Bernadette đã trình với cha sở Lộ Đức về những lần Mẹ hiện ra với em tại hang đá. Cha xin Bernadette hỏi tên Mẹ là gì. Ngày 25.03.1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và em đã hỏi: “Bà là ai?”. Mẹ đã mặc khải bằng ngôn ngữ địa phương: “Que soy era Immaculada Counceptiou – Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Cha sở đã tin vào việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette, vì đây là tín điều Đức Giáo hoàng Piô IX long trọng công bố 4 năm trước đó (1854). Một ngôi thánh đường nguy nga đã được xây dâng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm. Lộ Đức từ đó trở thành nơi hành hương, và nhiều người tuôn đến cầu nguyện, tắm suối nơi dòng nước Bernadette đã tìm ra để xin Mẹ chữa lành.
Năm 1992, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khởi xướng ngày Quốc tế cầu nguyện cho bệnh nhân hàng năm vào dịp lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Với ngài, “Ngày này giới thiệu một cơ hội thuận tiện để quan tâm cách đặc biệt tới hoàn cảnh của các bệnh nhân đang phải khổ đau. Ngày này còn để nói lên lời cảm ơn những người đang âm thầm dấn thân phục vụ các bệnh nhân, đó là người thân, lực lượng y bác sĩ, những vị tu sĩ cùng các tình nguyện viên với ơn gọi Chúa trao để đồng hành với người anh chị em bệnh tật”. Việc cử hành ngày Quốc tế bệnh nhân còn canh tân sức mạnh tinh thần trong Giáo Hội về sứ vụ phục vụ những người bé mọn nhất, các bệnh nhân, những người đau khổ, những người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Việc người “Trinh nữ tuyệt mỹ” đã xin cô bé Bernadette cầu nguyện cho các tội nhân, nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ bệnh nhân nào đi nữa thì cần được đối xử với tư cách là một con người. Chẳng ai muốn đau bệnh. Tuy nhiên, thực tế đau ốm bệnh tật đã trở nên một phần của đời sống con người. Các bệnh nhân và những người đau khổ không chỉ mang trong mình niềm mong ước muốn được bình phục, nhưng cũng muốn thực thi đời sống Kitô giáo, và trao hiến đời sống đó với tư cách là những môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Từ những ngày khởi đầu sứ vụ Cứu thế của Chúa Giêsu, vai trò quan trọng của Mẹ Maria đã được thể hiện thật rõ nét trong trình thuật tiệc cưới Cana.
Dù chỉ là 1 khách mời như bao người khác, nhưng bằng con tim nhân ái, tấm lòng nhạy cảm vị tha của 1 phụ nữ, Mẹ đã tinh ý nhận ra “sự cố hết rượu” qua vẻ bối rối mà gia chủ cố tình che giấu. Bằng mối lo toan ấy, Mẹ đã chỉ ra cho chúng ta thấy đâu là nền tảng của nghệ thuật yêu thương. Với Mẹ, “yêu thương” cũng chính là không ngừng học biết và hướng về người khác để trao ban và đón nhận. Và “biết lắng nghe” chính là yếu tố quan trọng để giúp nhau vượt qua khó khăn thách đố của cuộc sống. Có ai đó đã nói một câu thật chí lý: “Đừng phàn nàn café đắng, vì biết đâu, đường của bạn chưa đủ ngọt”. Đó là điều Mẹ đã thực hiện trước câu trả lời chẳng ăn nhập vào đâu của Chúa Giêsu. Và đó cũng là điều các gia nhân đã làm trước một lời đề nghị không giống ai của Mẹ. Thật ra, họ không phải là hạng người thích làm chuyện ngược đời, nhưng là những người đã nhận ra thiên ý bằng tấm lòng tin tưởng đơn sơ, chân thành. Và bằng chính bằng tấm lòng đơn sơ, chân thành đó, họ cùng với Chúa Giêsu làm cho “nước lã” hóa thành “rượu ngon”, làm cho một “sự cố éo le” trở thành một “biến cố Thánh”, làm cho một đám cưới nhà quê thiếu trước hụt sau trở thành một đám cưới tràn đầy niềm vui và ân phúc. Với sự can thiệp của Mẹ, sự lo lắng, bối rối đã biến thành niềm vui hạnh phúc ngập tràn.
Ngày nay, Đức Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành với con cái của Mẹ, đặc biệt với những ai đang mang nỗi đau khổ nơi thân xác cũng như trong tâm hồn.
