Giữa những sóng xô của cuộc đời, giữa những biến cố của cuộc đời, cầu nguyện vẫn là phương thế tốt nhất của người Kitô hữu. Cầu nguyện có thể nói và có thể hiểu như là hơi thở của linh hồn của người tin.

Mc_8_11-13.jpeg

Được bình an nội tâm “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su” (Pl4, 6.7).

Được Thiên Chúa an ủi “Tạ ơn Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu Kitô chúng ta, là Cha đầy lòng thương xót và là Chúa Cha ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn”. ( 2 Cr 1, 3.4).

Được hướng dẫn để quyết định khôn ngoan : “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách”. (Gc 1, 5)

Giúp tránh rơi vào cám dỗ “Hãy luôn cầu nguyện, để anh em không sa vào cám dỗ”. (Lc 22, 40).

Được tha tội “nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó) 2 Sb 7, 14)

Là một cách để giúp người khác : Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.( Gc 5, 16)

Được khích lệ khi lời cầu nguyện được nhậm “Đức Chúa phán với [vua Sa-lô-môn] rằng: Ta đã nhậm lời cầu-nguyện nài-xin của ngươi thưa trước mặt ta”. (1 V 9, 3)

Lợi ích của lời cầu nguyện

Qua lời cầu nguyện hàng ngày và sự hiểu biết về bản thân, mỗi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra kế hoạch của Chúa dành cho cuộc sống của chúng ta và đánh giá đầy đủ hơn phẩm giá và sự tự do của chúng ta như là những người con yêu dấu của Cha trên trời.

Cầu nguyện là một hành vi của người có đức tin. Là một cuộc nói chuyện tâm sự giữa con người với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với cha mình. Qua đó, họ ngợi khen những kỳ công Thiên Chúa đã làm, cảm tạ những ơn lành Ngài đã thương ban, ăn năn sám hối tội lỗi đã trót phạm, phó thác cậy trông vào tình thương cứu độ của Chúa, và cuối cùng là cầu xin Chúa ban ơn lành hồn xác cho mình và tha nhân.

Cầu nguyện nghĩa là đứng trước mặt Chúa và nâng lòng trí ta lên cùng Ngài với tất cả lòng tôn kính và thờ lạy. Cầu nguyện là con đường tươi đẹp dẫn ta vào nguồn mạch vô tận của Thiên Chúa là Đấng hằng sống thật và vô cùng tốt lành. Cầu nguyện là tất cả lòng dâng hiến nhiệt thành của ta trong Chúa Thánh Thần để dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô.

Vì cầu nguyện liên kết và nói lên mối lên hệ của ta với Chúa, nên bản chất của cầu nguyện là cuộc đàm thoại. Để những người yêu nhau được chìm đắm trong mối liên kết bác ái của họ, thì chính mỗi người phải chia sẻ hết đời sống nội tại của mình cách xác thực, và quảng đại trao đổi những lời (nói), cử điệu và cảm xúc cho nhau. Sự đàm thoại của cầu nguyện làm cho sự thân mật của ta với Chúa được thêm sâu đậm bằng cách nó lôi kéo ta vào sự liên hệ với Ngài để dẫn ta đến cùng Thánh Thể. Cầu nguyện giống như một hành động gợi cảm tình để ta kết hợp mật thiết với Chúa. Cầu nguyện còn làm cho ta nên giống Thiên Chúa mà ta hằng yêu mến như thánh Têrêsa thành Avila nói, “trong một cách thức nào đó, ý muốn trở nên hòa hợp với ý Chúa.”

Cầu nguyện là một hành vi cao quí và khôn ngoan của con người có lý trí. Cầu nguyện không làm cho con người bị vong thân, mất quyền làm chủ đời mình như có người lầm tưởng:

Cầu nguyện là một hành vi cao quí: Cao quí vì là thái độ nhân linh: chỉ con người mới có khả năng suy luận, mới biết đặt câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề… Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) trong tác phẩm Suy tư (La Pensees) đã đề cao giá trị của con người biết suy tư như sau: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên… Chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người vẫn cao quý vô cùng, vì con người biết suy nghĩ, đang khi vũ trụ tuy to lớn nhưng lại chẳng biết gì…”.

Cao quí vì là thái độ hiếu thảo: Chỉ con người mới có lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện, giống như con cái thưa chuyện với cha mẹ của mình.

Cầu nguyện  là một hành động khôn ngoan: Khôn ngoan khi biết tự lượng sức mình và biết tiên liệu: Thực vậy, trong đời sống thường ngày, mỗi khi đứng trước một công việc lớn lao, người khôn ngoan sẽ biết suy nghĩ và sẵn sàng nhờ cậy người khác trợ giúp. Cũng thế, người tín hữu khi đứng trước một công việc trọng đại vượt quá sức tự nhiên, sẽ biết khôn ngoan xin ơn Chúa giúp như Đức Giê-su đã dạy môn đệ cậy nhờ vào sự trợ giúp của Người: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c).

Nếu nói về sự cầu nguyện thì các Dòng Tu Chiêm Niệm, các Dòng Khổ Tu, các Dòng Kín Camêlô là những nơi có các tông đồ nhiệt thành nhất của Thiên Chúa. Các ngài sống đời cầu nguyện, có khi một ngày bẩy lần cầu nguyện, rồi đi lao động để tự kiếm sống. Vai trò cầu nguyện của các ngài rất quan trọng. 

Để cho ta được gần Chúa hơn trong tình yêu và trong cầu nguyện, thì ta phải nhận biết rằng chính Chúa đã đánh động ta trước để ta cầu xin Ngài ban cho ta một đời sống đức tin sâu sa. Sự ao ước đó trong ta là phản ánh sự mong muốn của chính Chúa. Chính Ngài khuyến khích để ta muốn cầu nguyện một cách có ý nghĩa và yêu mến Ngài cách xác thực hơn. Trong tất cả mọi việc ta làm để tìm kiếm tình yêu Chúa, ta được thúc đẩy bằng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Để yêu mến Chúa nhiều hơn, ta phải từ bỏ chính mình để đón nhận tình yêu của Ngài.

Để làm cho đời sống cầu nguyện của ta sâu sắc hơn, ta phải cầu xin Chúa ban ơn cho ta. Tức là ta chủ đích muốn và trực tiếp cầu xin Chúa Giêsu yêu thương ta, vì chỉ có tình yêu Ngài mới có thể làm cho ta xứng đáng với tình yêu của Ngài. Thánh Columban có một lần cầu nguyện: “Lạy Đấng Cứu Thế mến yêu, xin gợi lên trong chúng con sự say đắm của tình yêu mà xứng hợp với Ngài là Thiên Chúa, để tình yêu Ngài lan rộng khắp trái đất, hoàn toàn làm chủ chúng con, và đổ đầy lòng trí chúng con; và như vậy, chúng con sẽ không biết bất cứ tình yêu nào khác ngoại trừ tình yêu dành cho Ngài là Đấng Hằng Hữu.”

Lm. Anmai, CSsR