4.6 Thứ Bảy trong tuần thứ Bảy Mùa Phục Sinh (Cv 28:16-20,30-31; Tv 11:4,5,7; Ga 21:20-25)

Jesus-And-The-Beloved-Disciple.jpg

Trong bài Tin Mừng hôm nay, câu hỏi của
thánh Phêrô phần nào gợi lên tâm trạng này. Khi đã trao nhiệm vụ cho thánh
Phêrô, Chúa Giêsu cũng đã báo trước về quãng đời còn lại của ông sẽ như thế
nào: một viễn ảnh đầy khó khăn thử thách. Thánh Phêrô đã tò mò hỏi Chúa về số
phận của người đồng môn và đã được trả lời: “Nếu Thầy muốn người ấy cứ ở lại
mãi cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con, phần con, cứ theo Thầy”. Chúa
Giêsu biết rằng câu trả lời của Ngài sẽ khiến cho Phêrô và các môn đệ buồn về
cách đối xử phân biệt, có thể sẽ kéo theo sự chia rẽ giữa các ông. Chúa Giêsu
quan tâm đến điều này vì câu hỏi của Ngài cũng là một lời mời gọi đầy thách thức
riêng đối với thánh Phêrô và chung cho tất cả những ai muốn theo Ngài.

Ðáp trả lời mời gọi trước hết là một quyết
định riêng tư của mỗi người trưc tiếp giữa họ và Thiên Chúa. Lời mời gọi chẳng
hứa hẹn ngon ngọt nhưng chỉ là gai góc, khổ đau, và khi đã chấp nhận theo Ngài
thì cũng đòi hỏi kẻ theo Chúa tuyệt đối trung thành với con đường Ngài đã vạch
ra cho mỗi người. Mỗi người có con đường riêng của mình, có thể con đường họ
đang đi gập ghềnh sỏi đá và con đường của người bên cạnh lại yên vui phủ đầy
bóng mát.

Tuy vậy, họ cũng chẳng thể dừng lại ngồi
nhìn người bên cạnh, Ngồi nhìn kẻ khác chỉ khiến họ thêm buồn tủi, mất hết nhuệ
khí, chùn chân, không muốn tiến bước, mà không cất bước thì chẳng bao giờ đến
đích điểm cuối cùng: một nơi đang bày sẵn phần thưởng để chờ đón họ. Ðường đi
càng gian khổ thì niềm vui càng bừng nở. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài sẽ
không để cho một ai phải thiệt thòi về những điều đã bỏ công góp sức. Cho đi thế
nào thì sẽ nhận lại như vậy. Ðong đấu nào thì sẽ được trả lại bằng đấu ấy và
còn đầy tràn hơn nữa.

Ta thấy nối tiếp mẫu đối thoại giữa Chúa
Giêsu và ông Phêrô khi Chúa chọn Phêrô sẽ là người đứng đầu Giáo Hội sơ khai,
và tiên báo về cái chết của Phêrô giống như cái chết của Thầy. Khi nhìn thấy
Gioan đi đàng sau mình Phêrô liền hỏi Chúa Giêsu: “còn anh này thì sao?”.
Gioan, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến trong suốt những năm tháng tháp tùng theo
Thầy đi Công bố Tin Mừng Cứu Độ. Gioan lại được ơn linh ứng của Thánh Thần để
ghi chép lại những lời của Thầy mình qua một lối văn khác với ba tác giả Tin Mừng
trước, mang nội dung ý tưởng thần học cao siêu hơn.

Ông đã làm chứng về Ơn Cứu Độ mà Chúa
Giêsu đã thực hiện trong suốt ba năm đi theo Thầy. Qua lời Chúa Giêsu nói với
ông Phêrô: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến’’, ý Ngài muốn
nói lời chứng của Gioan được ghi chép lại sẽ tồn tại và linh ứng cho đến ngày tận
thế, ngày Chúa Giêsu sẽ lại đến trong thế gian trong cương vị là một vị thẩm
phán tối cao.