Tại sao có đau khổ ? Đó là vấn nạn muôn thuở của con người. Trước vấn nạn đó, chúng ta cùng nhìn vào Chúa Giêsu “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Trên thập giá, Ngài chẳng còn hình dạng một con người, từ chân đến đầu, chẳng còn chỗ nào lành lặn. Cây thập giá nặng nề, những chiếc đinh sắt ghim chặt thân xác Ngài vào cây gỗ, vết thương từ cạnh sườn nước và máu chảy ra. Ngài đã đón nhận mọi đau đớn nơi thân xác, gánh chịu mọi nhục nhã ê chề.
Dưới con mắt của người đời thì đó là một sự điên rồ, nhưng với cái nhìn của người có niềm tin thì đó là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, lại phải trải qua một thân phận đau đớn như thế ? Vâng, chính nhờ sự đau khổ và cái chết cùa Chúa Giêsu mà thập giá trở nên biểu tượng của tình yêu, tình yêu vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, tình yêu dâng hiến của Ngài dành cho nhân loại chúng ta, thập giá trở nên nguồn cứu độ vĩnh viễn, là nơi bày tỏ vinh quang Thiên Chúa, như lời bài hát mà chúng ta thường nghe trong tuần thánh “Vinh quang của Ta là thập giá Chúa Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta…”. Từ nguồn mạch ấy chúng ta có thể tìm được trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Vì thế mà thánh Phaolô đã thốt lên: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Như vậy, những đau đớn trên thân xác và tâm hồn mà chúng ta đang gánh chịu, những người già yếu bệnh tật trong gia đình chúng ta, hay những thiếu thốn về tinh thần của các em mồ côi… cùng với Đức Kitô sẽ làm nảy sinh tình yêu, như trong sứ điệp đặc biệt gởi tới những thành phần bệnh tật, đau yếu, Đức Hồng Y P. Mecouchi đã nói : “Hỡi tất cả anh em, những người đang cảm thấy thập giá đè nặng… xin hãy lấy lại can đảm, anh em là những người được ưu đãi của Nước Chúa – Nước của hy vọng, của hạnh phúc và của sự sống. Anh em là những người em của Chúa Kitô đau khổ và cùng với Ngài, nếu anh em muốn, anh em cùng cứu vớt thế gian”. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nói : Sự đau khổ cùng với lời cầu nguyện của người bệnh, là nguồn ơn sủng cho Giáo Hội. Và chính Chúa Giêsu, khi đứng trước Lazarô đang đau nặng, ngài nói : “Bệnh này… là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.
Mẹ là mẹ, là quan thầy của những bệnh nhân, xưa Mẹ đã cùng chia sẻ với Chúa Giêsu trên thập giá và đón nhận nỗi đau ấy với lòng tin mãnh liệt, chắc chắn Mẹ cũng luôn đồng hành với chúng ta trong đau ốm bệnh tật, hãy chạy đến với Mẹ trong đau khổ cô đơn và mời Mẹ về nhà với chúng ta, để Mẹ cùng đồng hành, nhắc nhở và cầu bầu cho chúng ta ơn kiên trì để tiếp tục cầu nguyện, biết tin tưởng vào tình thương, lòng thương xót Chúa và ơn can đảm để đón nhận mọi sự trong thánh ý Chúa, sống theo thánh ý Ngài như Mẹ đã nhắc các gia nhân trong tiệc cưới Cana “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Chúng ta đều được mời gọi phó dâng cho Chúa gánh nặng bởi những đau đớn trên thân xác; những lo âu tấn công tinh thần của chính bản thân chúng ta; của những người thân trong gia đình cũng như tất cả các bệnh nhân trên thế giới, để chúng ta tìm thấy được tâm hồn nghỉ ngơi bồi dưỡng:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…vì ách Tôi êm ái, gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt 12,28-30).
Chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em thiện nguyện trong gia đình chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ, điều dưỡng biết noi gương Chúa Giêsu để hy sinh nâng đỡ những phần tử yếu đau của Chúa Giêsu, để Danh Chúa được lan toả khắp nơi.
Xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa Giêsu giúp cho các bệnh nhân tìm được sự bình an trong tâm hồn, có thêm sức mạnh vượt qua đau khổ, thử thách và được kiên vững trong niềm tin, luôn tràn ngập hy vọng trên con đường chữa trị và sức khỏe. Amen.
Lm. Anmai, CSsR