10 05 X CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN. Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30 (hoặc Mc 10,17-27).

Mc_10_17-30.jpg

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta
phải lựa chọn và chọn lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn
luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Hãy nhớ lại Lời Chúa đã phán :”Không ai có
thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với
chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi
tiền của được”(Mt 6,24).

Hãy bán tất cả những gì anh có mà cho
người nghèo anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.

Đó là đòi hỏi Chúa Giêsu đã đưa ra cho
chàng thanh niên giàu có, sau khi biết chàng đã tuân giữ những giới luật từ thuở
còn nhỏ. Đó là điều anh ta phải làm để được sống đời đời. Và đó cũng là điều
anh ta còn thiếu. Đòi hỏi của Chúa Giêsu là một đòi hỏi đặc biệt dành riêng cho
cá nhân anh ta. Đòi hỏi ấy đụng tới con người anh ta thật sâu, bởi vì nó đụng tới
sự an toàn, chỗ dựa và lòng gắn bó của anh ta đối với của cải.

Dĩ nhiên Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi
người phải bán tất cả của cải để rồi tay trắng mà bước theo Ngài. Ladarô, bạn
thân của Ngài vẫn sống cuộc đời bình thường bên hai bà chị là Martha và Maria.
Giakêu đã tự nguyện cho người nghèo phân nửa tài sản, chứ không do đòi hỏi của
Chúa Giêsu.

Vậy hẳn Ngài phải có lý do khi đưa ra một
đòi hỏi quyết liệt như thế đối với chàng thanh niên. Ngài thấy anh có nhiều mặt
tốt, nhưng Ngài cũng thấy anh bị trói buộc, bị cản trở, bị mất tự do bởi một điều,
đó là sản nghiệp của anh. Ngài thấy rõ kho tàng dưới đất thực sự là một mối
nguy hiểm cho anh, khiến anh có thể vuột mất kho tàng trên trời. Tình trạng hiện
nay của anh chưa có gì đáng ngại, nhưng đam mê cứ lớn thêm mãi với thời gian.

Trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh đã
buồn sầu cúi mặt và bỏ đi. Phải chăng sự buồn sầu của anh bắt nguồn từ việc anh
thấy mình không đủ quảng đại và liều lĩnh để đáp lại một lời mời gọi tốt đẹp
như vậy. Một mặt anh bị hấp dẫn bởi lời đề nghị của Chúa Giêsu mà anh biết đó
là con đường tốt nhất để đạt đến ước mơ của anh. Mặt khác anh lại quá gắn bó với
của cải trần gian đến nỗi không thể rời bỏ chúng dễ dàng.

Có lẽ lòng yêu mến sự sống đời đời nơi
anh chưa đủ mạnh để anh dám hy sinh điều cần phải hy sinh. Anh đã chọn điều anh
yêu hơn, nhưng chọn lựa đó đưa anh vào nỗi ray rứt buồn phiền. Không phải anh sở
hữu của cải, nhưng của cải đã sở hữu anh. Anh không có được niềm vui của
Giakêu, niềm vui của người bắt đầu được siêu thoát với tiền của. Anh cũng chẳng
có được niềm vui của người thương gia đi tìm ngọc quý. Bởi vì Nước Trời đáng
cho chúng ta hy sinh tất cả.

Ai nhận ra được giá trị cao quý của Nước
Trời, và sống theo tinh thần đó, thì giống như những người được nhắc trong dụ
ngôn kho báu và viên ngọc quý ở Mt 13, 44-46: “Nước Trời giống như chuyện kho
báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi
vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại
cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.Tìm được một viên ngọc
quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Và người đó đang bắt chước Đức Kitô, Đấng“vốn
dĩ là Thiên Chúamà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8).

Chúa Giêsu mời gọi người đàn ông giàu có
trong Phúc Âm làm một chọn lựa. Chúa Giêsu đã yêu cầu anh ta bán tất cả những
gì mình có mà bố thí cho người nghèo khó và đi theo Người. Người giàu có đã làm
một quyết định sai. Ông ta đã quá dính bén đến của cải khiến ông ta không thể từ
bỏ. Của cải của ông ta thì giống như một dãy núi, tách riêng ông ta với Chúa
Giêsu. Ông ta thấy chướng ngại đó quá lớn và không thể vượt qua. Chúng ta cũng
không biết điều gì xảy ra cho ông ta. Có thể dần dần ông ta tìm thấy một con đường
đi vòng để theo Chúa Giêsu nhưng để trở thành môn đệ, ông đã bỏ lỡ cơ hội đầu
tiên.

Một số người nam và người nữ qua lịch sử
của Giáo Hội đã đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu theo cách trên đây. Họ
đã thật sự từ bỏ tất cả mọi của cải, vật chất để bước theo một đời sống ẩn tu
hay tu sĩ hoặc là những nữ tu. Hầu hết mọi người chúng ta thì không nồng nhiệt
cho lắm theo gương của họ, sự thật là Giáo Hội và xã hội sẽ không hiện hữu nếu
tất cả mọi người chúng ta đều làm như thế. Không phải mọi người trong Giáo Hội
đều có cùng một ơn gọi hoặc cùng một lời kêu gọi như nhau, và chúng ta không thể
đơn giản giảm nhẹ lời mời gọi của Chúa Giêsu như là không liên quan hoặc là một
điều không thể

Những gì các môn đệ bỏ lại đàng sau đều
là những con người gần gũi, và những nhu cầu rất cần thiết cho đời sống thường
ngày. Đó là nhà cửa, là gia đình… Nhưng đâu phải vậy mà các ông phải sống vất
vưởng nơi đầu đường xó chợ. Cuộc đời của các ông giờ đây là cuộc đời của Đức
Kitô, một cuộc đời của người gieo giống đem hạt giống Tin Mừng rải khắp mọi
nơi, một cuộc đời đến với những anh chị em nghèo khổ, là cuộc đời luôn cất lời
để rao giảng về Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng cứu độ tất cả mọi người. Chính
trong sứ vụ cao quý này, mà các ông đã nhận lại được biết bao nhiêu.

Vâng, lời nói của Giêsu: “ngay bây giờ”
là lời nói rất đúng. Nếu ngồi chiêm ngắm cuộc đời của những người chân tu theo
Chúa thực sự, và sống hoàn toàn cho Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra ngay ở đời
này họ đã nhận được biết bao nhiêu là nhà cửa, là ruộng đất. Rồi cả cha mẹ, lẫn
anh chị em, con cái nữa. Mà tất cả lại là “gấp trăm” nữa chứ! Cái “gấp trăm”
này tương hợp với con số tăng trưởng 30, 60 và 100 của dụ ngôn người gieo giống
(Mc 4, 1-20)

Huệ Minh