|
Phanxicô ra đời tại lâu đài Xaviê thuộc
vương quốc Navarre ngày 7 tháng 4 năm 1506. Cha Ngài là cố vấn của nhà vua miền
Navarre và là thẩm phán. Anh em Ngài theo binh nghiệp. Riêng Phanxicô ham thích
học hành. Năm 19 tuổi, Ngài theo học tại đại học Paris, trường lớn nhất thế giới.
Khi còn ở học viện thánh Barbe, Ngài được phúc trọ cùng phòng với Phêrô Favre,
người sau này sẽ nhập dòng Tên và được tuyên thánh trong thời gian gần đây theo
thể thức “tuyên thánh tương đương”. Bốn năm sau, Ngài lại có được người bạn học
giả là Inhaxiô thành Loyola.
Người học trò mẫn cán đã trở thành giáo
sư. Ngài dạy triết học. Thành công làm cho Ngài thành con người tham vọng.
Inhaxiô nói với Ngài về một hội dòng mà thánh nhân muốn thành lập. Nhưng
Phanxicô mơ tới danh vọng, Ngài chế nhạo cũng như khinh bỉ nếu sống nghèo tự
nguyện của bạn mình. Inhaxiô vui vẻ đón nhận những lời châm biếm, nhưng lặp lại
rằng: – “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì.”
Cuối cùng, Phanxicô đã bị ảnh hưởng.
Inhaxiô còn đưa ra những lời cao đẹp hơn: – “Một tâm hồn cao cả như anh,
không hề chỉ gò bó với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng
với cao vọng của anh. Thật vô lý, khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn
là những của cải tồn tại đời đời”.
Phanxicô bắt đầu thấy được cái hư không
của những sự cao trọng của thế nhân và hướng vọng tới của cải vĩnh cửu. Chiến
thắng rồi, Ngài chống lại tính kiêu căng bằng mọi loại sám hối. Ngài quyết định
theo sát Phúc âm, vâng theo cách cư xử của người bạn thánh thiện và xin được
khiêm tốn hãm nình. Ngài chỉ còn chú tâm cứu rỗi các linh hồn.
Phanxicô trở lại Ấn Độ. Ngài đã rảo qua
gần 100.000 cây số trong 10 năm. Bấy giờ, việc chinh phục Trung hoa ám ảnh tâm
hồn Ngài. Ngài đáp tàu, nhưng không bao giờ tới được quốc gia rộng lớn này. Vào
cuối tháng 11 năm 1552, trên đảo Hoàng Châu, Ngài bị lên cơn sốt rét. Giữa cơn
đau, Ngài đã lập lại: – Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con, xin
thương đến các tội con.
Ngài dứt tiếng và không nhận ra được các
bạn hữu nữa. Khi hồi tỉnh, Ngài lại kêu cầu Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu và nài xin
Đức Mẹ: “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con”.
Một người Trung Hoa thấy Ngài hấp hối
thì đặt vào tay Ngài một cây nến. Phanxicô qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552.
Ít tuần sau, người ta tìm thấy xác Ngài vẫn nguyên vẹn và chở về Goa. Dân chúng
tại đây nhiệt tình tôn kính Ngài, vì đã coi Ngài như một vị thánh.
Năm 1619, Đức Phaolô V đã suy tôn ngài
lên bậc chân phước. Năm 1622, Đức Grêgôriô XV suy tôn lên bậc hiển thánh, tuyên
thánh cùng với thánh Inhaxiô và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Chúa Giêsu, Đấng cứu độ và khai sinh Hội
Thánh, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, trước khi về trời Ngài cũng để lại cho
Giáo Hội và cho chúng ta, cho cả nhân loại một kho tàng quý báu lớn lao, đó là
lời chân lý, lời hằng sống, lời ban sự sống đời đời, các bí tích, nhất là bí
tích Thánh Thể, và lời trối trăn rất quý báu và quan trọng là “chúng con hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”. “Thầy đã rửa chân cho chúng
con, thì chúng con cũng hãy rửa chân cho nhau”. Giáo Hội rất trân trọng quý mến,
bảo vệ và rao giảng để cho kho tàng và lời trối trăn của Chúa được mọi người
đón nhận, thi hành để đạt được ơn cứu độ như Đức Kitô mong muốn.
Việc Chúa Giêsu phục sinh và lên trời
không chấm dứt việc phổ biến Tin Mừng, nhưng Tin Mừng được các tông đồ tiếp nối
Chúa Giêsu đi khắp thế gian công bố cho mọi loài thọ tạo (Mc 16, 15; 13, 10;
14,9). Đó là công tác tông đồ và truyền giáo của toàn thể Hội Thánh thực hiện cách kiên trì bền bỉ trải qua mọi
thời đại, và cho đến muôn đời. Như vậy, biến cố thăng thiên kết thúc sứ vụ của
Chúa Giêsu ở trần thế, và khởi đầu sứ vụ của các tông đồ “Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa
sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án”.
