|
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Đây là một dịp để chúng ta suy niệm về Đức Mẹ và về việc đạo đức rất phổ thông
là việc lần chuỗi dâng kính Đức Mẹ. Nhiều người trong chúng ta có một tràng chuỗi.
Tràng chuỗi chúng ta không giống chàng chuỗi các nhà sư. Tràng chuỗi chúng ta
có một lai lịch cổ xưa và nòi được là thi vị hơn nhiều.
Vào thời Trung cổ, trong các nước Công
giáo Tây phương, người thanh niên, nhất là các thiếu nữ, có thói quen mang những
tràng hoa trên đầu mà người ta gọi là Chapel- nguồn gốc trong Pháp ngữ của danh
từ chapeau là mũ và chapelet là tràng chuỗi.
Thánh Louis, vua nước Pháp, cấm các con,
nhất là các nàng công chúa, không được mang tràng hoa trên đầu trong các ngày
thứ sáu, để tưởng niệm đến mũ gai mà Chúa đội trong cuộc tử nạn. Tràng hoa biến
thành các chuỗi hoa, đội lên đầu Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính. Trong khi đó, ở tu
viện, các Tu sĩ mỗi ngày đọc đủ 150 kinh dâng kính Đức Mẹ. Tràng chuỗi trở nên
tràng chuỗi Mân Côi.
Việc đạo đức ấy đã được Đức Mẹ chấp nhận,
khi Người hiện ra với Thánh Đaminh vào thế kỷ XIII. thời ấy, bè rối Albigeois
đã lan tràn nhiều nơi và phá hoại Giáo Hội rất nhiều. Thánh Đaminh và Dòng của
Ngài đã làm hết sức mà không sao cải hóa được những người theo bè rối ấy. Ngài
cầu nguyện với Đức Mẹ và Đức Mẹ đã hiện ra dạy dùng tràng chuỗi Mân Côi làm khí
giới thần hiệu để chinh phục bè rối ấy. Thánh Đaminh đã thành công nhờ tràng hạt
Mân Côi.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng hôm
nay liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi
Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành
một chuồng ngựa. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương
giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ . Người Công giáo đã chiến thắng
tại vịnh Lepant, chặn được sức tiến vũ bão của Hồi giáo. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đức
Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.
Lần chuỗi không phải là việc đọc kinh một
cách máy móc các kinh thường quen, mà là miệng đọc mà lòng suy gẫm các mầu nhiệm
căn bản của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Mầu nhiệm năm sự Vui để sống lại với Đức Mẹ
cuộc đời thơ ấu của Chúa; mầu nhiệm năm sự Thương để theo Chúa trên đường tử nạn;
mầu nhiệm nhiệm năm sư Mừng để cùng Đức Mẹ sống qua những ngày cuối cùng của
Chúa. Vì thế mà Lacordaire đã gọi tràng chuỗi Mân Côi là một cuốn Tin Mừng tóm
lược.
Kinh Mân Côi là một việc đạo đức do
chính Mẹ đã truyền dạy. Thực vậy, vào năm 1206, bè rối Albigeois nổi lên và trở
thành một mối đe doạ cho Giáo Hội tại nước Pháp. Thánh Đaminh được sai đến để cảm
hoá. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn thất bại, bè rối mỗi ngày một lan rộng.
cuối cùng thánh Đaminh đã cầu xin với Đức Mẹ, và theo truyền thuyết thì chính Đức
Mẹ đã hiêẹn ra, truyền dạy thánh Đaminh phép lần hạt Mân Côi. Nhờ kinh Mân Côi
mà thánh Đaminh đã cảm hoá được những người theo bè rối, dẫn đưa họ trở về cùng
Giáo Hội.
Tiếp đến kinh Mân Côi là một việc đạo đức
có nội dung phong phú và cao cả. Đúng thế, xét về những lời kinh chúng ta đọc,
thì kinh Lạy Cha là lời kinh do chính Chúa Giêsu đã truyền dạy, còn kinh Kính Mừng
là lời kinh được rút tỉa từ lời chào kính của sứ thần Gabriel và của bà
Elisabeth, tất cả đều xuất phát tự Kinh Thánh.
Nhưng quan trọng hơn là về những mầu nhiệm
suy gẫm. Đó là những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu có liên quan mật thiết
với Mẹ Maria, trình bày cho chúng ta tất cả mầu nhiệm nhập thể và cứu độ mà
Thiên Chúa đã vì yêu thương mà thực hiện cho chúng ta qua dòng thời gian. Đồng
thời qua mỗi biến cố, qua mỗi sự kiện, chúng ta đều rút ra một nhân đức, một
bài học cụ thể áp dụng vào đời sống thiêng liêng. Từ đó chúng ta có thể kết luận:
Kinh Mân Côi chính là một bản tóm lược cuộc đời Chúa Giêsu, một bản đúc kết Tin
Mừng Phúc Âm.
Sau cùng, kinh Mân Côi còn là một việc đạo
đức được Mẹ ưu chuộng và được Giáo Hội khuyến khích. Thực vậy khi hiện ra tại
Fatima, Mẹ đã truyền cho chúng ta ba mệnh lệnh đó là tôn sùng Trái Tim Mẹ, cải
thiện đời sống, và lần hạt Mân Côi. Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ nhận thấy việc lần
hạt Mân Côi sẽ bao gồm cả hai mệnh lệnh kia, vì nhờ kinh Mân Côi chúng ta biểu
lộ được lòng tôn sùng kính mến Mẹ cũng như tìm thấy được những tiêu chuẩn hướng
dẫn cho việc đổi mới đời sống.
Ngoài ra các Đức Giáo Hoàng không ngừng
nhắc nhở chúng ta chu toàn việc đạo đức cao cả này. Đức Lêo XIII đã nói: Kinh
Mân Côi phảng phất hương thơm và duyên dáng những cánh hồng, xứng đáng được
dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. Đức Piô X thì bảo: Nếu các con muốn cho gia đình
mình được êm ấm và hạnh phúc, các con hãy lần hạt Mân Côi mỗi buổi tối trong giờ
kinh gia đình. Đức Piô XII đã viết: Trong những lời kinh và những cách cầu nguyện
tôn kính Mẹ Maria thì chuỗi Mân côi là một việc đạo đức cao cả nhất. Đức Thánh
Cha Gioan XXIII thì bảo: Kinh Mân Côi là hơi thở của mọi tâm hồn. Sau cùng Đức
Phaolô VI đã xác quyết: Kinh Mân Côi rất thích hợp với người tín hữu, đồng thời
cũng rất làm cho Mẹ được hài lòng, hầu ban xuống cho chúng ta những ơn lành cần
thiết.
Kinh Mân côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức
Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của
các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng mà ta có thể
gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria,
kinh Ma-gnificat ca ngợi việc nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng
trinh khiết của ngài. Với kinh Mân côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường
của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên khuôn mặt của Đức Kitô
và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân côi các tín hữu
lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế”
(số 1).
Mỗi người chúng ta hãy thực hiện những lời
giáo huấn trên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, để qua Kinh Mân Côi, chúng ta
gặp chính Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu độ và để khi đọc và suy niệm Kinh
Mân Côi, chúng ta ôn lại toàn bộ sứ điệp của Tin Mừng. Đời sống chúng ta sẽ được
chan hòa ơn thiêng liêng và sự sống đời đời bên Chúa và Mẹ của chúng ta sẽ được
bảo đảm.
Huệ Minh