|
Là một người kiên quyết, dù có đôi lúc
giao động nhưng sau đó biết rằng, không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên
một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là Thánh – đó là cuộc đời
Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury, bị giết ngay trong vương cung
thánh đường của ngài vào ngày 29.12.1170.
Thánh Tôma sinh ở Luân Ðôn. Ngài theo học
ở cả hai trường đại học Luân Ðôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, ngài bị
khánh tận, Ðức Tổng Giám Mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một
vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật.
Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận
Canterbury, vào lúc 36 tuổi, ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm
thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua. Ngài nổi
tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục
chính tòa Canterbury, thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài được thụ phong
linh mục chỉ một ngày, trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt
thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn
đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.
Vua Henry nhất quyết nắm lấy quyền điều
khiển Giáo Hội. Có khi, vì cố giữ hòa khí, Ðức Tổng Tôma phải nhượng bộ. Ngài tạm
thời chấp nhận Hiến Chương Clarendon, không cho phép giáo sĩ được xét xử bởi một
toà án của Giáo Hội, và ngăn cản họ không được trực tiếp kháng án lên Rôma.
Nhưng sau cùng, Ðức Tổng Giám Mục Tôma tẩy chay Hiến Chương này, ngài trốn sang
Pháp và sống ở đó trong bảy năm. Khi trở về Anh, ngài biết mình sẽ bị chết. Vì
ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức
giận kêu lên, “Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao?” Bốn
hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Ðức Tổng Giám Mục Tôma
ngay trong vương cung thánh đường Canterbury.
Chỉ trong vòng ba năm sau, Ðức Tôma được
phong Thánh, và ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Chính Vua Henry II
đã ăn năn sám hối tại ngôi mộ Thánh Tôma, nhưng người kế vị là Henry VIII đã
chiếm đoạt ngôi mộ ấy, và tẩu tán các thánh tích của ngài. Tuy nhiên, Ðức Tôma
Becket vẫn là một thánh nhân anh hùng trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày nay.
Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Chúa Giêsu hài
nhi lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa theo luật ông Môsê truyền
dạy.
Trong dịp may hiếm có này, ông Simêon là
người công chính và có lòng kính sợ Chúa; Ông đến đền thờ và gặp gỡ Chúa Giêsu;
lòng ông vui mừng nhận ra hài nhi Giêsu là Chúa Cứu Thế; ông tạ ơn Chúa vì đã
được bồng ẵm Chúa trên cánh tay của mình; Ông rất mãn nguyện và hạnh phúc, thốt
lên:
“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi
tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà
Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và
vinh quang của Israel dân Chúa”.
Ông Simêon nói về Con Trẻ là Đấng cứu độ
của muôn dân, là ánh sáng soi cho lương dân, và đặc biệt, Con Trẻ sẽ phải chịu nhiều đau khổ thử thách:
“Ðây trẻ này được đặt lên, khiến
cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục
tiêu cho người ta chống đối.”
Chúa Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi.
Tiêu biểu cho lòng mong đợi của dân Israel chính là ông Simêon. Vì tin vào Con
Trẻ là Đấng thiên sai và lòng ông hằng khao khát gặp Chúa Cứu Thế, nên ông đã gặp
được Chúa, được bồng ẵm Chúa. Lòng ông hân hoan vui mừng.
Chúng ta đang trong những ngày bát nhật
mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng ta hãy đến hang đá chiêm ngắm Chúa Hài Nhi và gặp gỡ
Ngài.
Chúa Giêsu là ánh sáng, là Đấng ban ơn cứu
độ cho nhân loại. Để tất cả chúng ta đón nhận được ơn cứu độ của Chúa, chúng ta
cần phải có đức tin mạnh mẽ.
Tin vào Chúa Cứu Thế, mỗi người chúng ta
mới gặp gỡ được Ngài, và chúng ta sẽ vui mừng hân hoan, vì Ngài đã giáng sinh
cho chúng ta, và tỏ bày tình thương của Ngài cho chúng ta. Qua Lời Chúa phán dạy,
Chúa soi sáng cho chúng ta thánh ý của Ngài, chân lý của Tin Mừng và ơn cứu độ
cho muôn dân. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa trao ban sự sống của Ngài cho chúng
ta.
Vì thế, chúng ta hãy vui mừng vì gặp được
Chúa, đón nhận Chúa, yêu mến Chúa và sống sự sống của Ngài trao ban cho chúng
ta.
Trong tâm tình đó, chúng ta hãy dâng lời
cảm tạ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đến và thờ lạy Chúa Hài Nhi và
kết hiệp với Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ Misa.
Lm. Anmai, CSsR