mẹ chối bỏ. Nữ tu dòng Loreto cho biết: “Chúng tôi có những đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới 4 tuổi. Cha mẹ các em đã bỏ các em ở một trong các trung tâm, sau đó thay đổi số điện thoại và nơi ở để cắt đứt liên lạc”. Thật không may, có rất nhiều câu chuyện tương tự.
Cách giải quyết cho sự chối bỏ này là sự chấp nhận, được truyền từ ngôi nhà “Cánh buồm” ra môi trường. Sơ Amelia kể: “Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi nghe thấy những tiếng hét phía sau: Ồ! Những người bạch tạng đang đến! Ngày nay chúng tôi nghe thấy: Ô, Lilian! Ô, Teresina đang đến!”. Ngôi nhà thường được trẻ em địa phương đến thăm; chỉ trong những năm 2021-2022, Sơ Amelia cùng với các lãnh đạo khác của ngôi nhà “Cánh buồm” đã tiến hành hơn 200 buổi hội thảo về bệnh bạch tạng ở Tanzania. Nỗi sợ hãi và xấu hổ dần dần lắng xuống. “Tôi sẽ không bao giờ quên lòng biết ơn của một người mẹ khi biết chúng tôi sẽ chăm sóc đứa con gái mà bà đã bỏ rơi khi mới 14 tuổi. Bà từng xấu hổ về con gái mình, ngày nay lại tự hào về con”.
Sức mạnh kín đáo của đức tin
Khi được hỏi hoạt động của các nữ tu trong khu vực được nhìn nhận như thế nào, Sơ Lauretana trả lời: “Họ nhận ra rằng chúng tôi đến đây không phải để kiếm lợi từ họ mà là để yêu thương họ. Và họ chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt”. Tiếp theo sự chào đón nồng nhiệt là ân sủng đức tin, được tuôn đổ một cách kín đáo vào tâm hồn của những đứa trẻ mà chúng tôi chăm sóc. Ngôi nhà “Cánh buồm” không đòi hỏi người trẻ phải thuộc về Giáo hội. Sơ giải thích: “Chúng tôi không hỏi tôn giáo và tín ngưỡng của các em là gì, chúng tôi chỉ chấp nhận những ai cần nó nhất”, và cho biết thêm rằng trong số các trẻ em có những người theo đạo Hồi, Cơ Đốc Phục Lâm và những người tìm kiếm đức tin.
Sơ kể: “Chúng tôi đã có 3 thiếu niên được Cha Janusz rửa tội. Đây không phải là công đức của chúng tôi, chúng tôi không ép buộc họ, nhưng chúng tôi thể hiện qua thực tế đức tin của chúng tôi bao gồm những gì. Họ thấy cách chúng tôi cầu nguyện, cách chúng tôi tham dự Bí tích Thánh Thể hàng ngày. Họ biết chúng tôi kín múc sức mạnh từ đâu”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.
Nguồn: vaticannews.va