PHƯƠNG DƯỢC CHỮA LÀNH NƠI BÍ TÍCH HÒA GIẢI

QUA NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC VỊ THÁNH

WHĐ (13.11.2021)Nhờ
Bí tích Hòa giải, con người được giao hòa với Thiên Chúa, với chính mình và với
tha nhân.

Thân phận con người đầy yếu đuối và bất toàn, nên thật khó để
con người chỉ nhờ sức riêng của mình mà trở nên tinh tuyền, sạch mọi tội lỗi.
Giữa vũ trụ bao la cùng muôn hình vạn trạng những thế lực của ác thần, nếu
không nhờ cậy nương vào Chúa, con người nhỏ bé, mỏng giòn thật dễ đánh mất đi cảm
thức về tội và dễ dàng trở nên hư mất.

Mặt khác, khi con người sống trong tội lỗi, người ta rất dễ
nảy sinh cảm giác sợ hãi và mặc cảm về tội của mình, mà không dám chạy đến thú
tội cùng Chúa là Cha nhân từ hay tha thứ. Và bởi khi sống với tội lỗi, con người
sẽ không có được sự bình an và hạnh phúc đích thực – điều chỉ xuất phát từ
Thiên Chúa chứ không thể đến từ thế gian – như lời Thánh Vịnh chúng ta từng đọc:

Bao lâu con lặng thinh
không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.

Vì ngày đêm con bị tay
Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.

Bởi thế, con đã xưng tội
ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.

Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’, và chính Ngài đã tha thứ tội
vạ cho con” (Tv 32,1-5)

Dưới đây là những lời khuyên mà các vị thánh muốn nhắn nhủ đến
chúng ta – những người đang bước đi trong cuộc lữ hành trần thế. Các vị cũng là
những con người bất toàn, sống trong những thảm trạng cuộc đời như chúng ta,
cũng mang lấy những tội lỗi, nhưng các vị đã chiến thắng và gột rửa chúng nhờ
tín thác vào lòng Chúa thương xót.

1. “Trong đời sống thể lý, nếu ai bị bệnh mà không dùng thuốc
thang thích hợp thì sẽ chết. Trong đời sống thiêng liêng, con người bị bệnh do
tội lỗi, vì thế cần thuốc để hồi phục sức khỏe. Thuốc ấy là ân sủng được ban nhờ
bí tích Sám hối.” – Thánh Tôma Aquinô.
[1]


2. “Không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần
linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay
cho bằng Bí tích Hòa Giải” – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
[2]


3. “Ma quỷ sung sướng khi bị buộc tội. Thật vậy, nó thực sự
muốn con đổ lỗi cho nó. Nó sẵn sàng lắng nghe tất cả cáo buộc của con lâu chừng
nào có thể để ngăn con đến toà giải tội” – Thánh Augustinô.
[3]

 

4. “Chúng ta phải xưng thú đầy đủ và chính xác tội lỗi của
mình. Vì kẻ thù biết rằng, một khi đã xưng tội và phơi bày những vết thương cho
thầy thuốc, chúng ta sẽ được chữa lành triệt để, nó sẽ chống lại điều này một
cách gắt gao” – Thánh Gioan Kim Khẩu.
[4]

5. “Bí tích Giải Tội chữa lành, làm cho nên công chính và
mang lại ơn tha tội. Hết thảy mọi niềm hy vọng đều hàm chứa trong phép giải tội.
Nơi phép giải tội, ai ai cũng có cơ hội để hưởng nhận lòng thương xót Chúa. Con
hãy xác tín điều đó. Đừng nghi ngờ, đừng do dự cũng đừng bao giờ thất vọng về
lòng nhân từ của Thiên Chúa. Con hãy hy vọng và tin vào Bí tích này” – Thánh
Isidôrê Sêville.
[5]

6. “Khi kẻ thù nhân loại đem những mưu mô và lời lẽ thuyết
phục của nó đến với một linh hồn chính trực, nó những muốn và ước ao chúng được
đón nhận và giữ kín; nhưng khi người ta thổ lộ chúng cùng một vị giải tội tốt
lành thì nó rất đau đớn, bởi những mánh khóe gian dối lộ liễu đã bị phơi bày và
khả năng thành công với những trò tinh quái của nó sẽ không còn” – Thánh
Ignatiô Loyola.
[6]

7. “Sự thú tội như bể tắm gột rửa linh hồn. Bạn phải đi xưng
tội ít nhất mỗi tuần một lần. Tôi không muốn các linh hồn tránh xa nơi xưng tội
hơn một tuần. Bởi ngay cả một căn phòng sạch sẽ và không có người ở cũng bị phủ
bụi; sau một tuần trở lại và bạn sẽ thấy rằng nó cần được phủi bụi một lần nữa!”
– Cha Thánh Piô Năm Dấu.
[7]

8. “Bạn có muốn nên thánh không? Rằng đây là bí mật: việc
xưng tội là ổ khóa và sự tín thác nơi vị giải tội là chìa khóa. Đây là cách để
bạn mở cổng thiên đàng.” – Thánh Gioan Bosco.
[8]


Biên tập: Maria Ngọc Tỷ
Hình ảnh gốc: Pexels
Thiết kế: Ngọc Tỷ



[2] Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, số 28

[3] John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng theo Thánh Kinh, trong Hội
Thánh & nơi các thánh, Lm. Minh Anh chuyển ngữ, tại
http://memaria.net/eBookCuocChienThiengLieng_LMMinhAnh.html

[4] Sđd.

[5] Sđd.

[6] Sđd.