25.3 Thứ Sáu trong tuần thứ Ba Mùa Chay Lễ Truyền Tin (Hs 14:2-10; Tv 81:6-8,8-9,10-11,14,17; Mc 12:28-34)

xin-vang.jpg

Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25
tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu
mang Chúa Giêsu.

Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội
Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội
Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.

Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại
danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ
chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ : Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và
lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định
tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu
chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ
thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm
tội.

Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ
Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời
hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp
nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm
Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính
nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn
chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng
tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ,
nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38). Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin
vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự
tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa. Lập tức sau lời “xin vâng” của Đức
Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ. Tất cả đều diễn
tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó “xin vâng” đã được coi như một giao ước
mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa,
phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa
toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy,
các thánh Giáo phụ đã nghĩ rất đúng rằng : Thiên Chúa đã không thu dụng Đức
Maria một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân
loại.

Tiếng xin vâng của Đức Mẹ, thoạt nghe,
chẳng có gì đặc biệt đáng chúng ta phải chú ý. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ và cầu
nguyện, chúng ta sẽ thấy được tinh thần hy sinh, lòng bác ái, và đức tin sống động
của Mẹ được gói gọn trong hai tiếng xin vâng đó.

Qua tiếng xin vâng, Mẹ Maria sẵn sàng gạt
bỏ đi tất cả những gì Mẹ hằng ôm ấp cho riêng mình là sống đời đồng trinh, để
chấp nhận cộng tác với Chúa trong việc sinh ra cho nhân loại Đấng Cứu Thế mà ai
cũng trông chờ.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước
mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc
1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà
Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người
khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải
quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình
sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự
do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ
khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người
khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc
đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên
Chúa.

Tiếng xin vâng của Mẹ Maria còn nhắc nhớ
chúng ta về đức tin sống động của Mẹ: luôn phó thác mình cho tác động của Chúa
Thánh Thần. Nếu chỉ xin vâng một lần rồi thôi hoặc có thể rút lại được khi hết
hứng thì rất dễ, nhưng tiếng xin vâng của Mẹ Maria là tiếng xin vâng liên tục
và vĩnh viễn kể từ giây phút truyền tin. Do đó, nếu không có một đức tin mạnh mẽ
và sống động thì Mẹ Maria không thể nào thưa lên được tiếng xin vâng cộng tác
vào chương trình cứu chuộc. Và nếu đức tin đó không được tiếp tục nuôi dưỡng
thì Mẹ Maria cũng chẳng tiếp tục sứ mạng cộng tác của Ngài cho đến ngày Mẹ được
Chúa cất về trời.

Vì cuộc đời tại thế của Mẹ cũng là một
cuộc hành trình đức tin như mỗi người chúng ta ngày nay vậy. Và mỗi biến cố xảy
đến trong cuộc đời là một bước Mẹ tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin. Mỗi
một lần như vậy nó đòi buộc một sự tín thác cao độ hơn lần trước, vì như mọi
người chúng ta, Mẹ cũng chẳng biết được tương lai ngày mai sẽ ra sao.

Lời Xin Vâng của Mẹ trở thành một mẫu mực
tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Nói mạnh hơn, lời Xin Vâng ấy là một
lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của
con người trong thời đại của chúng ta.

Xin Mẹ Maria nâng đỡ phù trì để chúng ta
ngày một tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin qua việc mở rộng tâm hồn sẵn
sàng cộng tác với ơn soi động của Chúa Thánh Thần ngõ hầu Chúa Giêsu có cơ hội
tiếp tục sinh xuống tâm hồn những ai chưa nhận biết Chúa.

Lm. Anmai, CSsR