27 22 X Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên. (Rm 8,26-30; Lc 13,22-30.)

straight-bgate.jpg

Thiên Đàng hay Nước Thiên Chúa là ‘nơi’
Thiên Chúa dành sẵn cho con người sống hạnh phúc cùng Ngài. Từ khi sa ngã phạm
tội, ‘cửa’ Thiên Đàng đã đóng lại đối với con người. Khi Chúa Kitô chịu chết
trên thập giá và để ban ơn cứu độ thì cánh cửa ấy lại được mở ra, nhưng không
phải cánh cửa thênh thang dễ dãi mà là cánh cửa hẹp. Ai muốn vào Nước Chúa đều
được Ngài vui mừng đón nhận nhưng phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào.”

Sở dĩ phải qua cửa hẹp bởi không phải tất
cả những gì ta đang sở hữu đều có thể mang vào Thiên Đàng. Có những thứ của cải
có thể hữu dụng hoặc tăng giá trị cho ta trong cuộc sống trần gian, nhưng lại
là một thứ ‘hành lý cồng kềnh’ khi đi qua cánh cửa hẹp để vào Thiên Đàng. Chỉ một
thứ mà chúng ta mang bao nhiêu cũng không dư đó là tình yêu.

Vậy thì những gì cản trở ta vào Nước Trời,
tại sao ta không loại bỏ? Và tại sao ta không “bán đi” những sự đời này để mua
sắm lấy những tài sản sẽ tồn tại vĩnh cửu ở đời sau, nơi mối mọt không thể đục
khoét, nơi kẻ trộm không thể lấy đi (Lc 12, 33)?

Chúa Giêsu đã tự ví mình là cửa chuồng
chiên : “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7). Người đòi những ai muốn vào
Nước Thiên Chúa phải bước qua cửa hẹp : “Hãy chiến đấu để qua được cửa
hẹp mà vào”. Theo thánh Phaolô : “Bước qua cửa hẹp” là phải chiến đấu đến
cùng, phải đi con đường hẹp của thập giá, phải can đảm chống lại sự cám dỗ của
ma quỷ, thế gian và xác thịt, đồng thời luôn làm theo thánh ý Chúa Cha như lời
Chúa Giêsu : ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là
được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Bước qua cửa hẹp là chọn sống theo các
đòi hỏi của Tin Mừng : là đi con đường chật hẹp, leo dốc ít người muốn theo, là
đường thánh giá mà Đức Giêsu đã xin bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa Cha (Lc 22,
41). Người cũng đòi các môn đệ phải chọn cửa hẹp noi gương Người : “Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9, 23).

Bước qua cửa hẹp đòi phải loại trừ “cái
tôi” :  Ở đây là chiến đấu với “cái
tôi” ích kỷ của mình, cái tôi nặng nề vì những vun quén cá nhân,
“cái tôi” phình to ra vì sự tự mãn tự kiêu và tham vọng cao. Thật ra
cửa vào sự sống không hẹp bao nhiêu, nhưng đã trở nên hẹp vì “cái
tôi” quá to. Cần phải làm cho “cái tôi” ấy nhỏ lại mới được vào
Nước Trời (Mt 18, 3). “Cái tôi” của chúng ta luôn có khuynh hướng bành
trướng do sự thu tích tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm,
tuổi tác, chức vụ cũng có thể làm cho “cái tôi” ấy bị xơ cứng và
phình to ra.

Để trở nên như trẻ nhỏ, chúng ta
cần phải đươc ơn Chúa dần dần biến đổi nên khiêm nhường tự hạ hơn (Mt
18, 3-7). Đây là một cuộc chiến đấu với chính mình. Khi huỷ mình ra
không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp và dễ vào trong Nước Trời. Hãy noi
gương khiêm hạ của Gioan Tẩy giả khi trả lời các môn đệ về tương quan giữa ông
với Đấng Thiên Sai Giêsu : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ
đi”  (Ga 3, 30).

Phải chiến đấu mới vào được Nước
Trời : Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục để vượt qua
“cái tôi” ích kỷ và phải nhanh chân chiến đấu để vào Nước Trời trước
khi quá muộn. Ơn Cứu độ là của Chúa ban cho, nhưng đòi ta phải kiên
trì cầu xin và biết giơ tay đón nhận. Ước gì đừng bao giờ chúng ta
tự hào vì mình đã biết Chúa, nhưng phải luôn khiêm hạ, đơn sơ như trẻ
thơ để Chúa biết và thừa nhận ta khi nói với chúng ta : “Khá lắm ! Hỡi
người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành,
thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,
21).

“Ta không biết các ngươi” : Nhiều
người Do thái đã đến chậm khi cửa Nước Trời đã đóng lại. Họ gõ
cửa đòi vào. Họ tưởng mình chắc sẽ có một chỗ nơi bàn tiệc Nước
Trời, vì họ đã từng ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu, và đã nhiều lần
nghe Người giảng dạy, đã chứng kiến các phép lạ Người làm. Thế nhưng
họ đã bị Chúa từ chối : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi
cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính !” (Lc 13, 27).
Chúa cũng có thể nói với mỗi người chúng ta như vậy, nếu chúng ta dù
có chăm chỉ học hỏi Kinh thánh và cầu nguyện, có siêng năng xưng tội rước lễ,
nhưng lại không thực hành theo Lời Chúa dạy, không chịu mở cửa tâm hồn để mời
Chúa vào làm chủ cuộc đời của ta.

Có khi nào chúng ta nghĩ rằng mình cũng ở
trong số những người bị đuổi đi cho khuất mắt Chúa và trong số những quân làm
điều bất chính nói trên hay không ?  Lời
chữa mình của người Do thái cũng có thể là của nhiều tín hữu chúng ta hôm nay :
Vì chúng ta đã từng năng dự thánh lễ và nghe giảng lời Chúa, từng là thành viên
Hội đồng Mục vụ hay Ban Chấp Hành các hội đoàn công giáo tiến hành… Nhưng điều
quan trọng Chúa đòi phải có là phẩm chất đức tin chứ không phải chỉ là danh hiệu
tín hữu. Phẩm chất của người Kitô hữu là sống theo Lời Chúa dạy và luôn chiến
đấu loại bỏ các thói hư để có thể vào được Nước Trời ngang qua cửa hẹp.

Để bước qua một cánh cửa hẹp, chúng ta
phải tập thói quen bác ái : luôn quên mình để sống khiêm nhường phục vụ tha
nhân, quyết tâm loại trừ các thói hư cồng kềnh không thể lọt vào Nước Trời là
tham lam tiền bạc, tranh giành nhau địa vị cao thấp, ham hưởng thụ các lạc thú
bất chính: nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, cờ bạc cá độ gây tán gia bại sản… Những
thói hư cồng kềnh đó còn là thói ích kỷ, làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân bên
cạnh…

Vất bỏ những thói hư nói trên quả thật
không dễ dàng, vì đây là một cuộc “chiến đấu” nội tâm trường kỳ đầy khó khăn.
Tuy vậy, chúng ta không được nản lòng, vì xác tín rằng : có Chúa Kitô luôn đồng
hành với chúng ta. Người sẽ cử Thánh Thần đến ở lại với chúng ta nếu chúng ta
biết cầu xin và sẵn sàng đón nhận ơn Thánh Thần. Vào giờ chết của chúng ta,
Chúa Giêsu sẽ đón nhận chúng ta vào dự bàn tiệc Nước Trời với tổ phụ Ápraham là
“Cha các tín hữu”.

Huệ Minh