BA LẦN ĐẾN CỦA ĐỨC KITÔ CHUẨN BỊ CHO CHÚNG TA SỐNG MÙA VỌNG

Giám mục Robert Barron

WHĐ (30.11.2021) – Nhiều năm trước, trong bối cảnh của một lớp
học tôn giáo ở trường trung học, một nữ tu Biển Đức rất khôn ngoan đã cho tôi một
cách thức để 
hiểu
Mùa Vọng
 mà tôi không bao giờ quên. Thật đơn giản, Mùa Vọng mời gọi
chúng ta nhớ lại ba lần “đến” của Đức Kitô: lần đầu tiên là trong quá khứ, lần
thứ hai là ngay bây giờ, và lần thứ ba là vào thời sau hết. Suy ngẫm về mỗi
điều này là sự chuẩn bị hữu ích cho Mùa thánh mà chúng ta đang bắt đầu.

Đầu tiên chúng ta hãy nhìn lại. Đức Hồng y Fulton Sheen nói rằng Chúa Giêsu là Đấng
sáng lập tôn giáo duy nhất mà sự xuất hiện của Người đã được tiên đoán rõ ràng.
Và thực sự chúng ta có thể tìm thấy khắp trong Cựu ước những dấu chỉ và tiên
tri về sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Biết bao lần các tác giả Tân Ước sử dụng
ngôn ngữ ứng nghiệm và nhấn mạnh rằng các sự kiện 
xảy ra nơi Chúa Giêsu là “kata tas graphas” (theo Kinh Thánh). Họ cảm phục Chúa Giêsu, một
nhân vật cụ thể từ hai ngàn năm trước, như là Đấng đã kiện toàn các giới luật của 
Israel. Sự sống lại của Người từ cõi chết chứng tỏ rằng chính Người là Đền thờ
Mới, Giao ước Mới, nhà tiên tri cuối cùng, Lề Luật hay Torah. Hơn nữa, họ hiểu
rằng Chúa Giêsu đã đưa toàn bộ lịch sử nhân loại lên đến đỉnh điểm, theo một
nghĩa rất thực. Do đó, bước ngoặt của câu chuyện nhân loại không phải là sự xuất
hiện của thời hiện đại, không phải là các cuộc cách mạng của thế kỷ thứ mười
tám, mà là cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia của Israel. Nếu
chúng ta biến Chúa Giêsu thành một nhân vật thần thoại hoặc huyền thoại hoặc
chúng ta giải thích Người đơn giản như một thầy dạy tôn giáo đầy cảm hứng,
chúng ta sẽ bỏ lỡ sự thật cực kỳ quan trọng này. Từng tác giả Tân Ước đều chứng ​​thực rằng:
điều gì đó đã xảy
ra
 liên quan đến Chúa Giêsu, điều đó thực sự rất ấn tượng, đến nỗi mà
mọi thời đại phải được phân chia thành trước Người hoặc sau Người. Và vì vậy, trong
Mùa Vọng, chúng ta hãy nhìn lại lần đến đầu tiên đó với niềm vui sâu xa và bằng mối quan tâm thánh thiêng.

Đức Kitô đã đến trong thời gian từ rất lâu, nhưng chúng ta
phải chú tâm vào chiều kích thứ hai của Mùa Vọng — cụ thể là, việc Người đến với
chúng ta ở đây và bây giờ. Chúng ta có thể nghĩ đến bức tranh nổi tiếng về Chúa
Giêsu đang gõ cửa. Đây chính là Đấng Kitô hiện diện mỗi ngày, đang cố gắng đi
vào trái tim và tâm trí của chúng ta. Trong lần đến đầu tiên, Ngài đã xuất hiện
trong bối cảnh của 
Israel. Trong Mùa Vọng ngày nay, Ngài xuất hiện
qua các bí tích của Giáo Hội, qua lời rao giảng, qua chứng tá của các thánh, đặc
biệt là qua Bí tích Thánh Thể, và qua những người nghèo đang kêu gào để được cứu
giúp. Chúng ta nhớ lại những lời của Người,
“Mỗi
lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là
các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Vì lẽ đó, thật đáng buồn khi ngày nay
nhiều người lại từ chối Chúa Giêsu cũng giống như nhiều người đã từ chối khi
Người đến trong lịch sử cách đây rất lâu. Liệu chúng ta có để cho Đức Kitô trở
thành Chúa của đời mình không? Quyết định chọn lựa của chúng ta cho câu hỏi này
liệu có quan trọng hơn những quyết định liên quan đến công việc, gia đình, sinh
kế làm ăn, v.v… của chúng ta không? Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta phải dừng lại
và chăm chú lắng nghe. Chúa Giêsu đến với chúng ta như thế nào và chính xác là
chúng ta đang đối diện với sự xuất hiện của Người như thế nào?

