Đau khổ, nó luôn hiện hữu trong đời sống
của con người, có thể là chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh…vv, và mỗi dạng
đau khổ đều ẩn chứa những khó khăn và thử thách của nó. Hơn bao giờ hết, con
người được mời gọi bước qua ngưỡng cửa của đau khổ, để từ đau khổ đó họ khám
phá được giá trị của sự hạnh phúc. Như tiểu thuyết gia người Pháp Alexandre
Dumas đã từng nói: “Chỉ người đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng
cảm nhận hạnh phúc tột cùng”. Cho nên, đau khổ như người thầy dạy cho chúng ta
những bài học trong cuộc sống, và rèn giũa chúng ta nên vững vàng hơn.
Trong nguồn ca dao Việt Nam có câu:
“Vàng thử lửa, gian nan thử sức”. Điều này, muốn nói lên rằng vàng là một kim
loại quý hiếm, qua thời gian nung đúc thì nó trở thành vật có giá trị và được mọi
người ưa chuộng. Cũng vậy, con người là một hữu thể cao cả có trí khôn, cho nên
trước những gian nan, thử thách con người cũng biết dùng trí khôn và khả năng
đã được phú bẩm mà vượt qua mọi đau khổ. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường
ngày, có người đón nhận đau khổ với niềm vui, sự vâng phục xem đó như phần tất
yếu của cuộc đời, cho nên, họ dễ dàng vượt qua mọi nỗi đau và tìm được giá trị
của đau khổ mang lại. Bên cạnh đó, có người lại trốn tránh đau khổ, hay thoái
thác đau khổ cho người khác, điều này, dẫn tới cuộc sống của họ luôn trong tư
thế bị động, sợ hãi và tự ti.
Chính trong bài Tin Mừng hôm nay, các
môn đệ đã cho chúng ta thấy được sự bỡ ngỡ về mầu nhiệm đau khổ sau lời tiên
báo về cuộc thương khó của Chúa Giê-su.(x. Lc 9, 45). Hình ảnh của Chúa Giêsu
trong mắt các môn đệ thời bấy giờ là một Đấng uy quyền, cao cả trước mắt người
đời, và dường như, những cám dỗ về quyền lực trần gian đã lu mờ đi mầu nhiệm
đau khổ mà Chúa Giêsu đã vén màn cho các môn đệ. Mặc dầu, các môn đệ không hiểu
lời của Chúa Giê-su, nhưng sự sợ hãi đã khiến các ông không dám hỏi lại Người về
điều đó, điều này thể hiện bản tính trốn tránh của con người trong mầu nhiệm
đau khổ. Bởi những sung túc, tiện nghi và an nhàn trong cuộc sống làm họ luôn
né tránh đau khổ, xem đau khổ như mối đe dọa lớn đến đời sống của họ.
Quả thế, để nhận ra và đón nhận đau khổ,
đó là một quá trình dài trong việc ở lại và cầu nguyện, bởi chính lúc đó, chúng
ta mới đi vào tương quan mật thiết với Chúa, để lắng nghe và đón nhận đau khổ
trong cuộc đời. Chính Chúa Giê-su đã đón nhận đau khổ trong sự vâng phục, và
xem đau khổ như là con đường để tiến về sự phục sinh vinh hiển. ước mong rằng,
con người ngày hôm nay luôn biết đón nhận đau khổ trong sự tín thác và hy vọng
vào quyền năng của Thiên Chúa. Amen!
Mọn Hèn