Dân tộc Việt Nam vốn trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên Ông Bà Tổ Tiên của mình đã qua đời. Trong Thánh Lễ ngày Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Ngài ; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài được vui lòng, đó chính là cách thể hiện lòng hiếu thảo đúng nhất.

MUNG-2.jpg

Lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã
vun trồng cây sự sống cho thế hệ đời sau, là nội dung của phong tục thờ cúng tổ
tiên, mà các dân tộc Châu Á, đặc biệt là dân tộc ta, rất coi trọng.

Người tín hữu Công giáo Việt
Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ
nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại
là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ mạc. Hội
thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn
các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dỡ của các
ngài, lo vun trồng tươi tốt những cây non là các thế hệ đến sau, để cho cây
nhân sinh của dòng họ ta mãi mãi xanh tươi và đơm nhiều hoa trái, đóng góp với
sự tốt tươi chung của rừng cây nhân loại.

Theo truyền thống Đông phương,
chữ Hiếu được đề cao trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, vì xã hội này chịu
ảnh hưởng sâu xa nền luân lý Khổng Mạnh. Đức Khổng Tử đã dạy môn sinh của mình
phải phụng dưỡng cha mẹ, quạt nồng ấp lạnh, tối sớm chăm nom:

 Tử viết: “Phụ mẫu tại bất viễn du,

 Du tất hữu phương”.

Đức Khổng Tử nói: cha mẹ còn sống
không nên đi chơi xa, và đi đâu thì phải cho biết có nơi có chốn.

Ngài còn đặt ra nhiều phong tục
rất tỉ mỉ và phiền toái để tỏ lòng hiếu với cha me như việc ma chay, tang chế,
kiêng kỵ… Ngày nay nhiều điều không còn phù hợp nữa.

Chữ Hiếu rất quan trọng đối với
người Việt nam. Theo học thuyết Khổng Mạnh, chữ Hiếu là nhân đức làm đầu của đạo
con cái. Và trong các tội phạm đến cha mẹ thì bất hiếu là tội lớn nhất. Người
Việt nam đã tôn phong chữ Hiếu lên thật cao, thành một đạo khi người ta nói:

 Công cha như núi Thái Sơn,

 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 Một lòng thờ mẹ kính cha,

 Chon trọn chữ Hiếu mới là ĐẠO CON.

Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai
từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ,
và người ta nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đạo làm con. Do đó, chúng ta phải ý thức
rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không
phải chỉ là lẽ công bằng mà là một ĐẠO. Mà lỗi đạo là phạm tội chứ không phải
chỉ là một sự sơ sót.

Theo tục lệ ngày Tết, con cháu
dù ở nơi xa xôi cũng phải về họp mặt cùng ông bà cha mẹ vì ngày này được coi là
linh thiêng. Ai vắng mặt không có lý do chính đáng bị coi như là bất hiếu

Trong mười điều răn, Thiên
Chúa đã dành hẳn điều răn thứ bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với
ông bà cha mẹ, trước các điều răn hướng về con người. Đây không phải là lời
khuyên mà là một luật buộc phải thi hành như các điều răn khác.

Sách Huấn ca đã đề cập đến
lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Theo tác giả Ben Sira, lòng hiếu thảo
đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:

Được đền bù tội lỗi.

Được con cái cháu chắt thảo hiếu
lại.

Sẽ được Chúa nhận lời.

Trong thư gửi cho tín hữu
Êphêsô, thánh Phaolô khuyên bảo con cái: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ
theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều
răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt
đất này” (Ep 6, 1-3).

Thánh Luca cho chúng ta biết Đức
Giêsu đã làm gương cho chúng ta về lòng hiếu thảo đối với thánh Giuse và Đức
Maria tại Nazareth, mặc dù chỉ bằng một câu rất vắn tắt:”Rồi Ngài theo cha mẹ
trở về Nazareth và vâng lời các Ngài”(Lc 2, 51)

Đối với người Kitô hữu, việc
thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của
Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn
phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt
đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó
cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu
cũng đã lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của
Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói:”Thiên Chúa dạy:”Ngươi
hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.

Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến
khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt,
nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công
việc nặng nhẹ.

Lần kia, suốt cả một tuần, bà
mẹ đau liệt giường. Thế là em nhỏ phải giúp mẹ trong nhiều công việc, nhưng
không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những
công tác chưa được nhận tiền thưởng gồm: xách nước 2 đồng, nấu cơm 3 đồng, giặt
quần áo 5 đồng… Tất cả các thứ tính chung trong một tuần lễ là 80 đồng. Xong, em
rón rén bước vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay bà mẹ.

Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em
bé 80 đồng kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi: công sinh, công nuôi dưỡng,
công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh… x 10 năm: chưa có
mục nào được thanh toán cả.!

Cầm tờ hóa đơn trong tay, em
nhỏ chợt hiểu, vội chạy vào xin lỗi mẹ.

Hôm nay Giáo hội Việt nam kính
nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm. Kính nhớ các tiền nhân chính là thể hiện
tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ
trồng cây”. Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt
là giúp chúng ta biết Chúa là Đấng đáng tôn thờ và yêu mến. Công ơn của tổ tiên
ông bà cha mẹ đòi hỏi chúng ta phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài
trong ngày đầu Xuân này, đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm: hãy tận
tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người

Nói ai nói cũng được, sống tâm
tình báo hiếu mới là chuyện quan trọng. Cha mẹ chúng ta dù còn sống hay qua đời,
chúng ta cầu nguyện và đặc biệt hơn cả là chúng ta sống tâm tình báo hiếu. Mỗi
chúng ta hãy bày tỏ, hãy sống lòng biết ơn cha mẹ bằng đời sống chứng tá đức
tin chứ không phải những lễ phẩm mà chúng ta trao cho cha mẹ.

Nhớ lời của Chúa, mỗi chúng ta
hãy dựa vào lời Chúa, dựa vào lời của cha ông cũng như văn hóa của người Việt
Nam để sống tâm tình hiếu thảo bằng chính lối sống tốt đẹp của mỗi người chúng
ta. Có như thế, chúng ta mới báo hiếu và bày tỏ lòng biết ơn cách thực tế với
cha mẹ. Chắc hẳn, cha mẹ nào cũng muốn con cái mình lưu lại những danh thơm tiếng
tốt mà cha mẹ đã xây dựng và vun đắp.

Ngày nhớ ơn sinh thành năm Mậu
Dần

Lm. Anmai, CSsR