4.7 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm (Hs 2:16-18,21-22; Tv 145:2-3,4-5,6-7,8-9; Mt 9:18-26)

Mt9_18-26.jpg

Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ
của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết,
người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả
hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại
trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều
là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa.

Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn
bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà
con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên
Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một
kết quả của lòng tin: “Ðức tin của con đã cứu chữa con”, nhưng cũng chính niềm
tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì
yêu thương con người.

Tin Mừng hôm nay nằm trong một loạt hành
động của Chúa Giêsu về việc loan báo Nước Trời. Ngài chữa lành các loại bệnh hoạn
tật nguyền cho người cùng khổ, nghèo hèn. Hôm nay, Ngài đến với 2 giai cấp
trong xã hội, tuy họ khác nhau về đẳng cấp chức vị : một người đàn bà bệnh tật
và một cô gái nhỏ, con của vị thủ lãnh trong xã hội. Nhưng cả hai đều chung một
thái độ. Đó là niềm tin vào quyền năng và tình thương của Đức Giêsu sẽ cứu chữa
họ. Nhờ thế, mà họ được chữa lành.

Mở đầu Tin Mừng, Thánh sử giới thiệu con
người đến van xin Chúa cứu chữa con gái của ông. Đó là vị thủ lãnh. Chúng ta
chú ý đến thái độ của ông ta  “ bái lạy”
và thưa : “ Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng , xin Ngài đến đặt tay lên cháu là
nó sẽ sống”. Ông khẳng định mạnh mẽ : Nó chết rồi, nhưng Ngài đặt tay, nó sẽ sống.
Cùng với hành vi bái lạy và lời xác tín của ông cho chúng ta thấy đức tin của ông
mạnh mẽ dường nào. Trước thái độ nài xin của ông, Chúa Giêsu không đòi hỏi niềm
tin nào hơn nữa, thánh sử viết : Ngài đứng dậy đi theo ông.

Trên đường đến nhà ông, có một người đàn
bà bị bệnh băng huyết. Nghĩa là máu trong người bà đã bị mất rất nhiều sau 12
năm bệnh hoạn. Chắc hẳn nhìn vào con người gầy còm, xanh xao ấy mọi người đều
biết bà bị mắc bệnh và bệnh này người Do thái coi là ô uế, đối với người nào vô
tình chạm vào bà hoặc bà đã đụng đến họ.

Nhưng bất chấp mọi lời đàm tiếu, những cử
chỉ khinh chê của người khác, bà đã tiến đến và chạm vào áo Chúa Giêsu, và bà
nghĩ : “ chỉ cần sờ vào tua áo Chúa, là được cứu” ( c. 21). Niềm tin mạnh mẽ của
bà này còn vượt lên niềm tin của vị thủ lãnh kia. Vì ông ta còn yêu cầu Chúa
Giêsu đến dặt tay lên con ông, còn bà này, bà chỉ cần sờ đến tua áo Chúa. Bà
tin, quyền năng và tình thương Chúa không chỉ trong con người Chúa Giêsu mà còn
trong cả những vật mà Giêsu chạm tới.

Một hành vi đơn giản, một suy luận đơn
sơ nhưng mang đậm triết lý thần học : Đấng Thánh sẽ thánh hóa mọi vật mà Ngài
chạm đến. Một đức tin đơn sơ của bà đã được Chúa Giêsu chính thức khen thưởng :
“ Này con cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.22). Hành vi “sờ tua
áo” lén lút của bà được Chúa tuyên dương công khai trước mặt mọi người. Ngài nhấn
mạnh : lòng tin của con. Như thế chính nhờ lòng tin của bà mà bà được khỏi bệnh.
Máu là biểu tượng của sự sống. Sự sống đang lần lượt ra đi khỏi con người bà,
nay dừng lại. Sự sống đã trở lại và sẽ hồi sinh trong bà chỉ vì một hành vi đức
tin đơn sơ của bà. Thánh sử nói tiếp : Ngay giờ ấy, bà được cứu chữa. Đức tin của
bà dẫn đến hành động của Chúa Giêsu ngay tức khắc. Ngay khi bà tuyên xưng niềm
tin thì ơn cứu độ đã đến với bà. Bà được cứu cả thể xác lẫn tâm hồn.

Chúa Giêsu đến nhà viên thủ lãnh thấy
quang cảnh nhà ông đã bao phủ màu tang chế. Kèn trống đang thổi inh ỏi… nhưng
Ngài vẫn nói : “ Con bé không chết, nó ngủ thôi !”. Mọi người chế nhạo Chúa
Giêsu. Vì cho là Người ngớ ngẩn : Đứa bé đã chết và gia đình em đã chuẩn bị cho
cuộc tang lễ, bộ đầu óc ông để ở đâu mà lại phát ngôn một câu nghe không có tỉnh
táo. Họ chế nhạo vì sao Chúa quá khờ dại, không nhận ra những dấu hiệu tang
tóc, đau thương. Nhưng Chúa không muốn họ ở lại đó, Ngài ra lệnh họ lui ra
ngoài và Chúa tiến vào : “cầm lấy tay em bé, nó liền chỗi dậy”. Câu trả lời của
Chúa đối với đám đông là ở đây, là thái độ “ cầm tay em bé” . Một cử chỉ thông
truyền sự sống. Và đúng thật Đấng ban sự sống đã đến cầm tay và ban truyền sự sống
cho em. Đây là đỉnh cao của sứ vụ Đấng Mêsia- Đấng có quyền trên sự chết và sự
sống của con người. Đấng ban sự sống cho con người cũng là Đấng sẽ chỗi dậy sau
cái chết, để mọi người cũng được sống lại như Ngài.

Chỉ với 7 câu, Thánh sử Matthêu đã nêu bật
sứ vụ của Đấng Mêsia. Đây là cuộc chữa lành không chỉ là bệnh tật mà còn là mạng
sống của con người. Chúa Giêsu đã đến để kéo sự sống ra khỏi tay ác thần. Ngài
ngăn chặn những tội ác xấu xa của ma quỷ đang thống trị trên thế giới, trong
con người. Ngài tỏ lộ uy quyền của Đấng Mêsia- Đấng cứu độ đến từ quyền năng và
tình thương của Thiên Chúa. Ngài sẽ cứu những ai đặt tin tưởng nơi Ngài, những
ai dám giao phó mạng sống họ trong tay Ngài như bà bị loạn huyết và ông thủ
lãnh này.

Thế giới ngày nay đang bị ác thần thống
trị khắp nơi, nhưng con người không nhận ra hoặc thậm chí không cần nhận ra điều
đó. Họ sẵn sằng làm nô lệ cho đồng tiền, danh dự, vinh quang, phú quý vinh hoa
giả tạo. Lương tâm của họ bị che khuất. Cảm thức về tội lỗi bị chai lỳ, không
còn sức hút nhạy cảm.

Qua một cơn hải trình cam go, những người
có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương.
Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những
đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu
Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ
nâng của Chúa.

Lm. Anmai,CSsR