THIÊN
CHÚA LÀ AI TRONG KINH THÁNH?
Lm.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (13.03.2024) – “Thiên Chúa là
ai?” luôn là câu hỏi quan trọng và đã tốn vô số giấy mực của các nhà thần học. Tuy
quan trọng, nhưng lại vô cùng khó hiểu thấu đáo ngọn ngành về Thiên Chúa. Hoặc
nói đúng hơn, con người vốn hữu hạn không thể hiểu hết về Thiên Chúa là Đấng vô
hạn. Thật may, vì Thiên Chúa mặc khải[1] chính mình cho con người nên
chúng ta có cơ hội để hiểu đúng về Ngài. Những lời mặc khải này chúng ta dễ dàng tìm thấy trong Thánh Kinh.
1. Thiên Chúa
trong Cựu ước không có tên?
Lược lại trình thuật sách Sáng Thế,
chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo (Creator God) trời đất muôn
loài. Ngài đưa con người vào thế giới và luôn đồng hành với dân của Ngài. Thiên
Chúa biết rất rõ từng người. Ngược lại, dân chỉ biết Thiên Chúa hiện hữu và là
Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia–cóp. Sống trong
truyền thống này, mặc nhiên dân Chúa cảm thức về “Một Đấng ở trên cao” không thể
tiếp xúc mặt giáp mặt. (Văn hóa Việt Nam cũng gọi là “Ông Trời”, vốn ở trên cao
vời vợi.)
Có lẽ danh xưng của Chúa được ghi lại rõ nhất trong lần Môsê hỏi Thiên
Chúa: “Tên Ngài là gì?” Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.”
Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến
với anh em” (Xh 3,13-15). Bản văn Do Thái dùng chữ “Elohim – אֱלֹהִים” để
chỉ về Thiên Chúa. Tuy “Elohim”[2] ở số nhiều,
nhưng trong cuộc đối thoại này chính là Thiên Chúa của Israel[3]. Vấn đề
đặt ra là Thiên Chúa là Ai? Bản Do Thái ghi: “אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה -Ehyeh
asher ehyeh”, mà tiếng Việt dịch là: “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Môsê bối rối với
mặc khải này, bởi trí khôn con người có thể biết Thiên Chúa hiện hữu, nhưng
không thể biết thực sự Thiên Chúa là ai!
Theo thần học gia người Úc, Graham A. Cole, cụm từ “Ta là Đấng Hiện Hữu” vốn liên hệ mật thiết
với danh xưng Gia-vê (יַהְוֶה -YHWH). Đây cũng là từ rút gọn để chỉ về Đức Chúa[4]. Danh
xưng này được sử dụng hơn 8000 lần trong Kinh thánh tiếng Do Thái. Người Do
Thái vốn không phát âm danh hiệu này. Hơn nữa, “Giavê” là một từ khó hiểu, gốc
của nó là động từ Haja, có nghĩa là hữu (có, hiện hữu). Khi cầu nguyện,
Adonai được dùng thay thế cho YHWH. Vì tôn kính danh của Đấng Giavê và để không phạm húy, cộng đồng Do Thái
nói chung đã thay thế cách phát âm của danh xưng YHWH này bằng: “אֲדֹנָי – Adonai – Đức Chúa –
Lord”.
Về mặt ngữ pháp, “Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu”. Vậy có phải danh xưng của
Chúa là “Hiện Hữu”? Theo bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn: “Ta có sao ta có
vậy”. Như vậy mệnh đề này đề cập đến các thuộc tính, hoặc bản chất của
Thiên Chúa hơn là gán cho Thiên Chúa
một danh xưng như cách con người thường đặt tên. Điều này được Kinh Thánh Cựu ước
diễn tả như: Thiên Chúa là Đấng Tối Cao và Hằng Hữu, Ngài tạo dựng, cứu chuộc
và thánh hóa mọi loài với sự khôn ngoan và tình yêu. Cựu ước thường đề cập đến
thuộc tính của Chúa như: toàn năng, siêu việt, vô biên, vô hình, hằng hữu,
thiêng liêng, hằng sống, thương xót, tốt lành, khôn ngoan, công bình, v.v.