Chúa Giêsu xuống thế làm người, đòi buộc
con người một sự chọn lựa. Không ai có thể có sự sống siêu nhiên mà không nhờ
Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ truyền đạt sự sống này qua các bí tích, trước hết là
bí tích Thánh tẩy, vì Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất chứ không như người Do
Thái lầm tưởng là ơn cứu độ nhờ lề luật. Các tông đồ ra đi rao giảng tin mừng,
làm chứng về Đức Giêsu Kitô và có Chúa cùng hoạt động với các tông đồ như Ngài
đã hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”, và dùng những dấu lạ
kèm theo để xác nhận lời họ rao giảng. Chúa Giêsu kể ra một loạt dấu lạ: họ sẽ
trừ được quỷ, nói được tiếng lạ và chữa nhiều bệnh nhân. Chúa ban cho họ có quyền
năng trên rắn rết, bò cạp và nếu có uống nhằm thuộc độc cũng chẳng sao, chẳng
có gì làm hại được họ ( Mc 15, 17; Lc 10, 19 ).
Không những Chúa ban cho các tông đồ các
dấu lạ ấy, mà còn cho những người có lòng tin vào danh Ngài và nối tiếp về sau
sứ vụ của các tông đồ nữa. Các dấu lạ ấy còn chỉ rõ cho chúng ta biết là chúng
ta đang sống trong triều đại của Đức Messia, là thời đại của ơn cứu độ.
Sau khi Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ
tiếp tục sứ mạng truyền giáo, loan báo Tin Mừng cho muôn dân muôn nước, Chúa
Giêsu được đưa lên trời trước mặt các ông cách hữu hình, như Ngài đã nói với
các thành viên trong Thượng Hội Đồng “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu
Đấng toàn năng” ( Mc 14, 62 ). Biến cố thăng thiên không phải là một cuộc ra đi
của Chúa Giêsu, nhưng là khai mạc một cách thế hiện diện mới mẻ của Ngài, hiện
diện vô hình và không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa.
Lời Tin Mừng hôm nay nhắc đến biến cố về
trời của Đức Giêsu để tôn vinh Ngài đã hoàn thành công trình cứu độ, suy tôn
Ngài là Chúa, là chủ tể mọi trong mọi trong hoàn vũ. Chúa Giêsu còn được tôn
vinh bằng hình ảnh ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài có tất cả vinh quang danh dự
nơi Thiên Chúa Cha, Ngài dự phần vào quyền năng của Thiên Chúa Cha như Ngài đã
nói với các tông đồ trong bữa tiệc ly về việc “Ngài ra đi khỏi thế gian mà về
cùng Cha Ngài”, và trong lời cầu nguyện của Ngài gợi lên cuộc tôn vinh của Ngài
“vậy lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha, xin ban cho Con vinh quang
mà Con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” ( Ga 17, 5 ). Chính việc biến
hình trên núi Tabor là một hình thức thăng thiên vô hình, và tiên báo vinh
quang mà Chúa Giêsu ‘Con Thiên Chúa Làm Người’ sẽ được nhận lại nơi Cha.
Mừng lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê hôm
nay, chúng ta mang tâm tình kính phục Ngài có một tấm lòng hăng say phục vụ Hội
Thánh. Chúng ta cảm tạ Ngài đã để lại cho chúng ta kho tàng lòng nhiệt thành
loan Tin Mừng. Chúng ta cũng ngưỡng mộ Ngài là một mẫu gương nhiệt thành đi
theo Chúa Giêsu, và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Noi gương Thánh Phanxicô
Xaviê, chúng ta tích cực cộng tác với Giáo Hội trong mọi công tác tông đồ truyền
giáo. Chúng ta luôn ý thức trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho anh chị em mình,
vì chúng ta là những Kitô hữu, là thành phần của Hội Thánh.
Trong khi rao giảng Tin Mừng chúng ta
cũng cần có các dấu lạ để minh chứng lời chúng ta rao giảng, như các tông đồ đã
làm xưa là sống một cuộc sống huynh đệ thân thương, nhẹ nhàng nhân ái với mọi
người, hiền lành dịu ngọt, xả kỷ lo cho nhu cầu quyền lợi của người khác, hăng
say, can đảm chấp nhận gian khổ, những dấu lạ ấy cũng là những lời chứng hùng hồn
về Chúa Giêsu về Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Tình Yêu. Chúng ta cũng noi
gương các tông đồ từ bỏ con người cũ và sống con người mới tốt hơn.
Huệ Minh