Nếu đó là một kỳ nghỉ với Chúa, khi đó tôi cần phải được thư giãn. Tôi luôn nhấn mạnh trong các cuộc tĩnh tâm riêng của mình rằng nếu có bất cứ sự căng thẳng nào, thì rất có thể nó không đến từ Chúa, và tôi hy vọng nó sẽ không đến từ chính tôi trong tư cách là người hướng dẫn. Để loại bỏ bất cứ sự căng thẳng nào đến từ người tĩnh tâm, tôi thường đề nghị ba phương hướng để làm một cuộc tĩnh tâm tốt, đó là: Ăn tốt, Ngủ tốt, và Cầu nguyện toàn bộ thời gian.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Tác phẩm: Một kỳ nghỉ với Chúa

Nguyên tác: A Vacation with The Lord

Tác giả: Thomas H.Green, SJ

Chuyển ngữ: Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

Giữa những ngày giờ lao động nhộn nhịp, cần có những khoảng lặng để nghỉ ngơi. Giữa những tháng ngày phục vụ, cần có những lúc hồi tâm, lui vào sa mạc để nghỉ ngơi đôi chút. Nghỉ ngơi như một nốt lặng trong một bản nhạc sôi nổi hay trầm lắng. Có thể nói nghỉ ngơi là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người. Nếu chỉ biết làm việc và học tập mà thiếu nghỉ ngơi, e rằng sức người khó bền lâu. Việc nghỉ ngơi có vẻ như làm tiêu tốn một quỹ thời gian quý giá trong cuộc sống lao động. Tuy nhiên, thà “lùi một bước để tiến ba bước” còn hơn chỉ “giậm chân tại chỗ”. Người Ki-tô hữu nếu được nghỉ hè cùng với Chúa thì tuyệt vời biết bao.

Một Kỳ Nghỉ Với Chúa vừa giúp con người có sức khỏe tốt hơn, vừa giúp đời sống tâm linh được cải thiện, canh tân, an bình, tươi vui và tiến bộ hơn. Nghỉ Ngơi Với Chúa để làm mới lại mối tương quan tình yêu giữa tôi với Chúa sau những ngày dài bận rộn với sự đời.

Theo Cha Đỗ Cao Bằng, dịch giả cuốn sách chia sẻ, Một Kỳ Nghỉ Với Chúa cũng là tựa đề của quyển sách tôi đã đọc qua và để lại trong tâm trí nhiều ấn tượng và tác động sâu xa. Thỉnh thoảng tôi được nghe về sự khó khăn của một vài người đi tĩnh tâm nhưng không biết, không hiểu tĩnh tâm là gì, phải làm thế nào… (?). Do đó, tôi nghĩ tới những người muốn làm tĩnh tâm nhưng chưa có một sự chuẩn bị sẵn sàng cho những điều cần thiết khi làm tĩnh tâm. Tôi quyết định dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, với hy vọng sẽ giúp ích cho nhiều linh hồn khao khát có được những giây phút ngắn ngủi nghỉ ngơi bên Chúa.

Nội dung

Cha Thomas Green SJ, tác giả cuốn sách, một người có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp tĩnh tâm, hướng dẫn thiêng liêng và linh hướng chia sẻ:

Tĩnh tâm không phải là thời gian khó khăn nhất của năm, nhưng là một thời gian đẹp nhất. Có thể có nhiều khó khăn – hầu chắc sẽ có – nhưng chúng là những khó khăn gặp phải trong việc thực hiện những điều mà chúng ta nhận thấy đáng làm, những điều mà chúng ta mong chờ tựa như một thời gian phong phú nhất, sâu xa nhất của năm.

Nếu đó là một kỳ nghỉ với Chúa, khi đó tôi cần phải được thư giãn. Tôi luôn nhấn mạnh trong các cuộc tĩnh tâm riêng của mình rằng nếu có bất cứ sự căng thẳng nào, thì rất có thể nó không đến từ Chúa, và tôi hy vọng nó sẽ không đến từ chính tôi trong tư cách là người hướng dẫn. Để loại bỏ bất cứ sự căng thẳng nào đến từ người tĩnh tâm, tôi thường đề nghị ba phương hướng để làm một cuộc tĩnh tâm tốt, đó là: Ăn tốt, Ngủ tốt, và Cầu nguyện toàn bộ thời gian1. Điều này có nghĩa là tôi làm cho cuộc tĩnh tâm trở thành một kỳ nghỉ thực sự. Tôi không chỉ dâng lên Chúa một phần thời gian và một phần của chính tôi; hơn là tôi tìm kiếm, theo cụm từ của đời tu cổ xưa, để được ở trọn vẹn với Thiên Chúa (vacare Deo), để được tự do hoàn toàn với Chúa.

