16.3 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Chay (Gr 18:18-20; Tv 31:5-6,14,15-16; Mt 20:17-28)

Mt_20_17-28.jpg
Pinterest

Thời đại này, con người chuộng sông, sợ
chết, ham quyền lực địa vị, của cải. Họ đi tìm hạnh phúc ở đời này dù chỉ là những
cuộc ham vui chóng qua, rồi sau đó lại rơi vào thất bại ê chề. Trang Tin Mừng
mà Thánh Matthêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy.

Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về
một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử
hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường
đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển. Một vương quốc lấy
dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây
thắt lưng…

Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ
và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người
đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Chúa
Giêsu- Chúa chúng ta.

Có nhiều người ngày nay, theo tâm lý tự
nhiên, họ đều muốn có danh tiếng cá nhân, phần thưởng cá nhân, địa vị cá nhân
và sự thành công cá nhân, nhưng ít ai nghĩ đến sự hi sinh cá nhân!

Thật thế, đây là cám dỗ nguy hiểm cho
con người thời nay, bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến mình, họ luôn xây dựng cái tôi
của mình thật lớn để rồi như một thành trì bảo vệ uy lực cho cá nhân mà không hề
nghĩ đến người khác và bổn phận trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Đây cũng chính là mối nguy hại cho các
Tông đồ thời Chúa Giêsu! Các ông theo Ngài, được Ngài mặc khải nhiều điều, và,
nhất là hôm nay, Ngài loan báo cuộc khổ nạn, đồng thời mời gọi họ đi theo trên
con đường khổ giá để cùng Ngài cứu chuộc nhân loại, thay vì ưng thuận, họ đã tỏ
vẻ khó chịu, bởi vì các ông đã phỏng chiếu một Đức Giêsu uy quyền, lẫm liệt khi
thể hiện quyền năng của mình để đánh đông dẹp bắc theo kiểu binh đao, nhưng đằng
này, Chúa Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng
công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo
cái chết sẽ đến với Ngài.

Cám dỗ về uy quyền, danh vọng, sung túc…
mà các môn đệ thời Chúa Giêsu mắc phải cũng chính là cám dỗ triền miên của mỗi
chúng ta ngày nay!

Trên đường lên Giêrusalem (vì sắp tới lễ
Vượt Qua là lễ mà mọi người Do Thái đến tuổi thành niên về Giêrusalem để tham dự),
Chúa Giêsu tách riêng những môn đệ thân tín đi với Ngài. Ngài nói với các ông
như  lời tiên báo và cũng là lời tâm sự :
“Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người…
bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh…. và sẽ chỗi dậy” (c.18-19). Một tin động trời
như vậy, thế mà chẳng có môn đệ nào phản ứng, ngay cả Phêrô, Gioan… là những
người đứng đầu bảng tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu thương mến. Hình như
các ông chẳng quan tâm và cho rằng đó là chuyện của người nào đấy… và không
dính dáng đến mình. Thánh sử còn nói rõ : đây là việc tiên báo về cuộc thương
khó lần thứ ba của Chúa Giêsu. Thật vô tình quá ! Bài học này đã không được các
môn đệ tiếp nhận.

Chúa Giêsu đang buồn rầu vì các môn đệ
không hiểu bài học Ngài vừa truyền đạt, thì Ngài lại phải giải quyết một vấn đề
khá quan trọng xảy ra với hai môn đệ thân tín của Ngài: Mẹ của Gioan và Giacôbê
đến gặp Chúa Giêsu. Một bà mẹ như đoán trước thời cuộc. Thời lên ngôi của Chúa
Giêsu nên bà vội vã đến quì lạy xin giành “chỗ nhất” cho hai đứa con yêu quí của
bà được ngồi bên tả, bên hữu Chúa.    (x.
c.20-21) Rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Chúa Giêsu liền kéo bà và mọi người quay
trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống
không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của
Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định
rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn
việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ
không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.

Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta nhìn thẳng
vào Thánh Giá Chúa để thấy được tình thương của Chúa Giêsu, thấy được sứ vụ của
cuộc đời chúng ta, khám phá ra ý nghĩa của ơn cứu độ ngang qua đau khổ, nhất là
khám phá ra sự vĩ đại, sức mạnh phi thường và ơn giải thoát ở sự phục vụ trong
yêu thương.

Lm. Anmai, CSsR