Khi viết đến đây, tôi nhớ đến cuốn sách của Đức Hồng Y Ratzinger: Đức
Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Trong đó ngài cũng phân tích rất khoa bảng về danh xưng của
Thiên Chúa mặc khải cho Môsê:
“Qua gốc ngữ học và ngữ nghĩa của danh xưng
“YHWH” gợi lên nơi ta niềm tin về một “Thiên Chúa chủ vị”. Tất nhiên, Thiên
Chúa của các tổ phụ không mang danh là Giavê, mà là El và Elohim. Qua danh hiệu
này, các tổ phụ Israel đã nối được vào tôn giáo thờ Đấng El của các dân tộc
chung quanh. Danh xưng “El” nói lên một tôn giáo chủ yếu mang tính xã hội và
nhân vị. Đấng El mà các tổ phụ tin, xét theo khía cạnh biểu mẫu học về tôn
giáo, là một Thiên Chúa liên hệ đến con người (numen personale) chứ không phải
là một thần liên hệ đến nơi chốn (numen locale).”[5]
Sau đó, Đức Hồng Y Ratzinger kết luận cho diễn giải này: “Đó không phải
là Thiên Chúa của một nơi chốn là Thiên Chúa của con người, Thiên Chúa của Ábraham, Ixaác và Giacóp [6].
2. Thiên Chúa có
danh xưng trong Tân ước
Từ Cựu ước, Thiên Chúa bước vào Tân ước với hình hài một con người. Điều
này được thánh Gioan mở đầu trong Tin Mừng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi
Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Ngôi Lời được
cả bốn Tin mừng xác nhận: đó chính là Đức Giêsu. Danh xưng này không đến từ người
phàm nhưng đến từ chính Thiên Chúa. Mẹ Maria sẽ sinh con trai và ông Giuse phải
đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của
họ (Mt 1,18-24). Tân ước ghi bằng tiếng Hy Lạp: Ἰησοῦς, và tiếng Do
Thái: יֵשׁוּעַ (Yēšū́a, “Joshua” hay “Giêsu”).
Thánh Mátthêu còn liên hệ đến nguồn gốc của Đức Giêsu chính là Đấng Emmanuel mà tiên tri
Isaia đã loan báo 700 năm trước (Is 7,14). Hôm nay Emmanuel, Thiên Chúa ở
cùng chúng ta đã có hình hài một con người. Danh xưng này có ý nghĩa gì không?
Các nhà chú giải cho rằng “Giêsu” nghĩa là: “sự giải phóng của Thiên Chúa
Giavê, hoặc Thiên Chúa cứu độ”. Thánh sử Luca giải thích rõ hơn: “Ngoài Đức
Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh
nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu
độ” (Cv 4,12). Trong Giáo hội, chúng ta thường thấy danh Chúa Giêsu được viết tắt
trên các biểu tượng thánh: JHS (hay IHS). Đây là ba ký tự đầu tiên của danh
xưng Đức Giêsu trong tiếng Hy lạp: Iota–Eta–Sigma (ΙΗΣΟΥΣ). Tiếng Latin
là: Iesus Hominum Salvator – Chúa Giêsu cứu độ nhân loại. Hoặc phía trên thánh
giá, chúng ta cũng thường thấy chữ viết tắt này: INRI. Đây là những mẫu tự đầu
tiên trong tiếng Latinh: “Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum[7] – Giêsu
Nazaret, Vua Dân Do Thái”. Chính quan Philatô đã cho viết chữ này bằng tiếng
Latinh, Do Thái và Hy Lạp.
Cần biết thời xưa danh xưng Giêsu rất phổ biến trong văn hóa Do Thái. Có
rất nhiều người chọn tên này. Để tránh nhầm lẫn với phàm nhân, chúng ta thường
gọi là Chúa Giêsu, hay Đức Giêsu. Hoặc nói theo ngôn ngữ thần học: Giêsu thành
Nazaret, Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa, hoặc Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng thường
thấy danh xưng này được viết tắt thành XP (chữ X thường được lồng vào bên trong
chữ P). Nó được lấy từ hai chữ đầu của danh xưng Kitô trong tiếng Hy Lạp:
ΧΡΙΣΤΟΣ (Christos), tiếng Do Thái là Mêsia có nghĩa là: “Đấng được xức dầu
tấn phong để hướng dẫn dân theo thánh ý Thiên Chúa”. Như vậy, nếu đọc Tân Ước, chúng
ta cũng không nhầm lẫn Đức Giêsu với một ai khác, bởi danh xưng Giêsu trong các
trình thuật Tân ước là Thiên Chúa, là Chúa Giêsu phục sinh. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể (Logos). Ngài đi rao giảng
và chịu chết dưới thời Philatô. Ngày thứ ba Chúa Giêsu sống lại và lên trời ngự
bên hữu Chúa Cha. Đây là niềm tin của chúng ta!
