9.2.2022 Thứ Tư trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm (1 V 10:1-10; Tv 37:5-6,30-31,39-40; Mc 7:14-23)

wash-hands.jpeg

Sau những tranh luận khá gay gắt với những
người Pharisêu và một số kinh sư về vấn đề sạch dơ trong trình thuật Tin Mừng
hôm qua. Lời Chúa hôm nay tiếp tục đề cập đến cái sạcha dơ như một nối tiếp của
bản văn Tin mừng hôm qua nhưng theo một chiều hướng khác, đó là cái bên trong
và cái bên ngoài.

Khi bàn về chế độ ăn uống của các dân tộc
và của cá nhân, những nhà văn hóa xã hội phải thú nhận không thể đưa ra một
tiêu chuẩn chung để qui định đâu là thức ăn ngon, đâu là thức ăn dở, đâu là thức
ăn sạch sẽ bổ dưỡng, đâu là cái bẩn thỉu và độc hại. Bởi vì, đối với dân tộc
này, món óc khỉ chẳng hạn là một món ăn bổ dưỡng và sang trọng, nhưng đối với
dân tộc khác, đó là một thức ăn của người còn mang nặng thú tính, chưa có nhân
tính thuần thục. Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức
ăn được phép và một số thức ăn không được phép. Còn thái độ của Chúa Giêsu đối
với vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa
Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức
ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm
luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có
thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác.
Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng
máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con
người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội
Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu
gốc Do thái ở điểm này.

Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của
Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận
của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải
theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn
con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc
mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt
người khác.

Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người
Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm
trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là
thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên
Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến
này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào
Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế. Như vậy, khi trả lời cho
câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể
đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì
tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên
Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm
địa ấy.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ
quan sát được cái bên ngoài, còn cái bên trong thì ta không thể quan sát hay cảm
nhận được bằng các giác quan. Vì vậy, cái bên ngoài và cái bên trong có nhiều
điều để nói. Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng: “Không có cái gì từ bên
ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng
chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Sau đó
Đức Giêsu còn giải thích cho các môn đệ hiểu rõ những lời dạy của Ngài. Thật vậy,
cái có thể làm cho con người ra ô uế không phải cái từ bên ngoài mà chính là những
cái phát xuất từ bên trong như ghen ghét, lười biếng, trộm cắp, gian dâm, xảo
trá, kiêu ngạo… Đó là những cái từ trong lòng xuất phát ra. Nó làm cho con người
ta ra dơ bẩn.

Tội lỗi thường phát xuất từ lòng con người,
nó làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha
nhân. Bởi vậy, người ta thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của
bạn như vậy”, khi chúng ta nghĩ điều gì, ấp ủ điều gì trong lòng chúng ta dễ
dàng hành động theo cái chúng ta suy nghĩ. Khi mình yêu mến ai, nghĩ tốt cho ai
mình thường đối xử với người đó một cách dễ dãi, xuề xoà hay có một tương quan
khá dễ chịu. Ngược lại, khi ta ác cảm với ai ta thường hay bắt bẻ, so đo, tính
toán với người đó. Vì vậy, tội lỗi thường xuất phát từ lòng người, đó là cái
bên trong làm cho con người ra dơ bẩn. Đó cũng là cái bên trong mà Đức Giêsu muốn
nói đến, cái bên trong hay chúng ta còn gọi là “cái tâm”. Cái tâm tốt thì con
người tốt và ngược lại cái tâm xấu làm cho con người cũng có những hành động xấu.

Là những người Kitô hữu, chúng ta cần phải
“tu tâm dưỡng tính” để ta luôn xuất ra bên ngoài những hành động tốt, đầy tình
yêu thương. Cái dơ bẩn bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu tâm hồn ta hoen ố vì
tội lỗi, vì những đó kỵ, những tị hiềm thì ta khó có thể sửa đổi ngay được. Đôi
khi chúng ta chỉ vì những cái lợi nho nhỏ mà làm mất chính mình, làm mất những
tương quan tốt đẹp trong đời sống của mình. Sống trong nền kinh tế thị trường
hôm nay, người ta thường đặt lợi nhuận lên hang đầu. người ta tìm mọi cách để
trục lợi, bất chấp những luân thường đạo lý. Vì thế người ta thường sống trong
nghi kỵ, không còn tin vào người khác

Nhóm biệt phái thời Đức Giêsu là nhóm
chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại
không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo
đức giả hình của mình. Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến
những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch
và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian.
Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất
cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm
vui và bình an cho người khác.

 
Chúng ta thường đánh giá con người qua những gì quan sát được bên ngoài.
Đôi khi cái bên ngoài trông rất tầm thường nhưng bên trong lại chứa đựng cả một
kho tàng vô giá ta không thấy được bằng quan sát bên ngoài mà ta chỉ có thể thấy
được bằng cái tâm của mình. Do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại bằng cách
xin Chúa giúp cho chúng ta có được cái nhìn thiện cảm về tha nhân để chúng ta
biết nhìn sự thật nơi chính mình và luôn thể hiện những điều tốt đẹp qua cuộc sống
của mình như những gì Chúa muốn dạy chúng ta.

Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô
giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công
giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt
bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng
giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ
quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.

Lm. Anmai, CSsR