09 05 Tr Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên. CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LA-TÊ-RA-NÔ, lễ kính. Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng. (Ed 47,1-2.8-9.12 (hoặc 1Cr 3,9c-11.16-17); Ga 2,13-22. )

Ga2_13-22.jpg

Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là
nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi
Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận
muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan
Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc
bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC
Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của
Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae
Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

Năm 313, sau khi ra chiếu chỉ ở Milano
cho Giáo hội được tự do hành đạo, Hoàng Đế Constantine cho xây đền thờ ở
Laterano trong thời gian 313-318 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Thời Đức Giáo Hoàng
Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh
Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh
Gioan ở Laterano, năm 1144.Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, đền thờ này là
trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng của Đức Giáo Hoàng.

Như các đền thờ khác, Đền Thờ Thánh
Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng
chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp, đươc xây lại như ngày nay thời ĐGH
Sisto V (1585-1590).

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian
chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước
vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản
cóGiếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH
Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất
(47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14
trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận
Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với
tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính
cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô

Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao,
vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người.
Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.
Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Đức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng
linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của
Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.

Trong Tin Mừng âm hiếm khi ta thấy Chúa
Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước
những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình
vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi
Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng
đùng, lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh,
thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành,
cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. “Đem tất cả những thứ này
ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). “Nhà của Ta là
nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” ( Mt 21,12-13).Chúa
Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy.”Nơi buôn bán”, “Hang trộm cướp”,
Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo
khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa
đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh
đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức
Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền
năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới
được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu.
Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2
Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của vương cung thánh đường
Latêranô cũng như mọi thánh đường khác đều phải bắt nguồn từ đền thờ này.

Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng
nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước
từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở
đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì
họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên
Chúa.” (1 Cr 3,16).

Chúng ta thấy rõ tính thời sự của lễ này
: là những phần tử sống động của Giáo Hội địa phương, tất cả chúng ta có trách
nhiệm làm cho Giáo Hội này noi gương Giáo Hội mẹ, sinh ra những Giáo Hội và cộng
đồng khác, đi ra khỏi những bức tường kín hay những ranh giới địa lý của mình,
để mở ra cho toàn thế giới.

Cũng vậy, mừng lễ cung hiến thánh đường
Latêranô nhắc chúng ta nhớ lại phép rửa tái sinh của chúng ta: “… Trước khi chịu
phép rửa, chúng ta là những đền thờ của ma quỉ ; sau khi chịu phép rửa, chúng
ta được trở nên những đền thờ của Thiên Chúa. . .Vì thế, thánh Phaolô đã nói :
Đền thờ của Thiên Chúa là thánh, và đền thờ đó chính là anh em.” Nhưng ân huệ
này đòi hỏi chúng ta rất nhiều : “Anh em muốn có một thánh đường sáng láng ư ?
Đừng để tội lỗi làm nhơ bẩn tâm hồn anh em. Nếu anh em muốn thánh đường được
chiếu sáng, và Thiên Chúa muốn điều đó, hãy để ánh sáng của các việc lành chiếu
sáng nơi anh em. . .”

Huệ Minh