Và cuối cùng, Mùa Vọng gợi nhớ đến lần xuất hiện cuối cùng của Đức Kitô vào thời sau hết. Một trong những dấu đặc biệt của đạo Công giáo là
niềm tin rằng thời gian sẽ trôi đến một đích điểm nào đó. Nó không chỉ là “từ thứ tồi
tệ này đến thứ
 tồi tệ khác,” như câu ngạn
ngữ giễu cợt nổi tiếng, cũng không đơn giản chỉ là một chu kỳ bất tận, cũng
không phải là “sự trở lại vĩnh viễn của cùng một thứ”. Đúng hơn, thời gian có một
phương hướng, tiến tới sự viên mãn của nó, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả. Giáo hội
xác định đỉnh cao cuối cùng này là “sự tái lâm” của Chúa Giêsu, và các sách
Phúc âm thường nói về điều đó. Đây chỉ là một ví dụ từ Phúc âm Luca: “Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ: ‘Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng
và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang…. Người ta sợ đến hồn
xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu…. Bấy giờ thiên hạ sẽ
thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.’” Điều mà
ngôn ngữ đặc biệt này truyền đạt là niềm xác tín rằng, vào thời sau hết, trật tự
cũ sẽ lụi tàn và Thiên Chúa sẽ canh tân những mẫu thức cấu trúc của thực tại.
Vào lần tái lâm của Đức Kitô, tất cả những mầm mống đã được thiết lập trong
thiên nhiên và lịch sử sẽ được thành tựu, tất cả những tiềm năng tiềm ẩn của vũ
trụ sẽ được hiện thực hóa, và công lý của Thiên Chúa sẽ bao phủ trái đất như nước
bao phủ biển.

Niềm tin của Giáo hội – niềm tin chi phối toàn bộ cuộc sống
của Giáo hội – là chúng ta đang sống trong “thời gian ở giữa”; có nghĩa là, ở
giữa đỉnh cao của lịch sử trong biến cố Thập giá – Phục sinh và sự hoàn thành
cuối cùng của lịch sử trong biến cố tái lâm của Chúa Giêsu. Theo một nghĩa nào
đó, cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự chết đã chiến thắng rồi, nhưng các hoạt
động càn quét vẫn tiếp tục. Giáo hội sống ở khoảng giữa, nơi mà giai đoạn cuối
cùng của trận chiến vẫn đang được diễn ra. Hãy chú ý đến các đoạn Tin Mừng
hàng ngày trong Thánh Lễ, đặc biệt trong Mùa Vọng này. Tôi nghĩ bạn sẽ ngạc
nhiên về mức độ thường xuyên chúng nói tới lần đến thứ hai của Chúa Giêsu vào
thời sau hết. Tôi có thể đưa ra hai ví dụ rất dễ nhận ra là: “Lạy Chúa, chúng con
loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến,”

“Vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô
Giêsu là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.”
 Đây là cách Giáo hội
lên tiếng trong “thời gian ở giữa”. Mặc dù chúng ta đang bị bao vây ở mọi
phía bởi thất bại, đau đớn, tội lỗi, bệnh tật và sợ hãi cái chết, nhưng chúng
ta vẫn sống trong niềm hy vọng hân hoan, vì chúng ta biết rằng lịch sử đang tiến
triển, rằng Thiên Chúa đã chiến thắng trong trận chiến quyết định và sẽ chiến
thắng cả cuộc chiến. 

Do đó, Mùa Vọng này, hãy nhìn lại; nhìn xung
quanh; và nhìn về phía trước. Với mỗi cái nhìn, bạn sẽ thấy Đức Kitô
đến.

Văn Thể chuyển ngữ từ wordonfire.org
(22.11.2021)