|
Thánh Padré Pio tên thật là Francesco
Forgione sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 tại Pietrelcina, Benevento, miền Nam nước
Ý Đại Lợi trong một gia đình nông dân. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa
nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập
dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động
viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải
ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni
Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20/9/1918, trong lúc cầu nguyện
cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt,
ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp
hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem
Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt
ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội.
Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên,
sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống
khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít
khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau
Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời
gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài.
Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường
kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người
nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả
sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được
xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi năm
1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc
xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện
chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình
thành với 350 giường bệnh.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành
qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt
sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo
dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.
Một trong những sự đau khổ của Cha Piô
là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho
là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và
không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định
của các giới chức trong Giáo Hội. Cha Piô qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Hai mươi chín năm sau, các nhân đức và sự
thánh thiện của Đấng Đáng Kính Piô được Đức Giáo Hoàng John Paul II công nhận
ngày 18 tháng 12 năm 1997 và hai năm sau Đức Thánh Cha đã tôn phong ngài lên bậc
Chân Phước ngày 02 tháng 5 năm 1999.
Đức Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận
một phép lạ chữa lành chứng sưng màng óc của bé Matteo Pio Colella, 7 tuổi con
trai của một bác sĩ làm việc cho nhà “Chữa trị cho Người đau khổ” tại bệnh viện
ở San Giovanni Rotondo do sự cầu bầu của Chân Phước Pio ngày 20 tháng 12 năm
2001. Đức Thánh Cha John Paul II đã nâng Chân Phước Piô ở Pietrelcina lên hàng
hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002 tại quảng trường Thánh Phêrô, Rome.
Dừng lại một chút, ta đọc lại khi khởi đầu
sứ vụ của Chúa Giêsu, khởi sự bằng việc Chúa nhận phép rửa Gioan trên sông
Giođan. Gioan Tẩy Giả khi thấy Chúa đang tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu
với dân chúng biết về Chúa Giêsu: “đây chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần
gian” (Ga 1, 29). Lời giới thiệu của Gioan đã khẳng định sứ vụ và ơn cứu độ của
Chúa sắp được tỏ hiện giữa trần gian.
Sau những năm tháng Chúa Giêsu ẩn dật sống
dưới mái ấm gia đình Thánh Gia. Người bắt đầu công khai lộ diện công bố Tin Mừng
cứu độ giữa dân chúng, danh tiếng Chúa đã vang cùng khắp nơi, vì Người đã đem
tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những
lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết
nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải
chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21). Người đã hai lần
làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi
người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và
hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15,
32-39).
Bốn sách Tin Mừng còn ghi chép nhiều
phép lạ khác Chúa Giêsu đã làm trong dân chúng. Riêng Tin mừng Thánh Gioan viết
câu kết: “Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một,
thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. (Ga
21 ,25)
Những việc Chúa làm trong sứ vụ rao giảng
Tin Mừng, Hêrôđê cũng biết tất cả những việc Chúa làm, và ông cũng muốn tìm
cách để gặp Người. Nhưng điều đáng tiếc Hêrôđê đã không tìm đến để gặp Chúa, vì
trong ý nghĩ của Hêrôđê muốn tìm cách gặp
Chúa không giống như các trường hợp khác được ghi chép trong các sách Tin Mừng
như: niềm tin của người phụ nữ bị bệnh băng huyết lâu năm chen lấn giữa đám
đông để mong chỉ đụng được vào gấu áo của Người (Mc 5, 25-34), như anh chàng
Bartimê thành Giêricô mù từ thuở mới sinh kêu gào gọi tên Giêsu khi Người đi
ngang qua anh ta (Mc 10, 46-52) hay trường hợp ông Gia-kêu nghĩ ra cách trèo
lên cây sung để dễ dàng nhìn thấy Chúa (x Lc 19, 1-10).
Đặc biệt hơn với lòng tin của viên đại đội
trưởng xin Chúa chữa cho đầy tớ đang nằm liệt bệnh ở nhà (Lc 7, 1-10). Tất cả họ
đến gặp Chúa trong tâm tình yêu mến phát xuất tự trong đáy lòng họ. Họ đến với
Chúa vì họ tin tưởng vào ơn cứu độ Chúa sẽ ban cho họ.
Với Hêrôđê ông ta muốn tìm cách gặp Người
chỉ vì hiếu kỳ, muốn được nhìn thấy Người làm phép lạ để ông ta xem. Cái chết của
Thánh Gioan Tẩy Giả vì Gioan đã mạnh dạn lên tiếng về thái độ của Hêrôđê muốn
chiếm đoạt vợ của em mình (Lc 3, 19), tuy Hêrôđê nể phục Gioan nhưng ông không
biết sửa những điều mình làm sai, qua những lời Gioan đã góp ý với ông, Hêrôđê
đã bị nhục dục làm chủ, chỉ vì một lời hứa với con gái người tình, mà ông đã ra
lệnh chém đầu Gioan (Mc 6, 17-29).
Đặt trường hợp nếu Hêrôđê có dịp gặp
Chúa Giêsu, thì chắc chắn ông sẽ bị Chúa Giêsu phê phán cách kịch liệt hơn.
Trong suốt ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Hêrôđê không được hạnh phúc
nhìn thấy Chúa, chỉ một lần duy nhất được diện kiến Chúa khi Người bị bắt giải
từ dinh tổng trấn Philatô sang cho Hêrôđê. (Lc 23, 8).
Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn
vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống
tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu
sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng.
Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ
mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện
diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành
một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống
tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi
hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một
cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa,
người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.
Huệ Minh