|
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Gioan –
người môn đệ được Đức Giêsu thương mến không viết về Thầy Giêsu như một nhà viết
sử thuần túy. Ngài tuyên bố rất rõ ràng mục đích ngài viết sách Tin Mừng Thứ Tư
là để cho mọi người tin vào Đức Kitô; và vì tin, họ đạt được cuộc sống đời đời”
(Ga 20,31). Lời Chúa trong ngày kính thánh Gioan Tông Đồ cho chúng ta thấy rõ tại
sao ngài làm chứng cho Đức Kitô. Ngài hiến dâng sự sống của mình để hiệp thông
với con người và để con người được hiệp thông với Thiên Chúa.
Ta thấy thánh Gioan khẳng định rất rõ
ràng “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã
chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” Trong lời chứng
này, thánh Gioan dùng một loạt các động từ: nghe, thấy, chiêm ngưỡng, chạm tới,
để làm chứng cho Đức Kitô.
Đó là tất cả kinh nghiệm đức tin mà
thánh nhân đã lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo Hội chứ không phải do nỗ lực khôn
ngoan của con người. Chúa Giêsu hằng sống không vì ích lợi riêng tư cá nhân
nhưng vì sự hiệp hiệp thông của con người với nhau và hiệp thông với Thiên
Chúa. Nhờ đó mà niềm vui được trọn vẹn. Như thế, theo thánh Gioan niềm vui là
điều cốt tủy của Tin Mừng cần được rao giảng. Nếu người loan báo chỉ mang tin
buồn và gây thất vọng cho người nghe, đó không phải là Tin Mừng của Đức Kitô.
Dĩ nhiên, nhiều khi người loan báo phải đánh thức lương tâm khán giả để thúc đẩy
họ tới việc ăn năn hối cải; nhưng một khi họ đã thú nhận tội lỗi, họ phải cảm
thấy niềm vui vì tội được tha và họ được giao hòa với Thiên Chúa.
Trong Trình thuật Tin Mừng, thánh Gioan
kể lại biến cố vào sáng ngày Phục Sinh: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc
trời còn tối, bà Maria Magdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà
liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói:
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở
đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy, nhưng
môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” Hành động của hai môn đệ làm chúng
ta tự hỏi: Tại sao người môn đệ này lại để cho Phêrô vào trước?
Có lẽ bởi vì Phêrô là người lãnh đạo các
Tông đồ. Hành động của người môn đệ, tuy tới trước nhưng không vào, nói lên sự
tôn trọng quyền bính của ông. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính yếu mà
thánh nhân đề cập. Mục đích thánh nhân đề cập đến chi tiết này có lẽ là Ngài muốn
nêu bật lên hành động Tin của người môn đệ vào Đức Kitô đã sống lại. Hơn nữa,
tác giả cũng muốn gởi tới độc giả một lời khuyên nhủ: người nào yêu mến Đức
Kitô nhiều bao nhiêu dễ chạy nhanh hơn và nhận ra Ngài dễ hơn (Ga 21, 7).
Ta thấy hình ảnh vị tông đồ được Chúa
Giê-su thương mến – tông đồ Gioan – đầy tình yêu, sự nhanh nhẹn, năng nổ và nhiệt
huyết. Những yếu tố đó đã khiến cho vị tông đồ trẻ khi nghe nói: “Người ta đã lấy
mất xác thầy!” thì liền tức tốc cùng với tông đồ trưởng chạy ra mộ. Tuy nhiên,
vị tông đồ trẻ cũng thật dễ thương trong thái độ khiêm tốn, biết kính trọng
cương vị của tông đồ trưởng Phê-rô nên cho dù chạy tới trước, ngài vẫn biết
khép mình để cho huynh trưởng bước vào rồi mới vào theo sau.
Tình yêu và sự sống là ân ban của Thiên
Chúa, là dấu chỉ, là tiếng nói của Đấng phục sinh; là lời mời gọi của Thiên
Chúa – Ngài muốn con người được sống hạnh phúc và sung mãn. Tin – Yêu là tương
quan hai chiều. Tôi có sống niềm tin vào Thiên Chúa trong việc thể hiện tình
yêu của tôi đối với Người và với anh em đồng loại? Nhìn vào hang đá Be-lem,
chúng ta nhìn thấy sự sống động của mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể. Thiên Chúa
không xa vời, nhưng Người hiện hữu, khóc, nói, cười và chung chia kiếp sống con
người. Người đã chết, đã phục sinh và trở nên nguồn hy vọng cho con người.
Ngôi Lời Thiên Chúa – Chúa Giêsu Ki-tô đã làm người và trở nên mẫu mực cho
đời sống con người trong tình yêu phục vụ không ngơi nghỉ, đầy lòng khoan dung,
nhân hậu và xót thương. Ngài làm người để nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên
Chúa. Ngài đã trải qua kiếp sống con người, chịu chống đối, bách hại, khổ đau
trong việc rao truyền và bảo vệ sự tinh ròng của ánh sáng chân lý Chúa. Ngài chết
và đã phục sinh bởi vì Ngài là nguồn mạch sự sống của mọi sinh linh, mọi thọ tạo
mà Thiên Chúa Cha đã đặt dưới chân Ngài.
Mừng mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được
mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm Phục sinh, và được mời gọi dâng hiến tình yêu cho
Thiên Chúa. Như tông đồ Gioan, mỗi người chúng ta cần thiết lập mối tương quan
thân tình với Đức Giê-su Ki-tô – Đấng hằng yêu thương chúng ta. Người yêu
thương chúng ta trước và mời gọi chúng ta đáp lại bằng cuộc sống đức tin trong
việc thực thi lời Người truyền dạy. Mỗi người chúng ta cần phải thấm nhuần Lời
Chúa để có được sự tinh tế, nhạy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến
cố của đời sống; để mỗi ngày chúng ta biết sống quảng đại hơn, yêu thương nhiều
hơn, kiên nhẫn, thứ tha, chia sẻ và phục vụ cách vô vị lợi.
Với tất cả tâm tình, qua trang tin Mừng
hôm nay, chúng ta cần ý thức hơn bổn phận làm chứng cho Đức Kitô qua việc rao
giảng Tin Mừng và bằng cuộc sống chứng nhân. Mục đích của việc làm chứng là để
cảm thông với con người và dẫn họ tới niềm tin vào Đức Kitô. Để lời rao giảng
có hiệu quả, chúng ta cần có một niềm tin mạnh mẽ.
Lm. Anmai, CSsR