26 21 X Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên. (Rm 8,18-25; Lc 13,18-21.)

nuoc-troi.jpg

Khi giảng dạy cho dân chúng về Nước Trời,
Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, những kiểu so sánh, cách nói ẩn dụ với những
hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của họ. Qua hai dụ ngôn về hạt cải
và men trong bột, thánh Luca muốn trình bày cho chúng ta về sức mạnh lan tràn của
Nước Thiên Chúa và khả năng làm biến đổi của Lời Thiên Chúa.

Quả vậy, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện
một hạt cải người nọ lấy gieo vào trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây,
chim trời làm tổ trên cành được”. Cải ở vùng Thánh Địa là một loại cây, tuy có
hạt rất nhỏ nhưng khi gieo vào đất tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê,
chim trời đến cư ngụ và làm tổ. Điều này muốn diễn tả, Nước Thiên Chúa là một
“sự lớn dần”, là một cái gì “mọc lên” … Đó là một sự phát
triển không thể cầm giữ nỗi, người ta không thể cản ngăn, vì đó chính là sức mạnh
của sự sống.

Cũng vậy, “Nước Thiên Chúa giống như
chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.
Men dùng để dậy bột làm bánh là một dẫn chứng rất thân thuộc và bình dị đối với
mỗi gia đình người Do Thái. Chỉ cần một chút men được trộn vào bột và một khi bột
đã ngấm men (dậy men), thì cả khối bột sẽ trương nở ra rất nhiều. Thực vậy, Tin
Mừng nước Thiên Chúa một khi đã len lõi được vào tâm hồn con người và được rao
giảng đến đâu là ở đó lòng người được biến đổi.

Chúa Giêsu đã lấy một vài vật bình dị,
điển hình trong cuộc sống làm ví dụ như hạt cải, nắm men để nói về sức mạnh và
sự phát triển của nước trời. Như hạt cải là tinh hoa mầm sống của cây cải, nó
chỉ như hạt tấm nhỏ nhưng lại có khả năng phát triển thành cây cải cao lớn (cây
cải ở Palestine không phải như cây rau cải bé nhỏ bình thường ở Việt Nam, nó có
thể cao tới 3m) làm nơi ẩn náu cho chim trời; hay như nắm bột men nhỏ người đàn
bà vùi vào ba đấu bột – men ở trong bột thì người ta không thể nhìn thấy nó,
nhưng nó lại có khả năng làm cho cả khối bột dậy men; thì nước Thiên Chúa cũng
thế, ban đầu rất nhỏ bé nhưng vẫn âm thầm phát triển lớn mạnh và sự hiện diện của
nước Thiên Chúa có khả năng làm biến đổi thế giới. Như hạt là tinh hoa của cây,
tinh hoa của nước Thiên Chúa chính là tình yêu.

Ngôi Lời như hạt giống tình yêu được gieo
vào lòng thế giới. Và Lời tình yêu đó vẫn tiếp tục được rao truyền và vang xa
mãi đến tận cùng trái đất. Chúa Giê-su Ngôi Lời nhập thể đã chẳng nói chính Người
là nước trời đó sao (Mt 12, 28; Lc 11,20) Nước của Người là nước Tình yêu. Những
biểu hiện của tình yêu thường rất tinh tế, nhạy bén qua sự hy sinh, xả thân,
khiêm nhu, chịu lụy, khoan dung…. Người ta có thể rất mạnh mẽ ở những lãnh vực
nào đó nhưng lại rất mềm yếu trong Tình yêu. Một viên tướng có thể thét ra lửa
trước mặt binh sĩ, nhưng lại trở nên mềm mại yếu đuối trước người yêu – một nữ
nhân vạn lần yếu đuối hơn ông ta.

