Ngọc Yến – Vatican News
“Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều thiếu thốn và chúng ta cần lòng thương xót. […] Tất cả chúng ta đang mắc nợ Thiên Chúa, Đấng rất quảng đại, và mắc nợ anh chị em. Mọi người đều biết rằng chúng ta chưa thực sự là cha mẹ, chồng hay vợ, anh chị em như chúng ta phải là”. Những lời này của Đức Thánh Cha Phanxicô, được nói vào tháng 4/2021, giúp hiểu không chỉ về trọng tâm của khái niệm lòng thương xót trong thông điệp thần học của ngài, nhưng còn là bản chất của lòng thương xót trong đời sống Giáo hội và của mỗi Kitô hữu. Do tầm quan trọng của cả hai khía cạnh này, Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh có cuộc phỏng vấn với giáo sư Giacomo Canobbio của Phân khoa Thần học Bắc Ý ở Milano, và giám đốc khoa học của Hàn lâm viện Công giáo Brescia, nhằm giúp khám phá mối liên hệ của chúng với những “hạt giống” thần học khác của Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha nói về lòng thương xót và công bằng xã hội như là “hai chiều kích của một thực tại duy nhất”, vậy đâu là nguồn gốc thần học và triết học của lời khẳng định này?
Để hiểu mối quan hệ giữa lòng thương xót và công bằng xã hội, chúng ta phải trở lại với việc sử dụng các thuật ngữ “lòng thương xót” và “công bằng” trong ngôn ngữ Kinh Thánh, để biết nguồn gốc xã hội của chúng. Thực tế, trong lịch sử nhân loại có những bất bình đẳng gây ra bởi cả yếu tố môi trường và hành vi con người. Theo quan điểm Kinh Thánh, tất cả mọi người đều là hình ảnh và giống Thiên Chúa và do đó có cùng phẩm giá và có quyền hưởng những lợi ích như nhau. Do đó, hành động của Thiên Chúa là nhằm mục đích phục hồi phẩm giá này cho tất cả mọi người: đây là ý nghĩa của công bằng, mà trước khi nó trở thành một hành động pháp lý thì nó là một hành động nhằm khôi phục trật tự trong con người và trong xã hội, theo cách sao cho mỗi người tương hợp với những gì họ phải là và xã hội bảo đảm điều này xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề là xác định con đường để công bằng được thực thi.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, “thực thi công bằng” đôi khi đồng nghĩa với việc trả thù: bắt một người phải chịu một hình phạt tương ứng với điều xấu họ đã làm, đến mức loại bỏ họ nếu điều ác được thực hiện là nghiêm trọng và là mối đe dọa cho xã hội. Theo quan điểm này, tiêu chí mà người ta tiến hành là hình phạt phải tương xứng với tội đã gây ra. Tuy nhiên, bằng cách này, người ta đặt quá nhiều niềm tin vào hình phạt, cho rằng nó có thể phục hồi con người và chữa lành điều ác gây ra cho xã hội. Để sửa chữa giới hạn của quan điểm này, trong vài thập kỷ qua trong lĩnh vực luật hình sự, một con đường gọi là công lý phục hồi đã được đưa ra. Mục tiêu của công lý là phục hồi phẩm giá của người phạm tội, tái hòa nhập người này vào xã hội với một khuôn mặt mới, tương ứng với những gì người này phải là.
Trong bối cảnh này nảy sinh ý tưởng về lòng thương xót, đặc trưng cho hành động của Thiên Chúa đối với những người có tội và nhân loại nói chung. Tuy nhiên, lòng thương xót không có nghĩa là giả vờ rằng điều ác chưa thực hiện; đúng hơn, đó là một hành động nhằm đổi mới con người và xã hội, làm cho họ tương ứng với bản tính do chính Thiên Chúa thiết lập. Đó là một hành động cứu độ. Về điều này tất cả các môn đệ Chúa Giêsu đều được mời gọi, những người, theo quan điểm Tin Mừng, đã trải nghiệm lòng thương xót, được mời gọi sử dụng lòng thương xót theo mẫu gương của Đấng đã phục hồi chúng ta. Nếu nhân loại bị đánh dấu bởi sự bất bình đẳng và đây là hậu quả của bất công, thì thực hiện công bằng sẽ có nghĩa là thực thi lòng thương xót, nghĩa là thái độ chữa lành. Do đó, lòng thương xót và công bằng xã hội không đối nghịch nhau: đúng hơn, chúng là hai khía cạnh của cùng một hành động nhằm làm cho con người và xã hội tương ứng với những gì họ phải là, nghĩa là theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và một nơi trong đó phẩm giá của tất cả mọi người đều được nhìn nhận.
Thông thường công bằng xã hội, theo nghĩa công bằng phân phối và tái phân phối, đòi hỏi không có lòng thương xót. Làm thế nào lòng thương xót có thể củng cố công bằng xã hội trên bình diện đạo đức và chính trị?
Không có lòng thương xót, công bằng không thể đạt được. Vấn đề là làm thế nào mối liên hệ giữa hai “đức tính” có thể được duy trì về mặt chính trị. Nếu nhiệm vụ của chính trị là quản lý xã hội, thì vấn đề đặt ra liên quan đến mô hình xã hội mà người ta muốn thực hiện. Và đây là vấn đề đạo đức. Không có xã hội “công bằng” theo nghĩa được đề cập ở trên, bởi vì nếu nó tồn tại thì sẽ không cần luật pháp và thể chế điều chỉnh trật tự của các quan hệ xã hội. Luật pháp được ban hành để đạt được mục tiêu công lý. Vì lý do này, cần phải có những luật công bằng, nghĩa là, tương ứng với một xã hội công bằng, trong đó tất cả mọi người đều được công nhận một cách hiệu quả về phẩm giá, không tuỳ thuộc vào công trạng. Nhiệm vụ của chính trị là xây dựng và thực thi luật pháp cho phép mọi người được hưởng lợi ích như nhau để họ có thể sống tự do, tương ứng với phẩm giá của họ. Một xã hội công bằng là một xã hội giúp mọi công dân trở nên “công bằng”, nghĩa là có thể đóng góp vào việc xây dựng một cách có trách nhiệm xã hội mà họ thuộc về. Điều này bao gồm hành động chính trị tiến hành với các tiêu chí không mang tính đảng phái, nhưng tìm kiếm công ích, trong khi nhận thức được những hạn chế của chính mình.
Câu hỏi đặt ra là liệu lòng thương xót có thể và / hoặc cũng là động lực của hành động chính trị hay không. Người ta thường cho rằng tình cảm này phải được dành riêng cho các mối quan hệ giữa các cá nhân: chính trị chỉ có nhiệm vụ thực hiện công bằng. Tuy nhiên, nếu công bằng bị tách rời khỏi lòng thương xót, người ta sẽ tiếp tục với một ý tưởng hẹp hòi về công bằng vì nó bị giới hạn trong chiều kích trừng phạt và phân phối, quên đi chiều kích phục hồi. Về vấn đề này, cần nhắc lại nguyên tắc đã được hiền triết Cicero xây dựng, theo đó công bằng bao gồm việc trao cho mỗi người những gì phù hợp với họ theo phẩm giá. Bây giờ, nếu phẩm giá có giá trị “hữu thể học” để thực thi công bằng, thì nó có nghĩa là khôi phục phẩm giá đã mất cho tất cả mọi người; Và đây là công trình của lòng thương xót.
Vai trò của lòng thương xót trong đời sống Giáo hội ngày nay là gì?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm hiểu thực hành và giáo huấn của Chúa Giêsu, mà chính các môn đệ của Người phải thi hành. Cần phải xác định rõ rằng lòng thương xót không có nghĩa là buông lỏng. Thật vậy, nếu lòng thương xót có mục đích chữa lành con người, thì điều này cần phải có những con đường hoán cải, nghĩa là điều chỉnh cảm xúc, hành động, tư tưởng, phù hợp với phẩm giá Thiên Chúa ban. Khi đọc lại cuộc đời mình, Thánh Phaolô đã thú nhận chính lòng thương xót đã làm cho đời sống ngài thay đổi (x. 1 Tm 1, 13-16).
Bối cảnh văn hóa cũng ảnh hưởng trên các môn đệ Chúa Giêsu, theo hướng hợp pháp hóa mọi hình thức suy nghĩ và hành động, và mọi người có xu hướng trước hết là mong đợi được nhìn nhận. Tuy nhiên, bằng cách này, lòng thương xót bị giảm xuống thành sự chấp nhận vốn không làm cho chúng ta lớn lên. Trái lại, lòng thương xót Chúa làm cho sự biến đổi chuyển động. Và Giáo hội có nhiệm vụ làm cho tiến trình này trở nên khả thi. Nếu Tin Mừng không đưa ra các tiến trình thay đổi, Tin Mừng sẽ không còn là một sứ điệp cứu độ, nghĩa là người tạo ra những cách sống mới. Rõ ràng là điểm khởi đầu của tiến trình biến đổi được đưa ra là việc đón nhận mọi người, không thành kiến hay phân biệt, về khả năng hiệu quả: không có hai yếu tố này, con người không thể sống kinh nghiệm về Thiên Chúa Cứu Độ.
Mối quan hệ giữa ân sủng, lòng thương xót và sự tha thứ là gì? Ba chiều kích có nhất thiết phải kết nối với nhau không?
Khởi đầu là ân sủng, nghĩa là cử chỉ nhân từ của Thiên Chúa, được tỏ lộ cả trong việc đưa thực tại vào hiện hữu và phục hồi nó khi nó đã bị biến dạng. Trong Tông sắc Misericordiae vultus – Dung mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy từ Thánh Tôma Aquinô ý tưởng rằng quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa được thể hiện trước hết trong lòng thương xót và tha thứ, như vẫn được cầu nguyện trong Lời nguyện Nhập lễ Chúa nhật XXVI thường niên. Trong bối cảnh của mối liên hệ giữa ba chiều kích – ân sủng, lòng thương xót, sự tha thứ – là những đặc điểm của Thiên Chúa được minh họa bởi các bản văn Kinh Thánh. Thiên Chúa là Đấng thương xót và thành tín. Người ta có thể nói: Chúa thương xót vì Người thành tín. Thực vậy, Thiên Chúa trung tín trong việc làm cho nhân loại được sống, và khi nhân loại tỏ ra không thể giữ giao ước, Thiên Chúa ban cho con người khả thể mới cho phép họ trở về với Người. Do đó, lòng thương xót là sự thể hiện vĩnh viễn và vô điều kiện về căn tính của Thiên Chúa, nó chuyển thành sự tha thứ khi sự bất trung của con người lấn át.
Tha thứ không đồng nghĩa với việc phủ nhận điều ác đã làm; đúng hơn, nó bao gồm việc cung cấp một cách vô điều kiện sự khởi đầu của một tiến trình phục hồi, thoát khỏi những tội lỗi làm con người biến dạng. Vì lý do này, như lời nguyện nhập lễ được trích dẫn trên, quyền năng Thiên Chúa đang bị đe dọa trong sự tha thứ. Không phải ngẫu nhiên mà trong phụng vụ Bí tích Rửa tội và Hòa giải, lặp lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô, ngôn ngữ tái sinh được sử dụng, đó là hoạt động của Thánh Thần, nghĩa là sức mạnh sống động và ban sự sống của Thiên Chúa.
Đâu là những trở ngại hay thách đố mà thế giới ngày nay có thể gặp trong việc chấp nhận và thực hành hòa giải như sự tha thứ?
Trở ngại lớn nhất bao gồm việc cho rằng tha thứ là dấu hiệu của sự yếu đuối, vì nó được hiểu là sự thất bại trong việc nhận ra điều ác đã phạm. Cách suy nghĩ này được phản ánh bởi định hướng tự ái, phổ biến trong văn hóa ngày nay: về cơ bản mọi người đều muốn có sự chấp thuận và, nếu họ không xứng đáng, họ muốn được biện minh. Đây là một nghịch lý: một mặt, người đã phạm sai lầm phải bị trừng phạt. Mặt khác, nếu người ta sai, họ sẽ không muốn bị trừng phạt. Thật ra – như Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh họa trong thông điệp Fratelli tutti – tha thứ là một tiến trình vất vả, không che giấu sự dữ đã làm, nhưng không để mình bị lừa gạt trong đó.
Nguồn: vaticannews.va