Ngọc Yến – Vatican News
Ngày 16/11 vừa qua, trong chuyên mục tin vui của tờ Người đưa tin chiều của Ý, có một câu chuyện thúc đẩy mọi người sống lạc quan và khuyến khích độc giả tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của tình liên đới. Đó là câu chuyện về một thanh niên 33 tuổi người Albania, Menci Gezim, anh đã phải ngồi tù 10 năm, gần một phần ba cuộc đời vì những tội nghiêm trọng, nhưng đã nỗ lực không ngừng để chuộc lại lỗi lầm và đưa ra một hướng đi mới cho sự hiện hữu của mình trong thế giới này.
Khi nói về sự phục hồi của người trẻ này, không thể không nói đến Caritas của Giáo phận Prato và Ngôi nhà Jacques Fesch, là những nơi đã đón tiếp và hỗ trợ Menci Gezim trong một thời gian.
Ngôi nhà Jacques Fesch là một trung tâm thường xuyên chào đón các tù nhân đã mãn hạn tù, giúp họ phục hồi cuộc sống, và cũng là nơi trú ngụ qua đêm dành cho gia đình và người thân của các tù nhân từ xa đến thăm họ.
Trung tâm đón tiếp được đặt tên là Jacques Fesch, là tên của một người Pháp đã phạm nhiều tội, bị kết án tử và bị hành quyết vào ngày 01/10/1957, nhưng năm 1993, Giáo phận Paris đã quyết định mở án phong chân phước cho tử tù này.
Jacques là hiện thân của tội nhân thời hiện đại. Ông từng có một cuộc sống phóng túng, gia đình có nhiều vấn đề, đã kết hôn nhưng thường xuyên lừa dối vợ, có con riêng và cuối cùng chia tay với vợ. Từ đó, cuộc đời của Jacques càng lún sâu trong vũng bùn với nhiều tội. Năm 1954, trong khi tấn công một người để lấy tiền, ông bị phát hiện và trong lúc tìm cách tẩu thoát ông đã giết một người cảnh sát. Ông bị kết án tử và trong thời gian chờ đợi thi hành án ông đã gặp được một linh mục tuyên uý. Lúc đầu ông tự nhận mình là người vô thần, nhưng từng bước ông đã mở lòng ra với vị tuyên uý. Linh mục đã trao cuốn sách của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong đó kể lại việc thánh nữ đã cầu nguyện cho tử tù và người này đã được ơn trở lại trước khi bị hành quyết. Jacques đọc câu chuyện này, suy niệm và say mê Chúa Giêsu. Ông viết: “Tôi có một cơn đau dữ dội nơi tâm hồn và trong vài giờ sau đó, tôi cảm nhận mình có đức tin, một sự chắc chắn tuyệt đối. Tôi đã tin và tôi không hiểu tại sao trước đây mình không tin. Chúa Giêsu đã đến thăm tôi và một niềm vui lớn đã chiếm hữu tôi, trên hết là một sự bình an lớn lao. Trong phút chốc mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. Đó là một niềm vui rất mạnh mẽ”.
Từ thời điểm đó, một cuộc hoán cải ấn tượng bắt đầu, ông xưng tội, rước lễ mỗi ngày. Jacques viết cho học sinh của ông, kể lại ơn hoán cải và từ đó trở thành “tông đồ” của các học sinh một cách đáng kinh ngạc. Sau đó ông trở lại với người vợ, xin lỗi bà và nói với bà rằng ông cảm thấy có Chúa ở bên cạnh. Ông đã trở thành một người đàn ông khác.
Vài giờ trước khi bị thi hành án tử, ông viết câu cuối cùng trong nhật ký: “Tôi chờ đợi trong đêm và trong cảm nhận bình an. Tôi chờ đợi Tình yêu”.
Trở lại câu chuyện của Menci Gezim. Anh đến trung tâm Jacques Fesch vào năm 2017 khi vừa được mãn hạn tù, và trong lúc đó ngôi nhà đang được trùng tu, thế là tại đây anh theo học thợ nề.
Anh đã sống ở đó sáu tháng, và được một tình nguyện viên đến từ một hiệp hội giúp đỡ. Những người như anh khi ra tù phải bắt đầu lại từ đầu. Thực tế, anh không có giấy tờ cá nhân, không gia đình, không việc làm, không một nơi nào để đi. Theo thống kê, trong trường hợp không có cơ hội, cứ 3 người mãn hạn tù thì có 2 người quay trở lại con đường phạm pháp, và Menci không thể không biết điều này. Nhờ sự tin tưởng và ủng hộ nhận được, anh đã theo một cách khác.
Từng bước, tay nghề của anh được nâng cao. Anh lập gia đình, cùng với vợ anh đã quyết định thành lập công ty riêng. Hiện nay trong số công nhân của anh có ba người cũng có quá khứ giống anh, từng phải thụ án tù vì những tội phạm nghiêm trọng.
Câu chuyện của Menci và của ông Jacques cho thấy những mảnh đời có khứ đen tối, nhưng với ơn Chúa và nỗ lực không ngừng cùng với sự hỗ trợ của mọi người thì tương lai vẫn có thể mở ra tươi sáng. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ điều này, vào tháng 10 năm ngoái (2020), nhân cuộc gặp gỡ tại Nhà trọ Thánh Marta với một nhóm người đã sống trải nghiệm trong tù: “Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm nhưng điều quan trọng là không bao giờ ở mãi trong sai lầm. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta tìm được một bàn tay giúp nâng chúng ta lên, chúng ta cũng phải làm điều đó với người khác”.
Nguồn: vaticannews.va