Theo sử sách ghi lại Gioan: con ông
Giê-bê-đê, được Chúa Giêsu gọi là Môn đệ yêu dấu. Đối diện với cái chết tử đạo
khi bị nấu trong nồi dầu sôi trong cuộc bách hại tôn giáo ở Rôma. Nhưng lạ
thay, ngài được cứu thoát khỏi cái chết. Thánh Gioan bị kết án đi làm hầm mỏ tại
trại tù ở đảo Patmos. Tại đây, Ngài đã viết cuốn sách Khải Huyền chứa đầy những
lời tiên tri. Thánh Gioan được trả tự do, và trở về làm Giám mục ở Edessa, Thổ
Nhĩ Kỳ. Ngài chết vì già yếu. Ngài là tông đồ duy nhất đã chết một cách bình
an. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao phó cho trách nhiệm nghĩa vụ làm
con thay thế Thầy mình đem Mẹ Maria về nhà để săn sóc.

Gioan đã ghi chép, để lại cho chúng ta
những lời giáo huấn của chính Chúa Giêsu đã nói và giảng dạy, và chính Gioan đã
làm chứng về những điều mình đã viết là sự thật. Qua 20 thế kỷ Tin Mừng của
Thánh Gioan vẫn luôn là những lời chứng thực về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đã ban
cho con người, và vẫn đang tiếp tục là chứng nhân để truyền đạt lại cho chưa biết
Chúa.

Riêng với Phêrô, Chúa Giêsu đã nói với
ông : “Phần con, cứ theo Thầy”. Phêrô đã tiếp nối công việc của Thầy đã trao,
Ngài đã chèo lái con thuyền Giáo Hội từ những ngày sơ khai, Phêrô đã rao truyền
những lời giáo huấn của Thầy mình cho những anh em chưa biết Chúa, và Phêrô đã
bảo vệ nguồn chân lý về Ơn Cứu Độ nơi Thầy của mình trao ban, Phêrô hạnh phúc được
lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy mình. Từ những gian nan thử
thách mà Phêrô đã trải qua trong suốt triều đại Giáo hoàng của Ngài, Ngài đã
chèo lái đưa con thuyền Giáo Hội vượt qua biết bao trở ngại chông gai, và tiếp
nối cho đến hôm nay con thuyền đó vẫn vững chắc bền bỉ để lướt qua những sóng
gió trần gian.

Lời mời gọi đó như chính Chúa cũng đang
mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp bước theo Ngài, để làm chứng nhân cho Chúa
bằng chính cuộc sống hiện tại, tùy theo chức vụ và ân sủng mà Thiên Chúa đã
trao ban cách riêng cho mỗi người. Nhìn lại chính chúng ta, cuộc sống chứng
nhân về Đức Kitô hôm nay của mỗi tín hữu đã tiếp nối gieo và gặt hái được đến
đâu. Đức tin mà chúng ta đã được hạnh phúc hơn biết bao người khác, là được lãnh
nhận ngay từ lúc chập chững bước vào đời, và được trau luyện qua những năm
tháng thực hành sống đạo.

Trong mỗi thánh lễ chúng ta long trọng
tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên
xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa đến”. Chúng ta thực hành được lời tuyên
xưng đó được bao nhiêu lần, và đã trao ban niềm tin đó cho bao nhiêu anh chị em
được nhận ra ánh sáng đức tin để biết Chúa, hay những lời đó chỉ là lời tuyên
xưng vang lên trên cửa môi chúng ta trong ngôi thánh đường, và nó chỉ cô đọng
mãi bên trong thánh đường, chưa đủ sức để lời tuyên xưng đó vang vọng ra được
bên ngoài để mọi người chung quanh nhận biết Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, qua việc
Chúa Giêsu Giáng Sinh, rao giảng Tin Mừng, chịu chết và Phục Sinh. Để rồi cũng
giống như dụ ngôn nén bạc đã bị chôn vùi không được dùng để làm sinh lợi thêm.
(Mt 25, 18)

Lm. Anmai, CSsR