|
Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở
Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám
mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng
tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư
cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin
rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều
đóng kín.
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi
làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ
Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể
theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn
trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.
Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36
linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước,
kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông
nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ
làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán
trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự
đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập
dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ
rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm
làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường
Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng
số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.
Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng
quên dân chúng — đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong
một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe
bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức
Gioan khôi hài, “Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy
chưa!”
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa
ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức
để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt
đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải
lầm, “Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng
hương!”
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức,
đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy
sũng nước, ngài trả lời, “Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân
phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được.”
Ðức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới
48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn
giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày
19-6-1977 ngài được phong thánh.
Tin mừng theo Thánh Gioan thuật lại cuộc
gặp gỡ giữa Chúa Giê su và philipphê và sau đó, qua Philiphê, là cuộc gặp gỡ,
trao đổi giữa Nathanaen và Giêsu.
Nếu
như cuộc diện kiến giữa Chúa Giêsu và Philipphê có nhiều thuận lợi,Thánh Gioan
ghi lại: Ông Philipphê là người Betsaida cùng quê với các ông Anrê và Phêrô (
những người đầu tiên đã đi theo làm môn đệ Chúa), để rồi sau đó, Philiphê dễ
dàng tin và đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu “Anh hãy theo tôi”.
Trường hợp theo Chúa của Nathanaen thì
không phải thế, Philipphê nói về Chúa Giêsu Nadaret và trình bày cặn kẽ cho
Nathanaen biết Ngài chính là Đấng mà kinh thánh đã nói đến, các tiên tri đã
loan báo, muôn dân hằng mong đợi, chúng tôi đã gặp và chúng tôi đã đi theo
Ngài. Dù vậy, xem ra , giữa sứ điệp được trình bày và người nghe sứ điệp cũng
còn một khoảng cách khá lớn, “từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?”. Để thu
hẹp khoảng cách đó, Philiphê đề nghị một cuộc gặp gỡ :” Cứ đến mà xem !”. Nathanaen
đã đến và, không chỉ là để xem những “cái chi hay” mà là gặp được Đức Giêsu, tin và đi theo Người.
Chúa Giêsu Kitô chính là Tin Mừng phải
được loan báo cho mọi người, mọi nơi, có những mảnh đất tâm hồn màu mỡ, đã được
chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng có những mảnh đất khô cằn, gai góc, chẳng mấy thuận
lợi. Nhưng hạt giống Tin mừng cần được gieo xuống trên tất cả.
Đời sống của Hội thánh, của tất cả mọi
Kitô hữu phải là lời loan báo, lời mời gọi “hãy đến mà xem!”, không phải chỉ là
đến để nghe chúng tôi rao giảng, mà còn thấy chúng tôi, những con người “mến Chúa yêu người” đang diễn tả điều đó thế
nào trong cuộc sông hàng ngày, và gặp được Tin Mừng cứu độ là chính Đức
Kitô. “ Cái chi hay”, cái độc đáo mà giáo xứ, cộng đoàn chúng ta muốn giới thiệu
cho mọi người đến chiêm ngưỡng là gì, đó
có phải là đời sống đậm nét Tin Mừng, của đời sống liên đới, của yêu thương,
khiêm tốn.
Một giáo xứ nơi vùng quê, hưởng ứng lời
mời gọi của Đức Cha Giáo phận,về việc thực hiện những hành động cụ thể trong
năm Đức tin, nhiều người giáo dân đã chủ động chào hỏi, làm quen, thân thiết
hơn với những anh chị em lương dân sống cùng địa phương với mình, những gặp gỡ
đời thường đó phải chăng là khởi đầu cho việc “quan tâm đến nhu cầu của mọi anh
chị em chung quanh chúng con, nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa, để chính họ
cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời” .(Kinh năm đức tin). Thiết
nghĩ, đây cũng là một “cái chi hay”.
Tin Mừng Nước Trời chính là kho báu, Hồng
ân cứu độ là viên ngọc quí, nhưng tất cả có thể đang bị vùi chôn , đang bị che
lấp bởi chính đời sống thụ động, đời sống cầu an của người tin Chúa. Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy cùng Chúa mở rộng kho báu,và hãy cùng nhau
trao ban viên ngọc Nước Trời.
Lm. Anmai, CSsR