|
Mỗi con người sinh ra trong lịch sử là
câu chuyện lịch sử về một con người bắt đầu. Và mỗi con người đều có một chương
trình của Thiên Chúa dành cho mình trong cuộc đời. Chương trình ấy được hướng dẫn
bởi một tình yêu vô biên trong mối tương quan cá vị đối với con người, để dẫn dắt
con người tìm về nguồn hạnh phúc đích thực. Tin mừng hôm nay kể lại câu chuyện
về nguồn gốc của một con người – Con Thiên Chúa – Đấng đã đi vào lịch sử loài
người để ở với, đồng hành với và Cứu độ con người – Con Người ấy – Chúa Giêsu
Ki-tô Đấng cứu độ chúng ta.
“Gốc” là cội rễ, là nguồn sống. Ông bà
xưa có lời dạy: “diệt cỏ phải diệt tận gốc”. Nên mất gốc thì không thể tồn tại.
“Gốc” là nơi nương tựa. Trong cuộc sống,
nhất là đường tiến thân trong sự nghiệp, công danh, ta thường nghe nói: “ ông
này, bà kia…có gốc lớn lắm”, điều ấy hiểu rằng họ có thể đứng vững trước những
thử thách phong ba, bão tố…
“Gốc” là niềm tự hào của con người. Là
danh dự, là phẩm giá thiêng liêng phải giữ gìn và bảo vệ, như giống nòi, dòng tộc…Ai
chối từ những điều ấy, người ta thường phê phán là “đồ mất gốc”.
“Gốc” còn là ngọn nguồn, nguồn gốc. Nên
để hiểu rõ một sự việc, một vấn đề, cần phải biết nguồn gốc phát sinh, căn
nguyên của sự việc. “phải lần tìm gốc rễ của sự việc”
Vì thế, để đặt niềm tin vào một người,
ta cần phải biết gốc tích của người đó. Không ai có thể tin tưởng một người mà
không hề biết gì về gốc gác người đó, những gì họ làm, và họ làm với mục đích
Chúa Giêsu Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trần gian do quyền năng Chúa Thánh Thần.
Cha mẹ của Người: Đức Maria một cô thôn nữ đơn sơ, nhỏ bé, bình dị đã thành hôn
với ông Giuse thuộc dòng tộc Đa-vít (cc. 18. 20b). Ông là người công chính,
luôn mau mắn vâng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa (cc. 19. 24).
Sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể là để “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (c.
21b). Con Thiên Chúa làm người, đi vào lịch sử loài người, Ngài không chọn một
gia đình cao sang quyền quí làm nơi xuất thân nhưng là một mái ấm gia đình đơn
nghèo đạm bạc để làm nên trang sử gia đình thánh và viết lên trang sử đời Người.
Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Với sứ mạng Thiên sai, Ngài đến để rao
giảng Tin mừng tình thương cứu độ. Ngài gần gũi, quan tâm, săn sóc những người
nghèo khổ, lầm than vất vưởng, bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị gạt ra bên lề
xã hội. Và điều quan trọng là Người đến để cứu vớt, giải phóng con người khỏi
nô lệ, xích xiềng tội lỗi, cho họ được tự do và làm con Thiên Chúa, được chung
hưởng hạnh phúc nước trời.
Chúa Giêsu xuất thân từ dòng dõi mà gia
phả về Ngài đã có ghi lại trong Kinh Thánh.
“Đây là gia phả Chúa Giêsu Ki-tô, con
cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham…” (Mt.1,1-17).
Trong đó, phần cuối của gia phả Chúa
Giêsu Ki-tô đã kết luận: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng bà Maria, bà là mẹ Chúa
Giêsu cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mt.1,16).
Nhưng, vấn đề là ở chỗ bà Maria mang
thai bé Giê-su không phải do chung sống với Giu-se, chồng bà, mà do “quyền năng
của Chúa Thánh Thần”.
Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông
Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng
Chúa Thánh Thần. (Mt.1, 18).
Vậy, Chúa Giêsu từ đâu đến ?
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ
một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
(Mt.1, 23).
Giu-se, trong một cú “sốc” bất ngờ vì
“trước khi hai ông bà về chung sống, bà Maria đã có thai”, nhờ sứ thần Thiên
Chúa, đã kịp nhận ra chương trình của Thiên Chúa, và ông đã “tin” vào Mầu Nhiệm
Ngôi Hai Nhập Thể.
Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và
đón vợ về nhà. (Mt.1, 24).
Vậy, gốc tích Cha Giêsu, là Ngài đến từ
trời. Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đích thực là Thiên Chúa xuống thế làm người
và ở cùng nhân loại.
Chúa Giêsu nói với Ni-cô-đi-mô: Thật,
tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng
về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng
tôi. (12) Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không
tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông
tin được (13) Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống.
(Ga.3, 11-13).
Suy gẫm Tin mừng hôm nay, chúng ta duyệt
xét lại cuộc đời mình – chúng ta đã và đang viết những trang sử riêng của đời
ta như thế nào? Chúng ta đã được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, được giải
thoát khỏi gông cùm xích xiềng tội lỗi – chúng ta đã sống đáp lại tình thương của
Chúa như thế nào? Một cuộc sống công chính luôn sẵn sàng vâng nghe và thực thi
thánh ý của Thiên Chúa, thực thi lời dạy
của Chúa Giêsu Kitô trong Tin mừng để được hạnh phúc đời đời hay chúng ta đã
đánh mất niềm hy vọng và rời xa niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng cứu độ chúng ta.
Mùa vọng là mùa giúp Kitô hữu chúng ta sống
lại niềm chờ mong ngóng đợi Đấng Thiên sai; là mùa hướng chúng ta đến một niềm
hy vọng mới của một trang sử mới tràn ngập niềm vui vì sự ra đời của con Thiên
Chúa – Đấng Cứu độ. Người đã đến cách đây hơn hai ngàn năm và Người vẫn còn
đang đến trong từng cuộc đời. Người là niềm hy vọng của mỗi con người chúng ta,
là Tin mừng cho chúng ta, và cũng là Tin mừng chúng ta cần phải loan báo cho
anh em mình, những người còn xa lạ với Thiên Chúa.
Như những tôi tớ trung thành, người con
hiếu thảo, mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta cũng viết lên trang sử cuộc đời mình
bằng cách sống vâng nghe và tuân giữ lệnh Chúa truyền, sống tràn đầy niềm vui
và hy vọng, sống yêu thương và phục vụ trong tin yêu, phó thác để làm nên một
gia đình gương mẫu như thánh gia xưa hầu có thể trở thành chứng tá Tin mừng cứu
độ trong cuộc sống.
Có như thế, mỗi năm khi kỷ niệm mừng con
Chúa ra đời là mỗi lần lòng chúng ta được tràn ngập niềm vui sướng và biết ơn
Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và vẫn còn yêu thương ta mãi mãi trong cuộc đời.
Đấng đã làm nên lịch sử và luôn dẫn dắt quan phòng để lịch sử ấy hướng về cùng
đích là chính Người. Xin Thiên Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta và giúp
chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón mừng đại lễ kỷ niệm ngày con Thiên
Chúa giáng trần.
Lm. Anmai, CSsR