|
Nếu trong thời
Cựu Ước, trước thảm hoạ bị rắn độc cắn chết, nhờ nhìn lên con rắn đồng mà dân
Do Thái được cứu sống, tất nhiên được cứu sống đời này thôi, thì trong thời Tân
Ước, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô mà con người được sống và được sống đời đời. Bởi
vì Đức Kitô có vị trí trỗi vượt: Ngài đến từ trời cao, đến từ cung lòng Chúa
Cha (x. Ga 3, 31-32).
Hơn nữa,
Ngài còn có vai trò hết sức đặc biệt: là trung gian duy nhất. Đấng trung gian ấy
đã thực sự chiến thắng sự chết và đã phục sinh. Đây là dấu chứng đảm bảo cho sự
sống đời đời, sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào Đức
Kitô và dấn bước theo Ngài: “Ai tin vào Ngài thì không phải hư mất, nhưng được
sự sống đời đời” (Ga 3,16b).
Hai chữ “đời
sau” là có ý muốn nói đến “sau cái chết”. Người ta tin rằng sau khi chết đi,
mình vẫn còn sống theo một cách thức nào đó, chỉ có điều, sự sống ấy như thế
nào, giống và khác với sự sống mà ta đang thụ hưởng ra sao, thì chẳng ai biết
được cả. Dù không biết chính xác, nhưng trong tận thâm tâm, người ta tin là nó
sẽ tuyệt vời hơn bây giờ rất nhiều, rằng “người đã chết” ấy hiện diện trong một
trạng thái thuần linh, “người đó” có thể nhìn thấy chúng ta, nghe biết và chứng
kiến mọi chuyện đang diễn ra trong thế giới này.
Thậm chí,
người ta còn tin rằng, “người đã chết”, vì không còn bị kìm kẹp bởi vật chất nữa,
nên “thần thông quảng đại” hơn, có thể làm được nhiều điều mà chúng ta không thể
làm được. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dành một sự cung kính cho người
quá cố, chúng ta thắp cho họ nén hương, khấn vái, cầu khẩn… Nhiều người còn
dâng cúng đồ ăn thức uống, trò chuyện với người đã khuất.
Vào thời
Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến
sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết
cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng
ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy
nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn
biến đổi.
Còn nhóm Sađốc
thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật
Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi
tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em
nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà
ấy sẽ là vợ của ai?
Chúa Giêsu
khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống
trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan
giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình
yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy,
vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi
đó không còn ý nghĩa nữa.
Chết là sự
chắc chắn phải có. Tuy nhiên, chết không phải là hết. Tất cả các tôn giáo và
các dân tộc đều tin rằng luôn có sự sống mới sau cái chết. Có lẽ chúng ta đã từng
nghe và cũng từng nói những từ ngữ như: Từ trần, Qua đời, Băng hà, Đi rồi,… khi
nói về một người chết
Chúa Giêsu
quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào
và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi.
Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác,
đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của
con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Cái chết và
sự Phục sinh của Chúa Giê-su đã trả lời cho mọi vấn nạn về cùng đích cuộc sống.
Ngài đã chết và sống lại. NGài về trời và nói rằng Ngài về Nhà Cha. Về nơi hạnh
phúc trường sinh. Nơi đó Ngài cũng dọn chỗ cho tất cả những ai tin vào Người.
Cuộc sống trần
gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu. Điều đó mời gọi chúng ta
đừng mải tranh dành danh lợi thú trần gian. Hãy sống cuộc đời có ý nghĩa, nhất
là biết dành thời giờ chăm sóc, quan tâm tới những người thân của mình. Hãy sống
có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Đừng đợi khi quỹ thời gian đã không
còn mới sống đẹp thì đã muộn. Vì lúc đó, trí chẳng còn, sức cũng cạn!
Tin vào sự sống
đời sau, ta được mời gọi để sống thanh cao, sống những giá trị vượt trên những
tầm thường nhỏ nhen. Thật ra, ta đã có thể bắt đầu sự sống đời sau với nhiều hạnh
phúc qua từng cái chết nho nhỏ nơi cuộc sống này: chết đi cho cái tôi ích kỷ,
chết đi cho những kiêu ngạo, chết đi qua những hy sinh… Thật lạ kỳ: giá trị của
cuộc sống hệ tại ở những cái chết như thế; càng chết đi, ta lại càng cảm thấy
mình sống cách sung mãn hơn, và sự sống đời sau bắt đầu hình thành từ giây phút
ấy.
Xin Chúa gìn
giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống
vĩnh cửu mai sau.
Huệ Minh