(Suy niệm Lời Chúa ngày thứ 6 sau CN 24 TNB)

Chúng
ta vừa được lắng nghe 2 bài đọc (1 Tm 6, 2c-12; Lc 8, 1-3) và chúng ta có thể
rút ra một số điểm gợi ý để suy niệm sau đây.

Đức
Giê-su, gương mẫu trong sứ vụ loan báo Tin mừng

Như
chúng ta biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở
cùng chúng ta, Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài đến trần
gian để rao giảng và loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người hầu mọi
người được hưởng ơn cứu độ. Vì mục đích đó, nên Đức Giê-su không ngừng rao giảng
khắp hang cùng ngõ hẻm, qua các thành phố, làng mạc để muôn người đón nhận được
ân sủng của Thiên Chúa khi họ được giải thoát khỏi quỷ, khỏi bệnh hoạn tật nguyền,
khỏi mọi ô uế,,..Trong thời gian giảng dạy và thi ân giáng phúc, Đức Giê-su đã
kêu gọi được nhiều người đi theo Người, cụ thể trong bài Tin mừng hôm nay, có
Nhóm Mười Hai và các người phụ nữ. Quả thật, trong một xã hội, người phụ nữ bị
loại trừ, bị phân biệt, bị khinh miệt, thì Đức Giê-su đã đến để nối kết, để tôn
trọng và giải thoát tất cả mọi người. Từ quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’ nay nhờ
Đức Giê-su, người phụ nữ đã được trở nên bình đẳng với nam giới, họ cũng được gặp
gỡ, được đón nhận các ân huệ như bao người khác.

Cộng
tác vào sứ vụ loan báo Tin mừng,

Sau khi
được trừ khỏi quỷ và bệnh tật, cũng như được Đức Giê-su thu hút bằng lời giảng
dạy và việc làm, các người phụ nữ khi chỉ đi theo Người mà các bà đã góp của cải
để giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (c.3). Việc rao giảng và loan báo Tin mừng
không chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng tất cả mọi người đều có
trách nhiệm bổn phận để giới thiệu Đức Giê-su và làm cho Nước Cha trị đến ở khắp
mọi nơi bằng mọi phương cách. Tất cả mọi người đều phải ý thức bổn phận của
mình để cộng tác, góp phần thu nhập của mình cho công cuộc loan báo Tin mừng của
Giáo hội.

Những yếu
tố cần để cộng tác vào công cuộc loan báo Tin mừng,

Nơi bài
đọc I, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Ti-mô-thê 3 điều cần thiết cho sứ vụ loan báo
Tin mừng. Điểm thứ nhất, thánh nhân nhắn nhủ rằng cần phải rao giảng một giáo
lý đích thực, lành mạnh, phù hợp với đạo thánh. Người loan báo Tin mừng cần thận
trọng trong việc rao giảng của mình là rao giảng Lời của Đức Giê-su chứ không lời
người phàm. Lời đó có sức cứu độ con người. Chúng ta cần mạnh mẽ lên tiếng lúc
thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện miễn sao Tin mừng được lan toả cho mọi
người. Điểm thứ hai, thánh Phaolô nói với Ti-mô-thê: nếu muốn trở nên người trở
nên người loan báo Tin mừng có hiệu quả, chúng ta phải sống thật đơn giản chứ đừng
tham lam và đam mê tiền bạc. Với lối sống đơn giản, bình dị, dễ mến, gần gũi sẽ
giúp người loan báo Tin mừng dễ dàng đón nhận, gặp gỡ và đến với tất cả mọi người,
nhất là những người nghèo, khổ đau và bệnh tật. Thánh Phaolô khuyên răn Ti-mô-thê
rằng đừng tham lam của cải vì cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền
bạc, vi buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy
bao nỗi đớn đau xâu xé (1 Tm 6, 10).  Điểm
thứ ba, thánh Phao lô mời gọi các người loan báo Tin mừng “hãy gắng trở nên người
công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền
hoà.” Đây là những điều cần thiết cho người loan báo Tin mừng. Người loan báo
Tin mừng chưa thực hành những điều đó thì làm sao có thể rao giảng và sẻ chia
cho tha nhân được.

Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì mỗi ngày chúng con được no say tình Ngài ngang
qua việc đón nhận tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con tăng thêm
sức mạnh, đủ niềm tin và lửa mến để chúng con can đảm ra đi loan báo Tin mừng
cho tất cả mọi người bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Amen.

Linh mục
Phaolô Phạm Trọng Phương

thu6.jpg