|
Anrê, tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can
đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh
nhân là con của Gioana. Như anh mình là Phêrô, Ngài làm người đánh cá và tài sản
không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người nghèo được
Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ
biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth.
Một số bản văn ngụy thư nói rằng: Ngài
đã góp phần Phúc Âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt
bên bờ Hắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng
vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, ngài ăn chay 5 ngày.
Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn
vui mừng nói: “Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, vì được
chết giống Thầy Chí Thánh của tôi”. Viên tổng trấn nổi giận truyền đem treo
ngài lên thập giá cho chết.
Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên
đó, thánh nhân hớn hở chào kính và nói: “Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy
lâu ta mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí Thánh là
Đấng đã dùng ngươi mà cứu chuộc ta”. Dịu dàng, Anrê giang tay ra, ngài bị cột bằng
dây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt kéo dài hai ngày và người ta còn nghe
ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh ngài
với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo dây cho ngài. Họ nói: “Hãy trả
con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, ngài không ngừng nói
những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quý của Thiên Chúa”.
Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống
khốn cực trần gian này, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi Thầy
con yêu, con biết con ước ao được gặp Thầy, trong Thầy mà con được thế này. Hãy
nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô”. Và những người tham dự thấy linh hồn vị
tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.
Tương truyền rằng việc thánh Anrê đã bị
cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV, người ta mới tưởng
tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá
thánh Anrê.
Truyền thống cho biết rằng Thánh Anrê tử
đạo tại Patras (Hy Lạp) bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá hình chữ X, quen
gọi là “Thập Giá Thánh Anrê”. Còn người em là Thánh Phêrô thì xin được đóng
đinh ngược vì cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy Giêsu.
Như chúng ta thấy, ở đây là tinh thần
Kitô giáo rất sâu sắc, không coi Thập Giá là cực hình nhục nhã mà là phương tiện
đến với Đấng Cứu Độ, để hạt lúa mì nảy sinh. Bài học quan trọng: Thập giá của
cuộc đời chúng ta sẽ đạt được giá trị nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận đó là một
phần của Thập Giá Đức Kitô, và coi đó là Ánh Sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên chúng
ta.
Thánh Anrê là mẫu gương người công chính
mới này. Quả vậy, Anrê nghe theo lời giới thiệu của Thầy mình là thánh Gioan Tẩy
giả đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1, 29-35). Trong cuộc gặp gỡ này, ngài đã tin nhận
Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Nhờ niềm tin này mà ngài đã bỏ mọi sự để đi theo
Chúa và làm tông đồ của Chúa trong nhóm Mười Hai (Ga 1, 35-42).
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu gọi
bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ, trong đó có thánh Anrê chúng ta mừng kính hôm
nay. Người gọi các ông ngay trên đường đi dọc theo biển hồ, khi họ đang quăng
chài, vá lưới. Lời mời gọi thật giản đơn, với tương lai được đổi nghề lưới cá
thành “lưới người”. Các ông đáp lại thật mau mắn và ngay tức khắc. Họ sẵn sàng
bỏ lại nghề đang gắn bó, bỏ lại cha để đi theo Người.
Chúa Giêsu chọn và gọi các ông là những
kẻ làm nghề lưới cá. Người vẫn muốn họ dùng chính kinh nghiệm lưới cá của mình
để quăng những mẻ lưới mới như Thiên Chúa muốn. Mẻ lưới tình thương, mẻ lưới cứu
độ. Người gọi các ông đi theo và ở với Người, ở bên Người, cùng ăn uống ngủ nghỉ,
được nghe Người giảng dạy mỗi ngày, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ nhãn tiền.
Người còn đưa các ông vào cuộc tử nạn để các ông “thấy” mọi gian nan thử thách
cho đến khi Thầy sống lại. Các ông được “tắm rửa” trong Máu Con Chiên và trở
nên con người mới can đảm, khác hẳn con người cũ trước kia.
Ngày hôm nay chúng con không được Chúa gọi
trực tiếp như các môn đệ xưa, nhưng là gián tiếp qua trung gian người khác và
trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, dù chúng con là ai hay làm nghề nghiệp gì. Khi
Người gọi các môn đệ không phải để các ông tự xoay xở làm lấy, mà chính Người,
“tôi sẽ làm cho các ông”. Chúng con hôm nay thường bị cám dỗ tự lo cho mình,
trang bị kiến thức, xếp đặt chương trình… trước không để Chúa lo, nên nhìn
vào khả năng riêng thấy sợ mà chối.
Nhưng nếu chúng con mau mắn đáp lời mời
gọi, đến “ở với Người và trong Người”. Một khi có Chúa ở cùng, chúng con được hạnh
phúc sung mãn, được nếm cảm Nước Trời ngay tại thế. Niềm vui hoan lạc Nước Trời
tỏa ra nơi những chứng nhân, nên hấp dẫn và thu hút được nhiều người khác. Như
thế Chúa cũng làm cho chúng con trở thành những kẻ “lưới người” như các môn đệ.
Đặt Tin Mừng này trong ngày lễ mừng kính
thánh Anrê tông đồ, phụng vụ muốn chúng ta nhận thức rằng: “Thánh Anrê là một
trong nhóm Mười Hai tông đồ của Chúa, ngài đã nghe nói, được giới thiệu về Chúa
Giêsu là Đấng Cứu thế, nên ngài đã hoàn toàn dấn thân và dâng trọn cuộc đời cho
Chúa trong đời sống và sứ vụ Tông đồ”.
Thánh Anrê quả là vị Tông đồ giàu tình bạn
và ngài đã quảng đại và vị tha chia sẻ Chúa Giêsu cho người khác, chứng tỏ Anrê
là người khiêm nhường, người làm công cho kẻ khác, là người ẩn mình để kẻ khác
lớn lên, là người giữ vai phụ cho người khác và ông sẵn sàng bị quên lãng.
Trong cánh đồng truyền giáo để mở rộng Nước Chúa, Chúa Giêsu cần những người
như Anrê. Bạn có sẵn lòng làm công việc như Anrê để rao giảng Tin Mừng không ?
Qua con người và công việc của thánh
Anrê, chúng ta cảm nhận rằng Chúa cần những người giàu tình bạn chân thành. Những
người tuy tài năng chỉ “một nén” nhưng sống làm chứng và ra đi kể lại câu chuyện
“Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”.
Những cuộc gặp gỡ nhau để chia sẻ kinh
nghiệm sống Lời Chúa, những hoạt động Tông đồ truyền giáo khắp nơi đang diễn ra
trên thế giới… phải chăng là những công việc của thánh Anrê mà chúng ta mừng
kính hôm nay ?
Ước gì lời chúng ta tung hô trong mỗi
thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống
lại cho tới khi Chúa đến” được thực hiện nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta
theo tinh thần của thánh Anrê: vị Tông đồ giàu tình bạn.
Huệ Minh