Tuy nhiên tình yêu có sức mạnh mãnh liệt
như sách Diễm ca có nói: “Nước lũ không thể dập tắt tình yêu, sóng cồn chẳng
tài nào vùi lấp” (Dc 8,7). Chính vì thế mà Đức Giê-su Ki-tô – tình yêu nhập thế
đã cam chịu chết vì yêu. Trước mặt người đời Người có thể bị coi là điên dại,
là yếu đuối, là thất bại, nhưng kỳ thực Người đã chiến thắng sức mạnh của hỏa
ngục là hận thù và sự chết để đưa con người tới sự sống bất diệt; nước tình yêu
của Người vẫn kiên cường đứng vững và phát triển qua bao sóng gió, bão táp của
kẻ thù bách hại và tồn tại đến thiên thu vạn đại.

Trong kinh lạy cha, người Ki-tô qua bao
thế hệ vẫn nguyện cầu cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời”; và trong cuộc sống người Ki-tô hữu vẫn luôn được
mời gọi sống điều mình nguyện xin, trở nên cánh tay nối dài của Lời tình yêu
qua việc sống đúng bản chất của mình – thực hiện những hành vi yêu thương từng
ngày; có thể là những hành vi rất âm thầm, khiêm nhu và nhỏ bé nhưng lại có sức
biến đổi con người, biến đổi môi trường như “nắm men vùi trong bột làm cho tất
cả khối bột dậy men.” Trên bình diện khác, người ta thường nói đến sức mạnh của
sự đồng tâm, hiệp lực, và tình yêu chính là nội lực mạnh mẽ nhất của sức mạnh
đó. Có tình yêu là có sự đồng tâm; Có tình yêu là có sự hiệp nhất – một sự hiệp
nhất trong đa dạng, chân chính và phong phú có khả năng làm nên muôn việc diệu
kỳ.

Tình yêu đã khiến cho một Tê-rê-sa Hài đồng
Giê-su bé nhỏ, âm thầm nơi nhà kín trở thành một vị thánh tiến sĩ bổn mạng các
xứ truyền giáo. Tình yêu đã khiến cho mẹ Tê-rê-sa Calcutta, một nữ tu nhỏ bé được
cả thế giới gọi bằng ‘Mẹ’ với lòng kính trọng, nể phục…. Cũng vậy, nước trời có
sức phát triển, lan rộng là nhờ tình yêu: tình yêu hy sinh, tình yêu dâng hiến,
tình yêu phục vụ, quên mình cách vô vị lợi – đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã
dùng cả cuộc đời để rao giảng và minh chứng và di ngôn lại cho các môn sinh của
người.

Sứ điệp Tin Mừng nuớc Thiên Chúa thoạt đầu
xem ra không có sức hấp dẫn gì đối với người nghe, cụ thể là đối với người Do
Thái thời đó, họ đã từ chối lời của Đức Kitô và từ chối chính Ngài. Nhưng một
khi nước Thiên Chúa được rao giảng cho con người thì sứ điệp Tin Mừng đó sẽ tự
len lõi vào trong tâm hồn con người và tự lớn lên. Sự phát triển không ngừng của
Hội Thánh Chúa cho chúng ta niềm xác tín ấy, và cũng chính điều đó mà chúng ta
khẳng định “truyền giáo” là một trong những đặc tính của Giáo Hội. Dù bị bắt bớ,
dù bị từ chối và khinh chê nhưng Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng Lời Thiên Chúa
cho con người, vì Giáo Hội tin vào sức sống mãnh liệt của Thánh Thần Chúa sẽ thực
hiện điều kỳ diệu.

Do đó, qua hai dụ ngôn “hạt cải” và “men
trong bột” hôm nay cũng mời gọi mỗi chúng ta tin tưởng và phó thác vào Thiên
Chúa, vì Chúa luôn quan phòng và đang hoạt động âm thầm trong Hội Thánh, cũng
như trong mỗi người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta an tâm, kiên trì và bền đỗ trong
mỗi ngày trong sứ mạng truyền giáo của mình.

Huệ Minh