|
Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên
Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới
nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và
nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng
có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con
Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên
Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để
lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật
lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình
yêu.
Nếu trong Mùa Vọng, tín hữu đã sống lại
niềm trông mong đợi chờ Chúa của Dân thánh, lấy kinh nghiệm thao thức của họ
làm kinh nghiệm thức tỉnh cho mình, và lấy tâm tình dọn dẹp đường lối của họ
làm tâm tình chuẩn bị cõi lòng của mình, thì hôm nay không còn úp mở nữa, vị
Thiên Chúa được trông chờ ấy chính là Thiên Chúa nhập cuộc.
Khác với lối nhìn của Cựu Ước vốn coi
Thiên Chúa là “Đấng khôn tả”, nên muốn tả về Ngài người ta chỉ dám dùng đường lối
phủ định nghĩa là thêm chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho Ngài.
Và cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa vốn coi Thiên Chúa là “Đấng đáng sợ”,
nếu lơ mơ đến gần Ngài sẽ phải mất mạng như chơi. Đàng này, vị Thiên Chúa được
chờ mong lại đến thật sát thật gần. Người hóa thân làm người ở giữa chúng ta.
Theo thánh Gioan diễn tả, thì Ngôi Lời
đã hoá thành nhục thể. Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người,
hoà mình vào những thực tại của kiếp người. Và để chia sẻ cuộc sống con người,
Ngài đã trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa đã bước xuống phận
con người, để con người được tiến lên ngôi Thiên Chúa.
Thánh Kinh vẫn quen gọi đây là cuộc
“Thiên Chúa viếng thăm Dân mình”, nhưng cuộc viếng thăm này lại rất đặc biệt,
không chỉ diễn ra trong chốc lát, cũng không thể được lặp lại trong lần khác nữa.
Người là vua vinh quang trên trời đã nhận lấy kiếp người giòn mỏng để khởi đầu
sự nhập cuộc. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thể trở nên con người thật với
tiểu sử riêng rõ nét. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thế giữa lòng thế giới với
lịch sử chung nhân loại rõ ràng. Đó là sự nhập cuộc.
Ngài đã cùng với những người thành tâm
thiện chí phấn đấu đẩy lùi những gì là xấu xa và phát huy những gì là tốt đẹp,
xứng với phẩm giá con người.
Như thế, con người chính là đối tượng của
mầu nhiệm giáng sinh, chính vì mỗi người chúng ta mà Ngài đã đến, đến để giúp
chúng ta tìm được hạnh phúc ở đời này và đời sau. Hơn thế nữa, cũng chính vì
con người mà Ngài đã đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, để cứu chuộc
chúng ta, tha thứ cho chúng ta, trả lại cho chúng ta địa vị làm con cái Chúa,
đã mất đi vì tội lỗi và cho chúng ta được thừa hưởng phần sản nghiệp Nước Trời.
Đêm nay, Chúa Giêsu đến ở luôn nơi chúng
ta. Ngài tự mời để trở nên thành phần cuộc sống của tôi và Ngài chờ mong nhận
được những sự chăm sóc, quan tâm, tình thương. Ngài cũng chờ mong ta để Ngài lớn
lên, phát triển. Các bạn thấy không, xúc động khi tiếp đón “bé Giêsu” có ích gì
nếu ta không để chỗ cho Ngài lớn lên, phát triển đến nỗi chiếm cả cuộc đời của
chúng ta, tới độ Ngài trở thành Chủ của chúng ta như một bài ca cổ xưa đã nói:
“Thầy chí thánh của chúng ta vừa mới sinh ra cho chúng ta”.
Vì ta phải ý thức: chấp nhận Thiên Chúa
đến viếng thăm tức là chúng ta phải dấn thân vào những nẻo đường đầy yêu sách.
Ngay đêm nay, điều đó muốn nói rằng đối với người này hay người khác trong
chúng ta phải quên đi một cuộc tranh chấp và tăng thêm thiện chí. Phải đi một
hay hai bước thêm nữa.
Việc Thiên Chúa đến viếng thăm cũng mang
lại cho chúng ta một sự ngạc nhiên rất lớn nữa. Quả thật, Ngài không đến một
mình, Ngài kéo theo một đám người không mấy danh giá. Một câu hỏi vang lên đặc
biệt mạnh trong đem Giáng Sinh này: “Nhưng lạy Ngài có khi nào chúng tôi đã
nuôi nấng, đón tiếp, viếng thăm Ngài đâu? Có khi nào chúng tôi đã không làm điều
đó?”. Anh chị em đã biết rõ câu trả lời rồi. Khi ta để Chúa Giêsu lớn lên, Ngài
thực sự mang gương mặt của những người đàn ông đàn bà của ngày hôm nay, và rất
thường là những gương mặt của những người nghèo nhất và xấu số nhất.
Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài
Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên
Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng
tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan
đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh
sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của
Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy
giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.
Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho
đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng
con người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến
viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến
viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ
rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá
nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu
may mắn ở quanh ta.
Lm. Anmai,
CSsR
- Kết thúc án phong chân phước cho Chiara Corbella – Người mẹ hoãn điều trị ung thư để cứu sống con
- Đức tin vào Thiên Chúa của nhà khoa học trẻ Karin Oberg
- Tín hữu Hoa Kỳ được kêu gọi đóng góp cho cuộc lạc quyên ủng hộ Thánh Địa
- Tín hữu Trung Quốc gia tăng hoạt động bác ái khi chuẩn bị lễ Giáng sinh
- Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022: Đúc kết thuyết trình và thảo luận ngày thứ II