3. Giờ này đối
với tôi, Chúa Giêsu là ai?
Con người thật may mắn khi Thiên Chúa tự mặc khải chính mình, vì tình
yêu. “Theo sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa, Người đã vui lòng tự mặc
khải bản thân Người và cho ta biết mầu nhiệm của ý định Chúa mà loài người, nhờ
Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể, có thể nhờ Chúa Thánh Thần đạt tới Chúa Cha và được
tham dự vào bản tính Thiên Chúa.” (Công đồng Vatican II, Dei Verbum). Đó là
món quà mời gọi chúng ta nhận lấy để mình cũng được yêu thương và cứu độ.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa không xa lạ, cao vời, nhưng gần gũi và thân
thuộc với con người. Đừng quên chính Thiên Chúa đi tìm con người, thủ thỉ và muốn
ở với con người. Nhờ vậy, chúng ta cũng được biết hơn về Chúa, có thể gặp gỡ
Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng này. Nếu ta đang tìm kiếm hạnh phúc thì “hạnh phúc mà ta đang kiếm
tìm, hạnh phúc mà ta có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt: đó là Chúa Giêsu
Kitô ở Nadaret” (Đức Bênêđictô, 18-8-2005). Với mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa của Cựu ước đã thực sự trở nên một con người nơi Chúa Giêsu Kitô và trở nên bạn hữu cũng
như anh em với ta. Hoặc nói như ngôn ngữ của thư gửi tín hữu Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần
nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào
thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã
nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn
loài” (Dt 1,1-2).
Chút chia sẻ trên đây hy vọng gợi hứng cho bạn và tôi tiếp tục kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc thường xuyên trò chuyện với
Chúa Giêsu. Thật tốt để hỏi chính mình: “Giờ này đối với tôi, Chúa Giêsu là
ai?”[8] Ta có thể
vươn lên tới Thiên Chúa khi ta chỉ cần nhìn ngắm nét mặt của Chúa Giêsu: nhìn
ngắm nét mặt, người ta thấy được thật sự Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa thế nào[9].
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con.
Amen.[10]
[1] Mặc khải là việc Thiên
Chúa biểu lộ bằng cách tự cởi mở, tự bày tỏ và nói cho thế giới biết về sáng kiến
riêng
của
Người.
[3] “Nghe đây, hỡi
Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức
Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Ðnl.
6,4-5) “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ
được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác… Trước mặt Ta, mọi
người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Ðức Chúa mới có thể làm điều
công chính và mới có sức mạnh”. (Is. 45,22-24)
[5] X.
Joseph Ratzinger Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm
nay, Mục: Thiên Chúa của các tổ phụ là tiền đề của niềm tin vào Giavê Thiên
Chúa.
[7] Một số Giáo hội Chính Thống
giáo Đông Phương sử dụng những ký tự tiếng Hy Lạp INBI dựa vào văn bản tiếng Hy
Lạp về chữ khắc trên thánh giá: „ Ἰησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ Bασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων.”
Tiếng Do Thái: „ישוע הנצרי ומלך היהודים (Yeshua` HaNotsri U’Melech HaYehudim)”
[10] Nguyễn Cao Siêu SJ,
RABBOUNI, Lời nguyện 034
- Trực tuyến Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII – Giáo phận Hưng Hóa 2022
- Đại hội GTTG Lisbon 2023 thúc đẩy các sáng kiến đối thoại liên tôn
- Thầy không một mình
- Bản tin Hiệp hành #32 | Vai trò Giám mục và đồng trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội
- Steps to create a Board Meeting Do the job