TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN ĐỨC CHA GIUSE HOÀNG VĂN TIỆM

Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

Trái tim Người Cha

Cách đây 10 năm, có một bạn sinh
viên viết rằng: “Khi được tin đức cha Giuse qua đời, con bàng hoàng xúc động và
thẫn thờ một lúc, con tim như ngừng đập và hướng tất cả cảm xúc về đức cha. Cái
tin này còn mạnh hơn cả sét đánh”. Vâng, có lẽ tin Đức Cha Cố Giuse qua đời làm
cho tất cả mọi con tim trong Giáo phận bàng hoàng, hụt hẫng và tiếc thương.

Sau 10 năm nhìn lại, chúng ta vẫn
thấy câu chuyện như mới xảy ra hôm qua, khi tưởng nhớ về Đức Cha khả kính. Dù
khuất bóng, nhưng hình ảnh sống động, tâm tình hiền phụ và giáo huấn mục tử của
Ngài vẫn in dấu sâu đậm trong trái tim của con dân Bùi Chu.

Mỗi vị Mục Tử được Chúa gửi đến,
đều để lại những dấu ấn đặc biệt cho Giáo phận. Đối với Đức Cha Cố Giuse, chúng
ta có thể nhận ra một số dấu ấn nổi bật sau đây:

Giám mục đổi mới

Tòa Giám Mục Bùi Chu

Ngày khi về nhận Giáo phận từ
ngày 08 tháng 8 năm 2001, Đức Cha đã bắt tay vào công cuộc canh tân Giáo phận.
Lúc đầu là việc tân trang lại những căn nhà cũ đã xuống cấp, sắm sửa những tiện
nghi mới vì đã cũ kỹ, rồi sau đó là kiến thiết quần thể tòa giám mục: nhà nguyện,
nhà ở, học viện, chủng viện, nhà kín…  Nhờ sự kiến thiết này, Giáo Phận đã
có thể tiếp đón hơn 400 linh mục về thường huấn vào năm 2013
[1] và nhiều lần tổ chức
các Đại hội liên tu sĩ toàn quốc…

Thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội tại Bùi Chu, 23-25/4/2013

Song song với những cơ sở vật chất
là đổi với về tinh thần: cơ cấu nhân sự, cách tổ chức tuần chầu, hội đoàn, cách
thức xây dựng của các giáo xứ, giáo họ, dòng tu… Ngài rất năng viết thư mục vụ,
thăm viếng mục vụ… đi đến đâu Ngài cũng kêu mời canh tân đời sống đạo. Có thể
nói, tinh thần mạnh mẽ năng động của Ngài đã làm cho cả Giáo phận sinh động, hồ
hởi…

Giám mục đào tạo

Học viện Thần học Liên dòng Têrêsa Avila

Đức Cha Cố Giuse cũng rất quan
tâm đến việc đào tạo. Ngay khi về Bùi Chu, Ngài đã chú tâm đến việc thường huấn
cho các linh mục tu sĩ. Nhiều buổi thường huấn cho linh mục, tu sĩ được tổ chức.
Lớp đào tạo phổ cập cho tất cả các tu sĩ thuộc mọi lứa tuổi. Đích thân Ngài huấn
đức cho các cha mỗi dịp tĩnh tâm, huấn đức cho các bề trên, các lớp tập hàng
quý hoặc hàng tháng, huấn đức cho các thầy các chú mỗi ngày luân phiên các
nhóm… Ngài còn gửi nhiều linh mục, tu sĩ, chủng sinh đi du học bên Pháp, Ý,
Philippines… để có nhân sự phục vụ cho Giáo phận sau này.

Đại Chủng Viện Bùi Chu – Ban Triết
và Ban Thần


Đặc biệt, Đức Cha đã mở Học Viện Liên Dòng Têrêsa Avila (2002) và Đại Chủng Viện
Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu (2010). Sau 20 năm, hằng trăm tu sĩ đã tốt nghiệp học
viện ra phục vụ cánh đồng truyền giáo. Sau 13 năm hoạt động, Đại Chủng Viện đã
đào tạo cho Giáo hội 35 linh mục, 24 phó tế và giúp 39 thầy ngoại khóa đến từ
nhiều nơi được hoàn thiện chương trình đào tạo và chịu chức linh mục. Ngày nay,
Đại Chủng Viện vẫn đang hoạt động để đào tạo cho hàng trăm chủng sinh.

