Bởi, khi đối thoại
con người đi vào mối tương quan mật thiết với nhau, nhờ đó mà họ lắng nghe, cảm
thông và chia sẻ với nhau, nhờ đó mà con người biết sống tinh thần tương thân,
tương ái. Có rất nhiều loại đối thoại, có thể là giữa cha mẹ và con cái, bạn bè
với nhau,…hay xa hơn đó là đối thoại giữa các quốc gia, hay các tôn giáo. Quả
vậy, con người là một hữu thể có tương quan. Nhờ có tương quan mà con người duy
trì được sự sống. Cho nên, đối thoại là hành động chúng ta nên duy trì để tạo bầu
khí bình an trong trái đất này.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, với sự phát triển
vũ bão của các ngành công nghiệp, điều này, đã và đang làm cho con người mất đi
mối tương quan với nhau. Họ bị sự phát triển của xã hội chế ngự, cho nên, con
người dần thu mình trong những vỏ bọc riêng, trở nên ích kỷ, ghen tuông và phớt
lờ đi sự hiện diện của những người chung quanh. Bên cạnh đó, một số quốc gia với
nhau, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, hay cạnh tranh một cách bất chính mà trở nên
hung bạo, đàn áp lẫn nhau, họ mất đi sự kiên nhẫn để lắng nghe, đồng cảm để thấu
hiểu và tấm lòng bao dung để thứ tha. Điều này, đã khiến hàng triệu người phải
chết vì những cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô số người lâm cảnh đói khát, thiếu
thốn bởi sự vô tâm, vô cảm của chúng ta. Vậy, là một hữu thể đang hiện hữu nơi
trần gian, tôi phải làm gì?
Hơn bao giờ hết, con người luôn được mời
gọi kiến tạo và xây dựng một thế giới hòa bình. Chính trong bài Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giê-su đã nói với ông Gio-an rằng: “Ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta.”. Điều này, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, đừng bao giờ từ chối,
ngăn cản hay loại bỏ đi một người anh em nào, nhưng hãy biết nhìn nhận họ như
người anh, người chị của mình. Bởi, con người chỉ tồn tại được nếu biết liên kết
với nhau. Hơn nữa, chúng ta có thể khác biệt về màu da, sắc tộc hay tôn giáo,
nhưng chúng ta phải biết xóa bỏ mọi rào cản đó để tiến tới sự hiệp nhất và bình
an. Đâu đó bên cạnh chúng ta, vẫn còn có những người có ý thiện lành, mặc dầu,
họ có thể khác biệt với chúng ta về nhiều mặt, nhưng chúng ta hãy là những chiếc
cầu để nối kết mọi người với nhau trong tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha Fanxico luôn mời gọi mỗi
người chúng ta tiến tới sự hiệp nhất bằng đối thoại. Bởi, chính lúc đối thoại
là lúc chúng ta bỏ đi cái tôi cá nhân, để lắng nghe, thấu hiểu từ đó biết kết hợp
với nhau giúp nhau vượt qua mọi khó khăn. Hơn thế nữa, là người Kitô hữu, chúng
ta phải ý thức được giá trị của đối thoại trong việc hiệp nhất, để nối kết mọi
người với nhau. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Kiến tạo những nhịp cầu
giữa các anh em Công giáo, Do Thái, và các truyền thống tôn giáo khác bằng cách
cung cấp sự hiểu biết toàn diện, sự cống hiến và lòng gắn bó với các vấn đề
liên tôn cho thế hệ kế tục các nhà lãnh đạo tôn giáo.”
Thứ đến, đối thoại rồi chúng ta phải biết
nêu gương để từ đó người ta nhận ra được khuôn mặt của Đức Kitô đang sống nơi mỗi
người. Quả thế, chúng ta mang danh Kitô hữu, cho nên, trong cung cách sống về lời
ăn, tiếng nói và hành động chúng ta phải cố gắng nên giống Chúa mỗi ngày. Đó là
nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh
em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng
đâu.”(Mc 9, 42). Điều này, nhắc nhở chúng ta về thực hành Đức ái Kitô giáo
trong đời sống, qua việc bé nhỏ như thăm viếng người nghèo khổ, neo đơn hay bị
bệnh tật, đó là lúc chúng ta đang chăm sóc Đức Kitô nơi đời thường.
Thật vậy, việc từ bỏ những giới hạn của
bản thân để nhường chỗ cho nhu cầu của tha nhân thật khó đối với chúng ta. Bởi,
chúng ta luôn bị đè nặng bởi tham sân si, những ích kỷ, hẹp hòi nơi cá nhân.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã hứa phần thưởng cho chúng ta sau này đó là: “Anh em
hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng
đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu
nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”(Lc 6, 38). Điều
này, mở ra cho chúng ta niềm hy vọng khi chúng ta thực hành Đức ái cho tha
nhân. Hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi trở nên “men” và “muối” giữa đời thường,
cho nên mỗi người phải biết nêu gương sáng cho nhau nơi môi trường sống của
mình.
Với hai việc làm trên, thiết nghĩ, đó là
những phương thức hữu hiệu nhất trong việc thực thi huấn lệnh của Chúa Giê-su:
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ”(Mt 28, 19). Qua đối thoại,
giúp mỗi người ở lại với nhau để lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông, từ việc đó
chúng ta phải biết xây dựng niềm tin qua đời sống thường ngày của chúng ta.
Ngày hôm nay, vẫn còn đó những rào cản,
khúc mắc giữa con người với nhau, giữa các quốc gia và tôn giáo. Ước mong rằng,
mỗi chúng ta là những tia hi vọng biết thắp lên những ánh sáng giữa lòng nhân
loại, để từ đó mà người ta nhận thấy được khuôn mặt của Đức Kitô đang sống giữa
lòng nhân loại. Amen!
Mọn Hèn