Thiên Chúa là chủ thể, do đó kỳ nghỉ này có một yếu tố không chắc chắn, dễ đổi thay. Tôi là một vị khách trong căn nhà của Ngài; Ngài là người vạch ra kế hoạch cho kỳ nghỉ. Do đó, tự nhiên có một yếu tố không chắc chắn, thậm chí có lẽ là yếu tố lo lắng, vì tôi không được tự điều khiển. Điều này thực sự đúng với những người như chúng ta là những tông đồ hoạt động, những người có thể điều khiển bản thân theo tính tự nhiên. Trong suốt những ngày nghỉ này chúng ta phải cố gắng nghỉ ngơi thực sự và để cho Chúa làm chủ.

Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến “những công cụ” cho một cuộc tĩnh tâm như: Kinh Thánh, viết lại nhật ký thiêng liêng, và linh hướng.

Về ‘nhật ký thiêng liêng’, tác giả miêu tả về những lợi ích như sau:

Đầu tiên, tất cả chúng ta có khuynh hướng xem xét nội tâm, quên đi những gánh nặng của chúng ta khi đang cầu nguyện.

Giá trị thứ hai của tập nhật ký này là: nếu tôi có một người linh hướng, hoặc nếu chính tôi đang nỗ lực để nhìn thấy sự thống nhất của toàn bộ kinh nghiệm tĩnh tâm như tôi đang đi, tập nhật ký có thể giúp tôi không bị lạc hướng trong khu rừng bởi cây cối che phủ.

Giá trị thứ ba của tập nhật ký được nhận ra khi bạn đến nói với người linh hướng, chia sẻ với họ điều gì đã xảy ra trong giờ cầu nguyện của bạn. thật hữu ích nếu trước khi gặp linh hướng, bạn đọc lại tập nhật ký để thấy điều gì bạn muốn chia sẻ.

Linh hướng

Cho dù bạn đang làm tĩnh tâm riêng, tôi cũng sẽ khuyên bạn cố gắng tìm một vị linh hướng ở những nơi có sẵn những người cho bạn nói chuyện nếu và khi cần thiết. Mặc dù không phải căn bản mỗi ngày bạn đều phải nhìn thấy vị linh hướng, nhưng ít nhất bạn biết rằng họ đang ở đó, sẵn sàng cùng nhận định với bạn nếu cần thiết.

Nếu bạn đã có một vị linh hướng, thì điều gì bạn nên chia sẻ? Thứ nhất, một cái nhìn bao quát, một quy tắc chung, là chia sẻ điều gì đã diễn ra trong giờ cầu nguyện của bạn kể từ lần gặp linh hướng gần nhất. hướng thấy một ý nghĩa của khuôn mẫu chung về những gì đã đang xảy ra trong giờ cầu nguyện của bạn.

Điều thứ hai để chia sẻ với vị linh hướng là bất cứ những thành phần đặc trưng nào về kinh nghiệm của bạn mà bạn cảm thấy cần được làm sáng tỏ hoặc xác chuẩn. Có thể bạn không chắc rằng bạn có thực sự đang nghe tiếng Chúa hay không. Hoặc có thể bạn nghiệm thấy sự sầu khổ và không chắc rằng bạn đã nắm bắt nó cách đúng đắn. Vì thế, có hai yếu tố trong việc chia sẻ của bạn, đó là một cái nhìn bao quát về dòng chảy của tĩnh tâm và bất cứ điểm đặc thù nào cần được làm sáng tỏ hoặc xác chuẩn.

Như chúng ta đã nói lúc đầu, vị linh hướng chủ yếu là một người thông dịch, một người cùng-nhận-định cuộc gặp gỡ với Chúa của bạn. Để hoàn thành vai trò này, ông ấy hay bà ấy phụ thuộc vào việc chia sẻ kinh nghiệm của bạn.