Đức Cha trong một buổi huấn đức

Giám mục của Đức Mẹ

Hầu như khi nói về Đức Cha Cố
Giuse, ai cũng nhắc đến lòng sùng kính Đức Mẹ nơi Ngài. Hình ảnh tràng chuỗi
trong mỗi hành trình đó đây hay lúc đi dạo, những bài giảng sốt mến về Đức Mẹ,
những ca khúc tâm tình ngợi ca Đức Mẹ: Con yêu Mẹ con hát cho Mẹ nghe, Mẹ ơi –
con mến Mẹ thật nhiều, Maria là Mẹ của con, Lời Ave thân tình, Mẹ yêu con vì
con bé nhỏ… đã nói lên tất cả. Trong cuốn “Du dương lời thánh ca”, chúng ta có
thể đếm được 42 ca khúc về Đức Mẹ. Những ca khúc hát về Mẹ đơn sơ, êm ái, dịu
ngọt, như những lời ca tiếng hát hồn nhiên mà một trẻ thơ hát cho Mẹ mình
nghe… Vâng, câu nói cửa miệng của Đức Cha Cố là “Cầu xin Đức Mẹ ban ơn”, có
gì khó khăn là lại họp nhau lần hạt…

Đức Cha Cố Giuse khấn xin Đức Mẹ tại Fatima – 2009

Vì thế, khi làm giám mục, câu khẩu
hiệu cũng là lời nhắn bảo của Đức Mẹ: “Người bảo sao con cứ làm như vậy” (Ga
2,5). Trong việc kiến thiết Tòa Giám Mục, Ngài cho làm vườn Ave 1 và 2 (150
Kinh Kính Mừng bằng nhiều ngôn ngữ để cho thấy sự phổ biến khắp thế giới của
lòng sùng kính Đức Mẹ), rồi Nhà nguyện Ave Maria, Tràng hạt Mân Côi bằng đá lớn,
nhiều tượng Đức Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau… Ngài cũng đã tôn phong nhiều
Đền thánh kính Đức Mẹ như Đền thánh Mẹ Thiên Chúa (Trung Lao), Đền thánh Đức Mẹ
Hồn Xác Lên Trời (Thức Hóa) và xin Tòa Thánh cho Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Phú
Nhai) lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Có lẽ món quà mà Ngài ấp ủ và vui mừng
nhất chính là Đại Chủng Viện Bùi Chu như là quà tặng của Đức Mẹ Fatima, vào
ngày 7/12/2009, được Tòa Thánh phê duyệt và được khai giảng niên khóa đầu tiên
vào đầu tháng 9/2010. Khi nhận được văn thư của Tòa Thánh, việc làm đầu tiên của
Ngài là tạ ơn Đức Mẹ đã thương nhận lời, và quyết định đặt tên đại chủng viện mới
là Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để tạ ơn Đức Mẹ.

Ghi lại những dấu ấn trên đây về
Đức Cha Cố Giuse, để chúng ta tưởng nhớ và tri ân Ngài, nhưng trên hết, là để tạ
ơn Chúa đã gửi Ngài về với Giáo Phận. Với 12 năm 9 ngày phục vụ Giáo Phận, Ngài
đã tận tụy hy sinh để thăng tiến Giáo Phận về mọi phương diện.

Dịp Năm Thánh Giuse, Đức Thánh
Cha Phanxicô đã ra tông thư rất ý nghĩa mang tựa đề “Trái tim Người Cha”
(Patris Corde). Nếu có ai hỏi chúng ta điều gì làm chúng ta nhớ về Đức Cha Cố
Giuse nhất, có lẽ câu trả lời rất nhanh là “trái tim người Cha” của Ngài. Bên
trong vẻ cương nghị là cả một khối lòng yêu thương, phục vụ và hy sinh cho đoàn
con Giáo Phận Bùi Chu.

Nguyện xin Chúa ân thưởng Nước Trời
cho Đức Cha Cố Giuse và xin Đức Mẹ đón Ngài vào thiên đàng như Ngài hằng mong ước:
“Mẹ về trời, Mẹ dọn chỗ cho con đi…” (Mẹ về trời).

ĐCV. Bùi Chu 17.08.2023
Nguồn: gpbuichu.org (29.07.2023)