Hồng Thủy – Vatican News
Án phong chân phước bao gồm Đức cha Phanxicô Hong Yong-ho, bị giam tù vào năm 1949 và từ đó không có tin tức về ngài, cùng với 49 linh mục, 7 tu sĩ và 25 giáo dân bị tra tấn và giết chết trong cuộc xung đột, trong đó có một số thừa sai người ngoại quốc như Đức cha Patrick James Byrne (1888-1950), nhà truyền giáo người Mỹ dòng Maryknoll, đại diện tông toà tại Hàn Quốc.
Đức cha Phanxicô Hong Yong-ho
Đức cha Phanxicô Hong Yong-ho sinh ra ở Bình Nhưỡng năm 1906, thụ phong linh mục năm 1933, được Đức Piô XII bổ nhiệm làm đại diện tông tòa của Bình Nhưỡng vào ngày 24/3/1944, thụ phong giám mục vào tháng 6 cùng năm. Ngài bị chế độ Kim Nhật Thành bắt giữ vào năm 1949 và từ đó không còn tin tức về ngài. Ngày 10/3/1962, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII quyết định nâng giám hạt Bình Nhưỡng lên hàng giáo phận và bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Hong làm giám mục. Cho đến năm 2013, niên giám của Toà Thánh vẫn ghi Đức cha Hong, người đứng đầu giáo phận Bình Nhưỡng, đang “mất tích”. Vào năm 2014, khi Toà Thánh cho khởi sự án phong chân phước, Đức cha trở thành người Bắc Hàn đầu tiên được lập hồ sơ phong chân phước.
Tiến trình lập hồ sơ phong chân phước cấp giáo phận
Ngay từ năm 2008 Hội đồng giám mục Hàn Quốc đã muốn xin nhìn nhận sự tử đạo của các chứng tá đức tin này. Vào năm 2014, tiến trình phong chân phước được chính thức bắt đầu. Với sự chuẩn nhận của Toà Thánh, các vị tử đạo đã chính thức trở thành các vị Tôi Tớ Chúa.
Từ năm 2017 cho đến nay, một Uỷ ban đặc biệt được Hội đồng Giám mục Hàn Quốc thành lập, dưới quyền tài phán của tổng giáo phận Seoul, đã thu thập các chứng tá về các vị tử đạo và dịch sang tiếng Anh. Giờ đây các hồ sơ này sẽ được gửi sang Roma cho Bộ Phong Thánh.
Thúc đẩy hòa giải và thống nhất
Trong lễ kết thúc công việc của Ủy ban Đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Seoul Peter Chung Soon-taick nhận định: “Đức cha Hong Yong-ho và các bạn tử đạo của ngài là những nhân vật khác với các vị tử đạo trong thời đại bách hại 200 năm trước. Các ngài là những người đã chia sẻ lịch sử của thế kỷ XX với chúng ta, họ thực sự là một phần cuộc sống của chúng ta. Họ đã hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho những gì quan trọng.”
Còn Đức cha Mathias Ri Iong-hoon, giám mục của Suwon Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, nói thêm: “Trong thực tế khắc nghiệt rằng chúng ta vẫn đang sống trong một đất nước bị chia cắt, nơi sự chia rẽ giữa Bắc và Nam và những xung đột ý thức hệ vẫn tiếp diễn, tôi chân thành hy vọng rằng việc xúc tiến tiến trình phong chân phước cho những vị tử đạo này sẽ là nền tảng để thúc đẩy hòa giải và thống nhất.” (Asia News 09/06/2022)
Nguồn: vaticannews.va