Ơn xin

Tôi thường gợi ý với thao viên rằng trong mỗi ngày tĩnh tâm họ nên tập trung vào ơn họ tìm kiếm. Trong ngày đầu của kỳ nghỉ với Chúa, ơn xin ở đây là xin cho được nghiệm thấy tình yêu thiết thân của Thiên Chúa dành cho tôi như đã được mặc khải bằng nhiều cách trong đời tôi.1 Đây là một ơn xin khởi đầu hữu ích theo một vài phương diện nào đó. Quan trọng nhất, như tôi đã nói, là sơn phần nền của bức tranh để đặc tính trung tâm, kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa trong kỳ tĩnh tâm này, được phối cảnh cách thích hợp. Hơn nữa, đây là một cách thức rất ích lợi giúp cho thao viên được ổn định, vì họ thường đi vào tĩnh tâm từ một cuộc sống bận rộn. Nếu bạn rất rất mệt vào lúc bắt đầu, bạn có thể phải ngủ nhiều vào ngày đầu tiên này. Đó là điều tốt, nếu bạn thấy cần thiết – chỉ cầu nguyện khi bạn tỉnh táo! Đề tài về tình yêu thương của Thiên Chúa có tính cá nhân và tự thuật, và khá dễ dàng để thực hiện. Nó cũng rất thanh thản khi chúng ta thấy được ổn định. Ngay cả khi bạn ngủ nhiều, cũng vẫn tốt hơn phải chiến đấu với sự mỏi mệt suốt cả tuần lễ. Sau cùng, bạn có cả tuần dành cho Chúa.

Như tôi đã nói, mỗi ngày tập trung vào ơn tìm kiếm, và đối với ngày đầu tiên này là kinh nghiệm nhận biết tình yêu thương Thiên Chúa dành cho bạn, một tình yêu dựa trên sự kiện Ngài là trung tâm, là cùng đích duy nhất của đời bạn, đó là cách thức duy nhất Ngài có thể yêu thương bạn, và đó là điều duy nhất Ngài có thể làm một lời thỉnh cầu hoàn toàn trên tình yêu của bạn. Do đó, để tập trung vào ơn bạn tìm kiếm, tôi sẽ đề nghị bạn dùng bất cứ bài đọc hoặc bài cầu nguyện nào đó giúp bạn nhận ra ơn xin này.

Mục lục

Ngày thứ nhất: ơn xin khởi đầu

Ngày thứ hai: biết mình

Ngày thứ ba: sẵn sàng chiến thắng trong Đức Ki-tô

Ngày thứ tư: Để hiểu biết mật thiết hơn, để yêu mến nồng nàn hơn

Ngày thứ năm: Để bước theo Chúa trung thành hơn

Ngày thứ sáu: Đáp trả lời Chúa

Ngày thứ bảy: Yêu đến chết

Ngày thứ tám: Đừng sợ, Thầy đã chiến thắng thế gian

Phần phụ chương: Cầu nguyện là gì, nên cầu nguyện như thế nào, có bao nhiêu phương pháp cầu nguyện,…

Quyển sách này là một nỗ lực để chia sẻ kinh nghiệm với độc giả dù ở miền xa xôi hơn. Nó có thể được sử dụng bởi các nhà hướng dẫn tĩnh tâm như là một sự bổ sung cho việc hướng dẫn một-đối-một dành cho thao viên của họ. Nó cũng có thể được sử dụng bởi các thao viên làm tĩnh tâm với một người hướng dẫn. Những thao viên trưởng thành trong đời sống cầu nguyện mong muốn được “ở một mình với Chúa” cũng có thể sử dụng sách này. Tuy nhiên, quyển sách chỉ là một trong những sự chỉ dẫn Chúa có thể dùng làm trung gian cho sự gặp gỡ yêu thương giữa Ngài và người cầu nguyện.

Một kỳ tĩnh tâm hoàn bị, tôi tin rằng, là một kỳ nghỉ với Chúa. Đó sẽ là một thời gian vui mừng – thời gian làm việc chăm chỉ, rất có thể, nhưng là một công việc bạn hoàn toàn thích thú. Khi các thao viên kể cho tôi nghe vào lúc kết thúc kỳ tĩnh tâm rằng họ chưa bao giờ làm việc chăm chỉ hơn, chưa bao giờ nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn như thế, tôi cảm thấy chúng tôi đã thành công. Họ bị cuốn hút cách hăng say vào việc theo đuổi những điều họ yêu mến, và họ có một cảm xúc thỏa mãn lớn lao về những điều ấy. 

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: