Các giám mục Công giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Châu Phi đang kêu gọi giảm nợ cho châu lục này để cho Châu Phi một “đường sống” thoát khỏi nhiều cuộc khủng hoảng đang tàn phá dân số của châu lục.

Hồng Thủy – Vatican News

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong cuộc họp được tổ chức bởi Caritas Châu Phi, Mạng lưới Công lý và Sinh thái Dòng Tên và Mạng lưới Năm Thánh Hoa Kỳ, tại Nairobi từ ngày 6 đến 9/8/2023 để thảo luận về việc đạt được sự phát triển bền vững và hỗ trợ sự phục hồi của Châu Phi.

Khóa họp diễn ra trước các cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 9, như Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, Hội nghị thượng đỉnh G20 New Delhi và phiên họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Giảm nợ là chìa khóa để giải quyết nhiều nhu cầu cấp bách của người dân châu Phi

Theo các lãnh đạo tôn giáo, giữa bối cảnh bất mãn liên quan đến chi phí lương thực và sinh hoạt ngày càng tăng cũng như lạm phát gia tăng ở châu Phi, gánh nặng kinh tế đã cản trở sự phát triển, làm gia tăng nghèo đói và gây ra xung đột cũng như biểu tình ở một số quốc gia. Theo họ, chìa khóa để giải quyết nhiều nhu cầu cấp bách của người dân châu Phi là nợ, hay nói đúng hơn là giảm nợ.

Châu Phi nợ nước ngoài hơn một ngàn tỷ đô la Mỹ, trong đó có 25 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Theo các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nước châu Phi đã vay để tài trợ cho ngân sách quốc gia của họ (tài trợ bằng nợ) nhưng đang phải gánh chịu lãi suất cắt cổ trong quá trình trả nợ, làm nản lòng những nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và các mục tiêu về khí hậu của các nước này. Họ tin tưởng rằng việc giảm nợ sẽ mang lại sự nhẹ nhõm và mang lại lợi ích cho hàng triệu thường dân.

Các phong trào thúc đẩy giảm nợ

Vào những năm 1990, các lãnh đạo tôn giáo đã thúc đẩy Phong trào Năm Sabát (tha nợ) để thúc đẩy việc “phá vỡ xiềng xích nợ nần” ở các nước đang phát triển. Nhưng hiện nay họ lo ngại rằng sau hơn 30 năm, cuộc khủng hoảng nợ chỉ gia tăng thêm.

Năm 2005, được thúc đẩy bởi Năm Thánh 2000, một phong trào ở hơn 40 quốc gia kêu gọi xóa nợ ở các nước nghèo, đã dẫn đến một thỏa thuận xóa nợ được các bộ trưởng tài chính của Nhóm G7 ký kết tại London để xóa khoản nợ 130 tỷ đô la cho 36 nước.

Đức cha John Obala Owaa, Giám mục giáo phận Ngong, nhận định: “Khi chúng ta sắp bước sang Năm Thánh mới vào năm 2025, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện”, đồng thời cho biết thêm rằng “tác hại của cuộc khủng hoảng nợ này cao hơn nhiều so với thời gian trước Năm Thánh vừa qua. … Chúng ta cần những khoản đầu tư lớn để cứu lấy hành tinh, điều sẽ duy trì sự sống ở Châu Phi và những nơi khác, trong một cánh cửa đang nhanh chóng đóng lại.” (Ucanews 25/08/2023)

Nguồn: vaticannews.va

 

Bài viết cùng chủ đề: