|
Đọc Tin mừng (Mt 9, 9-13) nhân ngày lễ
Thánh Ma-thêu, Tông đồ, tác giả sách Tin mừng, chúng ta bắt gặp 3 hình ảnh đáng
để chúng ta suy nghĩ:
Hình ảnh đầu tiên, là hình ảnh Đức
Giê-su, Đấng đến để kêu gọi tội lỗi chứ không đến để gọi người công chính. Đức
Giê-su, hiện thân Lòng Thương xót của Thiên Chúa đã đến trần gian để cho mọi
người được sống và sống dồi dào. Vì yêu thương, Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su
luôn đi bước trước để kêu gọi con người. Thiên Chúa chủ động trong việc cứu độ
con người. Hình ảnh cảm động hôm nay là Đức Giê-su đã kêu gọi Ma-thêu khi đi
ngang qua trạm thu thuế. Là Thiên Chúa hữu hình, Đức Giê-su thấu suốt mọi tư tưởng,
mọi tâm can của con người. Nên Ngài biết Mat-thêu đang nghĩ gì, đang ‘vướng bận
điều gì’, đang thao thức điều gì dù ngồi trên đống tiền nhưng tâm hồn ông có lẽ
bất an và chán chường. Vì mục đích đến giải thoát con người khỏi mọi âu lo, khỏi
mọi hoang mang lo sợ và giải thoát con người khỏi tội lỗi, nên Đức Giê-su đã
không ngần ngại để kêu gọi Ma-thêu đi theo Ngài. Một tình yêu nối kết, một tình
yêu giải thoát của vị Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
Hình ảnh thứ đến là hình ảnh Ông
Ma-thêu, người thu thuế. Đây là một nghề béo bớ, dễ hái ra tiền. Vì cộng tác với
đế quốc Rô-ma để thu tiền của dân, nên dân Do Thái đã coi ông như là tên phản
quốc, tên lưu manh, tên trộm cướp,…Ông bị người ta khinh bỉ, coi thường và là đối
tượng để người ta bàn tán xì xào. Xem ra ông như bị loại trừ và bị kết tội rất
nặng nề với cái nghề của ông. Ông ngồi trên đống tiền, ông giàu có về kinh tế,
về lối sống bên ngoài, nhưng bên trong chắc tâm hồn ông nặng trĩu với những bất
an, những xao xuyến, khổ sở vì bị khinh miệt và thành kiến. Biết làm sao đây? Bỏ
cuộc ư? Bỏ nghề thu thuế ư? Ông suy nghĩ và thao thức nhiều lắm nhưng hình như
bị rối và không thể nào tự mình thoát ra được. Thật may mắn cho ông, ông đã
nghe được tiếng mời gọi Giê-su: Anh hãy theo tôi. Không một đắn đo và suy nghĩ,
ông đã đứng dậy phắt bỏ lại mọi thứ để đi theo Đức Giê-su. Giê-su như là vị cứu
tinh của ông. Ông vui mừng khôn xiết! Ông đã mời Đức Giê-su vào nhà để dùng bữa
với ông. Không những chỉ có mình ông, niềm vui của ông đã thôi thúc ông mời
thêm các bạn đồng nghiệp của ông vào dùng bữa với Giê-su. Chúng ta có thể hình
dung bầu khí bữa ăn thật hạnh phúc, thật rôm rả, thật vui tươi, vì kẻ tội nhân
được Thiên Chúa viếng thăm. Chắc chắn họ rất bình an và tràn ngập niềm vui khi
được gặp Đức Giê-su và ngồi đồng bàn với Ngài. Đúng là gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi
cuộc đời mình. Một tội nhân, một người bị loại trừ nay được biến đổi và trở nên
chứng nhân sống động của lòng thương xót nhờ việc đáp lại lời mời gọi của Đức
Giê-su và được gặp gỡ Ngài. Thật vậy, để trở nên tác giả Tin Mừng, người loan
báo tin vui Phục sinh cho muôn người, Ma-thêu đã trải qua một hành trình ơn gọi
thật huyền diệu: từ con người bị xem là tội lỗi, bị loại bỏ nhưng nhờ tiếng gọi
Giê-su, ông đã thay đổi và trở nên dụng cụ hữu hiệu cho việc loan báo Tin mừng
của Đức Giê-su.
Hình ảnh tiếp theo, đó là những người
Pha-ri-sêu. Họ là những người chỉ luôn rình mò để lên án, chỉ trích người khác.
Họ chỉ nệ luật mà không có lòng vị tha. Họ đã không thể chấp nhận việc Đức
Giê-su ngồi ăn đồng bàn với hạng thu thuế và quân tội lỗi, cụ thể là Ma-thêu. Họ
luôn luôn tìm cách để dèm pha và loại bỏ người khác. Họ quên mất rằng người khoẻ
mạnh không cần thầy thuốc, người bệnh tật mới cần. Họ không biết rằng Đức
Giê-su đến để cứu chữa những người tội lỗi. Họ tự cho mình là người khoẻ mạnh,
là người công chính để lên án kẻ khác thì họ sẽ không bao giờ được cứu độ và
đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Suy xét:
Tôi có thật sự nhận ra mình có tội
không? Tôi có muốn gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô mỗi ngày để trở nên thánh không? Hay
tôi đang giống như các người Pha-ri-sêu là tự cho mình hoàn hảo để lên án tha
nhân? Đức Giê-su có thật sự là đối tượng ưu tiên của cuộc đời tôi hay là tiền bạc,
nhục dục và quyền lực?
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương