Vatican News Tiếng Việt
Trong Bản Tin Hiệp Hành số trước, chúng ta đã đến với những mối quan tâm của Thượng Hội Đồng cho giai đoạn châu lục, và đã biết 5 ưu tiên cấp bách nhất đối với châu Á là: vấn đề sống tinh thần hiệp hành và đưa ra quyết định, ơn gọi linh mục, giới trẻ và người nghèo, xung đột tôn giáo và chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Trong bản tin số này, chúng ta cùng đến với những ưu tiên được đề ra cho Giáo hội tại Châu Phi, trong khóa họp cấp châu lục của tiến trình Thượng Hội Đồng, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 năm 2023 tại Addis Ababa, Ethiopia.
Khóa họp bao gồm sự tham dự của 155 đại biểu gồm 27 giáo dân nữ, 26 giáo dân nam, 32 bạn trẻ (16 bạn nam và 16 bạn nữ), 5 chủng sinh, 5 tập sinh, 8 tu huynh, 12 nữ tu, 18 linh mục, 15 giám mục và 7 hồng y.
Khoá họp diễn ra khá căng thẳng khi các đại biểu phải quyết định các vấn đề ưu tiên cho Giáo hội tại Châu Phi. Các đại biểu được mời gọi vượt qua cái tôi để nghĩ tới một gia đình Giáo hội của Chúa ở Châu Phi. Cuối cùng, sau khi lắng nghe nhau, một tổng hợp từ những đóng góp của 15 nhóm làm việc đã nêu bật 8 lĩnh vực ưu tiên cho Giáo hội ở Châu Phi:
1. Chăm sóc mục vụ gia đình: tập trung vào những thách đố hiện nay như ly dị, hôn nhân tan vỡ và những người tái hôn, cha mẹ đơn thân tự chọn và do hoàn cảnh.
2. Đào sâu thêm các giá trị văn hóa châu Phi như đã được ghi nhận trong khái niệm Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa kể từ Thượng Hội đồng Giám mục châu Phi đầu tiên vào năm 1995, nhưng không coi thường giáo lý của Giáo hội.
3. Xem xét văn hóa cộng đồng châu Phi như được thể hiện trong các triết lý, ví dụ như Ubuntu, Ujamaa, Indaba và Palaver, trong đó đồng trách nhiệm và phụ đới là những nguyên tắc chính.
4. Cam kết chống khai thác tài nguyên thiên nhiên, điều thường dẫn đến chiến tranh và xung đột xã hội trên lục địa.
5. Thúc đẩy việc canh tân phụng vụ để các tín hữu tích cực tham gia theo các hướng dẫn phụng vụ.
6. Việc đào tạo dân Chúa: trong đó tính hiệp hành trong quản trị Giáo hội được thúc đẩy.
7. Thúc đẩy sự hòa nhập của phụ nữ, giới trẻ và tất cả các nhóm dân Chúa đang cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội.
8. Công bằng và quản lý sinh thái.
Trong tài liệu đúc kết của Khóa họp, cha Vitalis Anaehobi, Tổng thư ký Hội đồng giám mục miền Tây phi nhấn mạnh rằng, “Các tín hữu Công giáo ở Tây phi mong muốn Giáo Hội tái minh định các giá trị, dựa trên Lời Chúa và truyền thống sống động của Giáo Hội chứ không phải dựa trên cảm xúc và tình cảm.” Theo đó, các tham dự viên cho rằng xã hội học và áp lực xã hội không nên khiến Giáo hội bỏ quên lời của Thiên Chúa để dựa vào sự khôn ngoan tuần túy nhân loại.
Cha Anaehobi cũng cho biết người Công giáo ở Tây phi bày tỏ sự dè dặt về hình ảnh căn lều đã được sử dụng trong tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa, họ thích hình ảnh ngôi nhà hơn. “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ”. Cha Anaehobi giải thích, “khi chúng tôi thích một ngôi nhà nơi có các quy tắc và nguyên tắc và không chỉ là một căn lều nơi ai cũng có thể đến.” Theo Cha Anaehobi, các tín hữu Công giáo ở Tây phi cho rằng thế giới thay đổi quá nhiều, nhiều đến nỗi lời của Chúa đang trở nên giống như bất kỳ cuốn sách văn học đại chúng nào, và trong bối cảnh này, các Kitô hữu cần hình thành đời mình dựa trên sự thật của Lời Chúa.
Người Công giáo ở Tây Phi cũng muốn đặc biệt quan tâm chăm lo cho người nghèo, vốn chiếm đa số trong thành phần tín hữu. Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng cần đặc biệt quan tâm đến những người trẻ ngày nay đang rời bỏ Giáo hội, cần phải nghĩ ra một chiến lược mang những người trẻ này trở về vì họ là tương lai của Giáo Hội.
Đức Giám Mục Luis Marín de San Martín, thành viên của Ban Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục lưu ý rằng Châu Phi cần thừa nhận khía cạnh đa dạng văn hóa trong tiến trình Thượng Hội Đồng khi học lắng nghe lẫn nhau ngang qua tiếng nói của Thần Khí. Giống như Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lịch sử, tiến trình Thượng Hội đồng đôi khi cũng phải để cho mình được làm phong phú bởi tính đa dạng văn hóa của Châu Phi cũng như của các lục địa khác. Sự đa dạng này cũng làm cho Giáo Hội thêm phong phú.”
Các giám mục đến từ Cộng hòa Trung Phi thì nhấn mạnh sứ mệnh của Giáo hội trở nên hiệu quả hơn nhờ thúc đẩy sự hiệp thông và sự tham gia nhiều hơn. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là bắt đầu lại từ Chúa Kitô, lắng nghe Lời của Người và để cho Người dạy dỗ. Đức Kitô là Đấng phán xét duy nhất và cuối cùng đối với mọi Kitô hữu. Giáo hội của Chúa Kitô, tự nó, không được miễn nhiễm khỏi với bất hòa nội bộ và xung đột. Nghĩa là, Giáo Hội cần đến Chúa Kitô nếu muốn trở nên nhân chứng đích thực cho tình yêu thương và sự hiệp nhất.
Hội đồng Giám mục Trung phi cho rằng sứ mệnh của Giáo hội không chỉ là loan báo Nước Trời, mà còn là dấn thân cộng tác nhịp nhàng với các thành phần khác của xã hội để lời hứa về công lý, hòa bình và tình huynh đệ trở thành hiện thực. Các giám mục cầu nguyện với Chúa để công lý và chính nghĩa sẽ chiến thắng bất công, để việc tìm kiếm sự thống nhất và theo đuổi lợi ích chung sẽ chiến thắng tinh thần chia rẽ và sự tìm kiếm lợi ích đảng phái và ích kỷ, để văn hóa hòa bình và huynh đệ, hòa giải và tha thứ có thể đẩy lui thứ phản-văn hóa mang tên hận thù, chiến tranh và chết chóc.
Nguồn: vaticannews.va